VNeID tiếp nhận hơn 4,3 triệu góp ý sửa đổi Hiến Pháp 2013
Sau 7 ngày triển khai, ứng dụng VNeID đã tiếp nhận hơn 4,3 triệu ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Thông tin này được thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, chia sẻ tại hội thảo về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 do Bộ Tư pháp tổ chức vào chiều 14/5.

Trong số những người góp ý kiến, cán bộ công an chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 16.360 người (14,8%), hơn 8.400 giáo viên, 5.458 công chức, 3.238 công nhân và 2.616 học sinh.
Các địa phương có tỷ lệ người dân tham gia góp ý cao là Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, Điện Biên, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa…
Trước đó, từ ngày 7/5, tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 được tích hợp trên ứng dụng VNeID. Để được tham gia đóng góp ý kiến, người dân cần tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Khi gửi ý kiến, đầu tiên, người dân đăng nhập vào ứng dụng hoặc website vneid.gov.vn bằng tài khoản định danh điện tử mức 2 đang hoạt động, sau đó truy cập vào mục “Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013”. Cuối cùng, người dân nhập nội dung góp ý rồi ấn vào gửi thông tin.
Các ý kiến sẽ được Bộ Công an tổng hợp và gửi Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo chung của Chính phủ.
Sau khi có dữ liệu, C06 sẽ cung cấp cho lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn thêm một kênh nắm bắt dư luận hiệu quả, phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo, triển khai nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng.
Sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, dự kiến sửa đổi theo hướng tổ chức chính quyền địa phương thành hai cấp để nâng cao hiệu quả và phù hợp với xu thế phát triển.
Điều 110 của Hiến pháp 2013 hiện quy định hệ thống đơn vị hành chính ba cấp (tỉnh, huyện, xã) với hơn 10 loại hình khác nhau.
Ngoài ra, một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo sửa đổi là làm rõ vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.
Thảo Nguyên