+
Aa
-
like
comment

VN lập 2 lữ đoàn xe tăng hoàn toàn mới: “Nắm đấm thép” trấn giữ những địa bàn chiến lược

15/10/2019 14:42

Trong phim tài liệu “Bộ đội Tăng thiết giáp – 60 năm một chặng đường lịch sử”, Binh chủng Tăng Thiết giáp cho biết đã tham mưu với BQP để thành lập 2 lữ đoàn xe tăng hoàn toàn mới.

VN lập 2 lữ đoàn xe tăng hoàn toàn mới: "Nắm đấm thép" trấn giữ những địa bàn chiến lược

Nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày truyền thống bộ đội tăng – thiết giáp Việt Nam (05/10/1959-05/10/2019), Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Tăng – Thiết giáp đã cho ra mắt bộ phim tài liệu “Bộ đội Tăng thiết giáp – 60 năm một chặng đường lịch sử”. Bộ phim là cuốn sử bằng hình ảnh về bộ đội tăng – thiết giáp Việt Nam, với những chiến công chói lọi, kể từ ngày thành lập đến nay.

Trong đó có một thông tin hết sức đáng chú ý đó là Binh chủng Tăng Thiết giáp đã tham mưu với Bộ Quốc phòng về việc thành lập Lữ đoàn Tăng – thiết giáp thứ 3, trên cơ sở sắp xếp lại Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1 và Lữ đoàn Tăng – thiết giáp thứ 4 tại Tây Nguyên, bảo đảm thế bố trí vững chắc trên các địa bàn chiến lược.

VN lập 2 lữ đoàn xe tăng hoàn toàn mới: Nắm đấm thép trấn giữ những địa bàn chiến lược - Ảnh 1.
Đội hình xe tăng và bộ binh trong huấn luyện đột kích chiến đấu tại Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Thông tin này gây bất ngờ lớn cho các nhà nghiên cứu quân sự, vì những phiên hiệu số 3 và số 4 chưa từng xuất hiện trong số các lữ đoàn tăng – thiết giáp thường trực trong biên chế Binh chủng Tăng Thiết giáp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Có thể đây chưa phải là phiên hiệu chính thức.

Việc thành lập thêm 2 lữ đoàn xe tăng mới được cho là nhằm tăng cường lực lượng đột kích bằng sức mạnh thép ở các địa bàn chiến lược và khắc phục chênh lệch trong thế bố trí lực lượng tăng – thiết giáp giữa hai miền Nam – Bắc bởi trước đó ta chưa đủ điều kiện để thực hiện.

Ở Việt Nam hiện tại, nếu như không kể đến các phân đội chuyên ngành sử dụng khung gầm xe thiết giáp (ví dụ như xe trinh sát hóa học trên cơ sở xe bọc thép chở quân BRDM-2), thì lực lượng tăng – thiết giáp được biên chế thành các lữ đoàn tăng – thiết giáp, trung đoàn bộ binh cơ giới và các phân đội tăng – thiết giáp. Cụ thể gồm có:

– Các lữ đoàn tăng – thiết giáp dự bị chiến lược thuộc biên chế Binh chủng Tăng Thiết giáp.

– Các lữ đoàn tăng – thiết giáp trực thuộc các quân khu, quân đoàn, làm nhiệm vụ phối thuộc hoặc độc lập chiến đấu trong đội hình quân khu, quân đoàn. Hiện mỗi quân khu, quân đoàn được biên chế 1 lữ đoàn tăng – thiết giáp.

– Các trung đoàn bộ binh cơ giới trực thuộc 3 quân đoàn 1, 2, 3.

– Các phân đội tăng – thiết giáp trong biên chế các bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành và trong biên chế các đơn vị đặc biệt. Ví dụ như Lữ đoàn 144 thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 và 147 thuộc Quân chủng Hải quân, các lữ đoàn trinh sát đặc nhiệm…

– Các phân đội tăng – thiết giáp trong các đơn vị nhà trường (Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng Thiết giáp, Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1 và 2 v.v…), chủ yếu làm nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện.

