+
Aa
-
like
comment

Võ Đắc Danh – hãy “thương người” với “lương tri trong sáng”

Komi - 10/12/2020 18:14

Võ Đắc Danh – một “nhân vật truyền thông mạng xã hội” gần đây được dư luận chú ý hơn khi liên tục sử dụng Facebook, Youtube cá nhân của mình nhằm đăng tải những bài viết, video bình luận về vấn đề ở Thủ Thiêm với những từ ngữ mang tính tố cáo, phê bình xã hội gay gắt. Thoạt đầu, tưởng rằng nội dung mà Võ Đắc Danh đưa ra sẽ thể hiện đúng với cái danh “người nông dân cầm bút” đứng về phía “khổ đau” như người đời phong cho anh. Nhưng không, anh dường như chỉ lợi dụng cái “khổ đau” của người khác để tư lợi cho cá nhân mình.

Trước hết, nhắc lại vấn đề Thủ Thiêm là nhắc lại một trong những bài học đắt giá cần rút ra trong tiến trình phát triển đô thị hóa, với đòi hỏi phải bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội tại Việt Nam. Biết bao nhiêu người dân nghèo đã phải chịu hậu quả nặng nề trong hàng chục năm, sống tạm bợ trong khu nhà đổ nát, đi khắp các cơ quan để khiếu nại, phản ánh bức xúc,…

Cảnh người dân khó khăn, khổ sở, chịu nhiều bất công là sự thật, nhưng việc mang câu chuyện đau xót này ra bằng những lời so sánh, đánh giá thiếu khách quan liệu có phải là sự cảm thông hay chỉ là sự lợi dụng, cố tình khoét sâu thêm nỗi đau của những người nghèo khổ.

Võ Đắc Danh trong những “ngòi bút” của mình có đặc biệt so sánh những người dân Thủ Thiêm với chị Dậu, chí Phèo,… mà theo anh ta, những nhân vật văn học hiện thực xa xưa cũng không phải chịu oan khuất, bất công như người dân Thủ Thiêm bây giờ. Anh ta cho rằng xã hội của những người như chị Dậu, chí phèo,… là hư cấu lại cũng không thể so sánh được với “những con người có thật như chị Vinh, chị Phượng, bà Giáp, cô Mỹ . . . ở Thủ Thiêm”.

Rõ ràng, là một nhà văn, Võ Đắc Danh đã phát huy lợi thế ngôn từ của mình bằng những so sánh đối lập mang đậm tính văn chương nhằm thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, cái giá trị đích thực của một nhà văn cần có thì Võ Đắc Danh dường như đã bỏ quên.

Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan,… trở thành những nhà văn nổi tiếng bởi những tác phẩm văn học hiện thực, ở thời điểm xã hội Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX. Khi ấy, nhân dân Việt Nam đang dưới cái ách thống trị của thực dân, đế quốc, cùng với đó là sự bóc lột của bọn cường hào, ác bá khiến cho nhân dân lâm vào nỗi thống khổ. Hiện thực của cuộc sống được các nhà văn ghi lại với những ngòi bút chân thực mà đại diện chính là những chí phèo, chị Dậu,… Giá trị của hiện thực khách quan được cụ thể bằng những sự việc, tình huống cụ thể.

Với Võ Đắc Danh, dù cũng muốn phê phán hiện thực xã hội, cụ thể là câu chuyện tại Thủ Thiêm nhưng cái khác so với những nhà văn thế kỷ XX là ngòi bút của anh ta không có tính chân thực.

Võ Đắc Danh cho rằng người dân tại Thủ Thiêm còn chịu nhiều bất công hơn chị Dậu, chí phèo xưa kia mà không nghĩ rằng chị Dậu, chí phèo đến lúc chết cũng không ai bảo vệ công bằng cho họ. Chí phèo chết đi, chị dậu đến cuối cùng cũng chỉ nhìn thấy tương lai với màn đêm đen tối nhất,… Đó là thể hiện của sự bế tắc của những con người cùng khổ, họ không còn bất kỳ một cơ hội nào để được tự do mưu cầu hạnh phúc, công bằng.

Võ Đắc Danh đang lợi dụng chuyện Thủ Thiêm để lấy danh tiếng?

Những người dân ở Thủ Thiêm hiện nay thì khác. Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương khi làm rõ vụ việc ở Thủ Thiêm đều tập trung giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân. Những người chịu thiệt hại, những người phải chịu bức xúc được quan tâm đáp ứng nguyện vọng, được nói lên suy nghĩ và được bảo vệ công bằng. Hiện nay, UBND quận 2, thành phố Hồ Chí Minh và Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm đã chuẩn bị 198 nền đất tại Bình Khánh để phục vụ bồi thường cho người dân tại khu 4,3 ha.

Mặt khác, những người có sai phạm liên quan đến Thủ Thiêm đều sẽ bị xử lý nghiêm. Hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật như ông Lê Thanh Hải – nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 (kỷ luật cách chức); ông Lê Hoàng Quân – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 (kỷ luật cảnh cáo)…

Có thể thấy, việc Võ Đắc Danh miêu tả câu chuyện tại Thủ Thiêm với những đánh giá, so sánh kiểu nửa vời dường như chỉ muốn khoét sâu vào nỗi đau khổ của người dân. Anh ta không thể hiện được sự đồng cảm với những “người cực khổ” mà chỉ lợi dụng “sự cực khổ” ấy tạo thành điểm nóng nhằm “quảng bá” hình ảnh cá nhân qua những trang mạng xã hội. Nếu thương người với lòng lương tri, có lẽ Võ Đắc Danh đã phải hàn gắn vết thương cho những người dân nghèo khi họ và chính quyền địa phương đang thống nhất bàn bạc những giải pháp tốt nhất chứ không phải không dùng “ngòi bút máu” của mình để đẩy mâu thuẫn tăng lên như thế này!

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều