+
Aa
-
like
comment

VKS kháng nghị việc Phan Sào Nam ‘lập công’ được giảm án tha tù trước hạn

19/04/2021 14:04

VKSND Cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy quyết định giảm án với cựu chủ tịch VTC online Phan Sào Nam, bị cáo trong vụ đánh bạc chục nghìn tỷ đồng.

Quyết định kháng nghị ký ngày 14/4, hơn hai tháng sau khi Nam ra tù.

Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm về hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong năm 2020 và 2021 của TAND tỉnh Quảng Ninh với phạm nhân Nam.

Kháng nghị nêu, tại bản án hình sự phúc thẩm tháng 3/2019, Nam bị TAND Cấp cao tại Hà Nội phạt 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền; thời hạn tính từ ngày bị bắt là tháng 10/2017. Về dân sự, Nam phải nộp hơn 926 tỷ đồng, tịch thu sung quỹ nhà nước hơn 548 tỷ đồng; tổng các khoản thi hành án là hơn 1.475 tỷ đồng.

Nam sau đó thi hành án tại Trại giam Quảng Ninh. Ngày 29/4/2020, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của trại này về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho Nam. Ngày 4/2, TAND tỉnh Quảng Ninh lần thứ hai chấp nhận đề nghị của Trại giam Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại là 3 tháng 7 ngày cho Nam. Phạm nhân ra trại ngày 6/2, sớm hơn 22 tháng so với thời hạn.

VKSND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng hai quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của TAND tỉnh Quảng Ninh là “không đủ điều kiện và không có căn cứ”.

Phan Sào Nam trong phiên tòa ở Phú Thọ, tháng 11/2018. Ảnh: Giang Huy.
Phan Sào Nam trong phiên tòa ở Phú Thọ, tháng 11/2018.

Theo VKSND Cấp cao, ngoài điều kiện Nam đã chấp hành được 1/3 án thời hạn tù phải có ít nhất sáu tháng hoặc hai quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại khá trở lên. Nhưng thực tế Nam mới được xếp loại khá quý 3/2019 còn quý 4/2019 bị loại trung bình.

Về lý do giảm thời hạn chấp hành án trong trường hợp “lập công” được TAND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận, VKS cho rằng trong quá trình tạm giam không có việc Phan Sào Nam viết thư động viên hai đồng phạm là Lê Văn Kiên và Phan Anh Tuấn ra đầu thú. Điều tra viên cũng không biết việc cựu chủ tịch VTC Online đã tác động đến gia đình hai bị can này và cũng không có tài liệu xác định trong quá trình tạm giam Nam gửi thư ra ngoài để vận động đồng phạm đầu thú.

Quý 1 năm 2020 Nam được đánh giá “tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra”. Nhưng VKS cho rằng theo tài liệu điều tra, Nam không tích cực khắc phục hậu quả. Cụ thể, anh ta đã thi hành hơn 1.314 tỷ đồng và còn phải thi hành hơn 160 tỷ đồng. Quá trình Nam chấp hành án, Cục thi hành án dân sự Phú Thọ đã bán 5 ôtô của Nam bị kê biên và mới thu được hơn 5,3 tỷ đồng.

VKSND Cấp cao cho rằng tài khoản của Nam và vợ ở Ngân hàng DBS Singapore có số dư hơn 5,3 triệu USD. Khi làm việc với Cơ quan An ninh điều tra trong lúc đang chấp hành án, Nam bị đánh giá “không hợp tác để phong tỏa tài khoản này”. Lúc làm việc với Cục thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ vào năm 2020, Nam cũng không đồng ý khấu trừ số tiền 5,3 triệu USD để thi hành nốt nghĩa vụ số tiền còn lại theo quyết định của bản án (hơn 155 tỷ đồng).

Trại giam Quảng Ninh xếp loại thi đua các quý năm 2020 cho Nam khi dựa vào đơn trình bày hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn do mẹ Nam nộp. Tuy nhiên, kết quả xác minh của VKS cho thấy “gia đình Nam không khó khăn”.

Nam không đủ điều kiện để hưởng tình tiết lập công và xếp loại thi đua khá vào các quý của năm 2020. Việc Trại giam Quảng Ninh đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đợt 30/4/2020 với Nam là “vi phạm pháp luật, cần phải hủy bỏ”. Quyết định giảm thời hạn tù vào ngày 4/2 cũng không đủ điều kiện do quyết định ngày 29/4/2020 không có căn cứ, nội dung kháng nghị nêu.

VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy hai quyết định giảm án này.

Các bị cáo tại tòa Phú Thọ năm 2018. Ảnh: Giang Huy.
Vụ án do Phan Sào Nam cầm đầu được xét xử giai đoạn 1 với 105 bị cáo, năm 2018.

Hồ sơ vụ án xác định, dưới sự bao che của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh khi đương chức và Cục trưởng C50 Bộ Công an Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC) và Phan Sào Nam (cựu chủ tịch VTC online) đã tổ chức, vận hành game đánh bạc trực tuyến RikVip và Tip.Club với hàng nghìn đại lý, thu hút hơn 43 triệu tài khoản. Trong hai năm vận hành, đường dây có doanh thu bất chính hơn 10.000 tỷ đồng.

Sau khi thu lời bất chính hơn 1.475 tỷ đồng từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Nam đã chuyển tiền lòng vòng qua nhiều khâu trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức số tiền.

Theo bản án sơ thẩm năm 2028 của TAND tỉnh Phú Thọ, Nam được ghi nhận ba tình tiết giảm nhẹ là ăn năn hối cải, cùng gia đình tích cực nộp tiền thu lời bất chính và có nhân thân tốt. Với tội Rửa tiền, Nam còn hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ là ra tự thú.

Sau phiên sơ thẩm, Nam không kháng cáo nhưng được VKSND Phú Thọ đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tự nguyện khắc phục hậu quả”. Tuy nhiên tòa phúc thẩm bác kháng nghị, y án 5 năm tù.

Hồng Anh

Bài mới
Đọc nhiều