VN lập 2 lữ đoàn xe tăng hoàn toàn mới: Nắm đấm thép trấn giữ những địa bàn chiến lược - Ảnh 3.
Hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 – Nguồn ảnh: Phim tài liệu Bộ đội Tăng thiết giáp – 60 năm một chặng đường lịch sử, Cục Chính trị, Binh chủng Tăng Thiết giáp

Ở cấp độ chiến dịch – chiến lược, phần lớn các đơn vị tăng – thiết giáp và bộ binh cơ giới thường trực chiến đấu trên cả nước, thì có đa phần bố trí trên địa bàn miền bắc (từ Quân khu 4 trở ra). Trong đó có cả hai lữ đoàn dự bị chiến lược của Binh chủng Tăng Thiết giáp.

Ngược lại, ở phía Nam lực lượng tăng thiết giáp còn mỏng, đặc biệt là chưa có các đơn vị dự bị chiến lược trực thuộc Binh chủng Tăng Thiết giáp.

Với điều kiện phát triển của đất nước hiện tại việc bổ sung thêm lữ đoàn tăng – thiết giáp ở phía Nam không hề tạo thêm gánh nặng cho ngân sách, bản thân đơn vị mới được xây dựng dựa trên các đơn vị tăng – thiết giáp tại chỗ.

Mặt khác trang bị khí tài cho các đơn vị này được bổ sung từ các kho dữ trự chiến lược hiện có. Một số loại vũ khí mới được Binh chủng Tăng Thiết giáp đưa vào trang bị tại các đơn vị chiến đấu chủ lực cũng khiến số xe tăng cũ có sẵn trong biên chế dư ra. Đây chính là cơ sở cho việc đảm bảo trang bị khí tài khi xây dựng lữ đoàn tăng- thiết giáp mới ở phía Nam.

Lữ đoàn Tăng Thiết giáp thứ 3 và 4: Những quả đấm thép mới

Thực ra, phiên hiệu lữ đoàn tăng – thiết giáp thứ 3 đã xuất hiện từ lâu. Đó là một khung lữ đoàn tăng – thiết giáp được xây dựng trên cơ sở Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1. Là nhà trường đào tạo thành viên kíp xe tăng – thiết giáp hàng đầu toàn quân, trong biên chế của Trường có nhiều chủng loại xe tăng – thiết giáp khác nhau.

Theo phương án tác chiến, khi có chiến tranh, Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1 sẽ phát triển thành Trung tâm huấn luyện tăng – thiết giáp phía nam, và Lữ đoàn tăng – thiết giáp thứ 3 – một đơn vị dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng, chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tư lệnh Tăng – Thiết giáp.

Các cán bộ, giáo viên, trợ giáo, học viên kíp xe v.v… của nhà trường sẽ trở thành bộ khung của lữ đoàn tăng – thiết giáp thứ 3. Các phân đội tăng – thiết giáp phục vụ huấn luyện của nhà trường sẽ được sử dụng cho nhiệm vụ chiến đấu.

Trong chương trình “Chúng tôi là chiến sỹ” số phát sóng ngày 04/10/2019 tại Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1, có thể thấy các cán bộ nhà trường tham gia diễn tập với phiên hiệu Lữ đoàn tăng – thiết giáp 3 (hiệu trưởng nhà trường là lữ đoàn trưởng).

VN lập 2 lữ đoàn xe tăng hoàn toàn mới: Nắm đấm thép trấn giữ những địa bàn chiến lược - Ảnh 5.
Các cán bộ Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1 tham gia diễn tập dưới vai trò chỉ huy Lữ đoàn tăng – thiết giáp 3. Phiên hiệu lữ đoàn được thể hiện trên bản đồ. Ảnh: VTV.

