Vỏ quýt dày có móng tay nhọn – Bí kíp có “một không hai” của lính xe tăng Việt Nam
Hôm nay ngày 1/12, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 11 tháng năm 2024, giải pháp năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Trung ương lần đầu tiên công bố phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với những định hướng cụ thể.
Phải dùng 2 chữ thần tốc để diễn tả hết những gì đang diễn ra trong việc triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Định hướng sắp xếp đề cập tới hầu như tất cả các cơ quan, tổ chức của cả 3 bộ phận hợp thành hệ thống chính trị nước ta là Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, Nhà nước mà cụ thể là Quốc hội và Chính phủ. Điểm chung nổi bật của phương án là gọn bộ máy thông qua kết thúc hoạt động của tổ chức, qua sáp nhập các cơ quan lại với nhau, chuyển chức năng, nhiệm vụ về cơ quan, tổ chức đang hoạt động…
Có thể nói sự khẩn trương trong triển khai cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy là rất rõ. Thậm chí 2 chữ khẩn trương chưa diễn tả hết, mà phải dùng 2 chữ thần tốc mới phù hợp với những gì đang diễn ra trong triển khai cuộc cách mạng này, bởi chỉ trong vòng mấy tháng của năm 2024 đã hình thành ra và bắt đầu triển khai cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị.
Lấy mốc là ngày 3/8 khi ông Tô Lâm được Ban chấp hành Trung ương bầu giữ chức Tổng Bí thư thì sau đó hơn 1 tháng, vào ngày 20/9, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm mới chỉ đề cập: “Tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng thực sự là hạt nhân trí tuệ, là ‘bộ tổng tham mưu’, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước…”.
Nhưng chỉ hơn một tháng sau, trong bài viết ngày 5/11 “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phân tích một cách sâu sắc những bất cập về tổ chức của hệ thống chính trị nước ta và lần đầu tiên sử dụng từ cách mạng: “Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử của đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới”.
Tinh thần này được Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11: “Xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18/NQ-TW và sắp xếp hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…”.
Nhìn lại việc chuẩn bị các chủ trương, chính sách lớn của Đảng thì thường là cả một quá trình khá lâu, từ nghiên cứu chủ trương, chính sách, đưa ra Hội nghị Trung ương thảo luận, thông qua thành nghị quyết. Kế đến là phổ biến, quán triệt triển khai, chuyển tải thành chương trình hành động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, thể chế hóa thành pháp luật của nhà nước… Quá trình này thông thường nhanh cũng cả 1 năm, có khi còn dài hơn.
Nhưng lần này khác hẳn. Chỉ trong vòng 4 tháng đã có phương án, đã có định hướng sắp xếp cụ thể. Một tốc độ xưa nay hiếm. Một sự thần tốc đáng kinh ngạc.
Điểm thứ hai làm nên đặc điểm của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này là sự quyết liệt. Điều này thể hiện rõ trong phương án, định hướng Trung ương đưa ra. Quyết liệt không có ngoại lệ. Tất cả các cơ quan, tổ chức của cả hệ thống chính trị đều được nêu ra để xem xét.
Nho nhỏ như những tạp chí, báo của một loạt các cơ quan, đoàn thể đến to to cỡ như các tổng cục, rồi to hẳn như các bộ và ủy ban của Quốc hội đều nằm trong diện cải cách, sắp xếp lại. Những con số giảm tổ chức theo định hướng nêu ra như Chính phủ giảm 5 bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội giảm 4 ủy ban… cho thấy mức độ quyết liệt của đợt sắp xếp tổ chức lần này.
Chưa ai tính ra con số cụ thể nếu thực hiện việc sắp xếp tổ chức như Trung ương dự kiến thì số người giảm đi là bao nhiêu, số tiền chi cho hoạt động các cơ quan sau sắp xếp sẽ giảm được bao nhiêu, nhưng chắc cũng là một khoản không nhỏ. Và điều quan trọng hơn chính là thông qua tổ chức lại mà hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị nước ta sẽ hiệu lực, hiệu quả hơn. Điểm nghẽn đang cản trở kỷ nguyên phát triển mới của đất nước – kỷ nguyên vươn mình theo đó sẽ dần được khai thông, tạo đà cho phát triển.
Điểm thứ ba là việc Trung ương định hình và chỉ đạo triển khai cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đã cho thấy vai trò của tập thể Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, mà trước hết là vai trò và trí tuệ của người đứng đầu Đảng ta. Lịch sử phát triển của đất nước ta đã khẳng định vấn đề có tính quy luật, đó là vào thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử, của sự phát triển, đất nước luôn nuôi dưỡng và sản sinh ra những con người đủ khả năng chèo lái con thuyền đưa đất nước vượt qua thử thách, chông gai để tiến lên phía trước.
Không có một tầm nhìn sâu rộng, không có một bề dày kinh nghiệm thực tiễn, không có một quyết tâm chính trị phải làm ngay, không thể chậm trễ, chắc Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khó có thể chỉ trong vòng một thời gian ngắn hội tụ được sự đoàn kết trong ban lãnh đạo cao nhất của Đảng để hoạch định được một chiến lược quan trọng với tên gọi cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, chuyển tải thông điệp đó đến toàn bộ đảng viên, đến toàn xã hội tạo ra sự đồng thuận lớn trong cả nước. Bản lĩnh và trí tuệ người đứng đầu hệ thống chính trị chắc chắn sẽ là một trong những bảo đảm cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng này.
Bích Ngân