+
Aa
-
like
comment

VN sẽ thắng TQ với 2 vũ khí “quan trọng và sắc bén”

21/04/2020 15:22

Việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” thuộc Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đang gây bức xúc trong dư luận cả nước và cộng đồng quốc tế.

Tàu Hải cảnh số hiệu 46102 Trung Quốc rượt đuổi tàu Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam)

Ngày 18/4, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “khu Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Trao đổi với PV Dân Việt về sự việc phi lý này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng đã có những phân tích, lập luận để làm rõ sự ngang ngược của Chính phủ Trung Quốc.

Theo ĐBQH Nguyễn Bá Sơn, việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “khu Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”  là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

“Căn cứ theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, Nghị Quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc thì việc làm của Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị và sai trái. Thay mặt giới luật gia, cử tri và nhân dân TP.Đà Nẵng, địa phương có huyện đảo Hoàng Sa, tôi cực lực phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc huỷ bỏ quyết định sai trái nói trên’, ông Sơn nói.

Người đại diện cho tiếng nói của cử tri, nhân dân TP.Đà Nẵng khẳng định rằng, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Sơn dẫn chứng cụ thể: “Tại Công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 30/3/2020, Chính phủ Việt Nam đã nhắc lại: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Theo đó, Việt Nam đã có chủ quyền lâu đời trên hai quần đảo này và được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng phân tích thêm: ” Việc Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp. Điều này được quy định tại Điều 2 (4) của Hiến chương Liên hợp quốc và Nghị Quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970, theo đó nghiêm cấm việc dùng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác và “các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”.

Với những chứng lý nêu trên, ông Nguyễn Bá Sơn một lần nữa khẳng định việc tuyên bố thành lập chính quyền quản lý các khu vực này của Trung Quốc đi ngược lại luật quốc tế. Việc làm này càng thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi đồng loạt triển khai nhiều hành động cả trên thực địa, pháp lý, hành chính như vậy.

trung quoc ngang nguoc lap tay sa, dbqh noi ve 2 vu khi quan trong va sac ben cua viet nam hinh anh 2
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn khằng định Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Trước việc Trung Quốc thường xuyên có những hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng cũng nêu ra những ý kiến của riêng mình về các đối sách nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của đất nước. Trong đó, nhấn mạnh “vũ khí quan trọng và sắc bén nhất” mà chúng ta đang có được và cần phải được sử dụng một cách hiệu quả đó là luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và các quy định liên quan.

Ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng: “Việc dẫn chiếu các quy định của luật pháp quốc tế với các bằng chứng về chủ quyền lâu đời của Nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử của đất nước và tính phù hợp với pháp luật quốc tế về chủ quyền của Nhà nước Việt Nạm đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rất quan trọng và cần thiết trong giai đoạn đấu tranh này. Bất cứ hành động nào không tuân thủ pháp luật quốc tế đều sẽ dẫn đến những bất lợi cho chúng ta. Vì vậy, việc giải quyết các vấn đề Biển Đông và vấn đề chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với các quần đảo nói trên cần được thực hiện kiên trì và nhất quán.

Mới đây, việc Chính phủ Việt Nam ban hành và gửi Công hàm ngày 30/3/2020 lên Hội đồng Liên hợp quốc, đồng thời đề nghị lưu hành công hàm này là một bước đi thể hiện tính nhất quán nói trên. Tôi nhận thấy nhà nước ta đang thể hiện mạnh mẽ từng bước đi vững chắc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hướng đến một cơ chế pháp lý Toà án quốc tế cho vấn đề chủ quyền của nhà nước ta đồi với hai quần đảo nói riêng và vấn đề Biển Đông nói chung. Đó là những bước đi vững chắc”.

DV

Bài mới
Đọc nhiều