Phiên hiệu Lữ đoàn tăng – thiết giáp thứ 4 hiện nay vẫn là một ẩn số, nhưng có thể dự đoán đây là một khung lữ đoàn tăng – thiết giáp dự bị chiến lược khác ở phía Nam.

Cần nhớ rằng, trong thập niên 1980, cùng với sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã có nhiều trung, lữ đoàn tăng – thiết giáp được thành lập và chiến đấu trong biên chế các quân đoàn tiền duyên thuộc các quân khu phía bắc, thuộc Đặc khu Quảng Ninh; hay nằm trong đội hình các mặt trận thuộc Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Thậm chí, trong thời gian cao điểm, các sư đoàn bộ binh ở tuyến đầu cũng được biên chế tiểu đoàn tăng – thiết giáp. Bước sang thập niên 1990, đa phần các đơn vị này được giải thể, chỉ giữ lại một số cán bộ, chiến sĩ để trở thành kho dự trữ. Khi có tình huống yêu cầu, các kho này có thể phá niêm xe, để trở thành các đơn vị chiến đấu đầy đủ.

Như vậy, có thể thấy: Khi cần thiết, Bộ Quốc phòng và Binh chủng Tăng – Thiết giáp vẫn có thể nhanh chóng thành lập các lữ đoàn tăng – thiết giáp mới, để sử dụng trong chiến đấu trên chiến trường miền nam.

Tuy nhiên, với đặc thù của binh chủng tăng – thiết giáp, việc rèn luyện cán bộ chỉ huy và thành viên kíp xe tốn rất nhiều thời gian, nếu như khi có chiến tranh mới phát triển đơn vị, thì chất lượng công tác chuyên môn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, việc thành lập một lữ đoàn tăng – thiết giáp dự bị chiến lược, thường trực chiến đấu trên địa bàn miền nam là rất cần thiết. Và Trường Hạ sĩ quan Xe tăng 1 đã vinh dự được giao nhiệm vụ này. Lữ đoàn mới cũng được mang phiên hiệu cũ của khung lữ đoàn thuộc nhà trường.

Theo những hình ảnh trong phim tài liệu, có thể dự đoán rằng chủ trương này đã được triển khai từ đầu năm 2019, và sẽ từng bước được cụ thể hóa. Lữ đoàn tăng – thiết giáp thứ 3 sẽ trở thành lữ đoàn dự bị chiến lược thứ ba của Bộ Tư lệnh Tăng – Thiết giáp.

Nguồn xe tăng – thiết giáp và trang bị khí tài của lữ đoàn có thể được lấy từ các kho niêm cất, hoặc các xe dôi dư từ Lữ đoàn 201 (đơn vị vừa tiếp nhận các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK thế hệ mới).

Nguồn cán bộ cho lữ đoàn có nòng cốt là các cán bộ, giáo viên, trợ giáo Trường Hạ Sĩ quan Xe tăng 3, Lữ đoàn tăng – thiết giáp 4, cũng như các đơn vị khác trong toàn quân.

Khi cần thiết, Bộ Quốc phòng có thể sử dụng một phần hay toàn bộ lữ đoàn các lữ doàn này cho nhiều nhiệm vụ chiến đấu trên các địa bàn Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, phối thuộc trong đội hình chiến đấu của Quân khu 5, Quân khu 7, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4.

Với các xe tăng – thiết giáp trong biên chế, lữ đoàn tăng – thiết giáp 3 và 4 sẽ trở thành những binh đoàn đột kích mạnh – quả đấm thép của Bộ Quốc phòng trên chiến trường miền Nam khi có tình huống xảy ra.

Sự xuất hiện của các lữ đoàn tăng – thiết giáp hoàn toàn mới dự báo một sức bật mang tính đột phá cho lực lượng tăng – thiết giáp phía Nam, tô thắm thêm truyền thống 60 năm của Binh chủng Tăng Thiết giáp Việt Nam.

Sao Mai

Bài mới
Đọc nhiều