+
Aa
-
like
comment

VKS: Bị cáo Đinh La Thăng vô trách nhiệm

12/03/2021 11:41

Đại diện cơ quan công tố cho rằng cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng vô trách nhiệm trong dự án Ethanol Phú Thọ, bất chấp pháp luật và đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng.

Sáng 12/3, ngày thứ năm xét xử vụ án liên quan sai phạm ở Ethanol Phú Thọ, đại diện VKSND Hà Nội đối đáp với quan điểm bào chữa của bị cáo Thăng và 11 đồng phạm.

Đại diện VKS khẳng định “hành vi phạm tội của ông Thăng đúng như cáo trạng”. Các quan điểm bào chữa ông Thăng đưa ra là không có căn cứ nên không có cơ sở chấp nhận. Từ ông Thăng xuyên suốt đến các thuộc cấp đã có sự thống nhất, câu kết với nhau cùng thực hiện hành vi phạm tội.

Công tố viên ba lần nhìn thẳng về phía ông Thăng đang ngồi phía dưới, nhấn mạnh: “Trong vụ án này có lợi ích nhóm tiêu cực, nhóm tội phạm câu kết với nhau thực hiện hành vi sai trái”.

Theo đó, thông báo 49 năm 2009 của Thủ tướng yêu cầu PVN thực hiện đúng quy định của pháp luật về chỉ định thầu. Với vai trò là chủ tịch HĐQT PVN, Trưởng ban chỉ đạo dự án Ethanol Phú Thọ, ông Thăng phải có trách nhiệm chỉ đạo thuộc cấp thực hiện đúng. Tuy nhiên, tại toà ông Thăng nói không có trách nhiệm phải biết về việc nhà thầu có năng lực hay không mà tất cả do PVB chỉ định “là vô trách nhiệm”.

Việc triển khai dự án là nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Công thương giao PVN. Hơn nữa, chủ trương phát huy nội lực của các cơ sở sẵn có trong tập đoàn PVN là chủ trương chung, không sai. Tuy nhiên, PVN khi giao nhiệm vụ cụ thể để thực hiện dự án lại cố tình áp đặt, chủ quan duy ý chí, không tuân theo các quy định pháp luật, VKS nêu quan điểm.

Bị cáo Đinh La Thăng tại toà. Ảnh: TTXVN.

Bác lập luận của ông Thăng cho rằng chỉ giữ vai trò trưởng ban chỉ đạo dự án, không có quyền vào công việc của chủ đầu tư là PVB, VKS cho hay PVB là công ty cổ phần ngoài tập đoàn nhưng thành lập theo chủ trương của PVN căn cứ nghị quyết ông Thăng trực tiếp ký. PVB còn là “con đẻ” của PVC, công ty thành viên của PVN. Từ đó, cơ quan công tố khẳng định PVB hoạt động chịu sự cho phối của PVN mà trực tiếp là người đứng đầu Đinh La Thăng.

VKS cho hay biết tình hình tài chính đang khó khăn nhưng ông Thăng đã chủ trương chỉ định thầu dự án Ethanol cho PVC. Hơn nữa biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol nhưng ông Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án, đã chủ trì nhiều cuộc họp, quyết liệt chỉ đạo thuộc cấp thực hiện giao thầu cho PVC.

Khi chỉ định thầu, ông Thăng đã loại bỏ các tiêu chí về năng lực của liên doanh nhà thầu mà yêu cầu PVC chỉ cần chấp nhận giá PVB đưa ra. “Ông Thăng giao nhiệm vụ để chỉ định thầu như thế là chủ quan. “Điều đó có nghĩa ông Thăng đã giao cái mà chủ đầu tư còn chưa quyết định được, khi PVB còn chưa biết PVC có thực hiện được dự án này hay không”, VKS nói và xác định hành vi làm trái của ông Thăng dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng.

Dự án Ethanol dừng thực hiện trong thời gian dài, các hạng mục công trình đến nay chưa hoàn thiện nên phát sinh các chi phí liên quan bảo dưỡng, quản lý tài sản,… Do đó, thiệt hại trong dự án này không chỉ là tiền lãi ngân hàng phát sinh sau 10 năm mà còn nhiều loại thiệt hại kinh tế khác như cáo trạng đã quy kết.

Các bị cáo tại toà. Ảnh: Nam Anh.
Các bị cáo tại toà. Ảnh: Nam Anh.

Trước đó một ngày, trong phần tự tranh luận, ông Thăng nêu quan điểm rằng luận tội của đại diện VKS giống hệt cáo trạng. Xuyên suốt cáo trạng chỗ nào cũng nhắc đến Đinh La Thăng. Ông cho rằng không phải chủ mưu mà chỉ làm trách nhiệm của người đứng đầu để triển khai khi dự án đã nằm trong tổng thể phát triển của PVN, đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo ông, dự án Ethanol Phú Thọ tạm dừng do nhiều nguyên nhân chứ không phải do năng lực nhà thầu. Trong đó nguyên nhân số một là không có tiền. Đây là lần thứ 6 ra toà và thấy 5 lần trước VKS đều luận tội giống cáo trạng. Lần này, bị cáo mong HĐXX tiếp thu ý kiến của mình để dân chủ, khách quan sao cho phù hợp.

Theo cáo trạng, năm 2007 ông Thăng ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty Cổ phần hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.

Tháng 2/2009, dự án được phê duyệt xây dựng tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng. Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.

Cáo trạng xác định, biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về Ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án, đã chủ trì nhiều cuộc họp, “quyết liệt” định hướng giao thầu cho PVC. Hành vi làm trái của ông Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng.

Dự án đang bỏ hoang. Ảnh: Phạm Dự
Dự án đang bỏ hoang. Ảnh: Phạm Dự

VKS đề nghị phạt ông Thăng 12-13 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự.

Cựu chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị phạt 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; 10-11 năm tù về Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Đây là người duy nhất trong vụ án bị truy tố hai tội danh.

9 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 30 tháng đến 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều