+
Aa
-
like
comment

“Virus tham nhũng CDC Hà Nội” giữa dịch bệnh Covid-19

Phạm Minh Hà - 27/04/2020 10:09

Càng cảm phục đội ngũ các y bác sĩ mình cứu chữa các bệnh nhân bị bệnh Covid-19 và lực lượng tham gia chống dịch trong suốt mấy tháng vừa qua bao nhiêu. Thì chúng ta càng căm phẫn bấy nhiêu những kẻ “ăn không từ một thứ gì” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) mà người đứng đầu là giám đốc Nguyễn Nhật Cảm, vừa bị pháp luật khởi tố và bắt tạm giam vì nâng khống nhiều lần giá mua máy xét nghiệm giá cao.

Được biết, CDC Hà Nội đã căn cứ vào mức giá đề xuất của Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, tuy nhiên qua xác minh cho thấy các hệ thống Realtime PCR tự động có giá trị thực tế chỉ hơn 4 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) vừa bị pháp luật khởi tố và bắt tạm giam vì nâng khống nhiều lần giá mua máy xét nghiệm.

Điều này cho thấy, CDC Hà Nội và các doanh nghiệp đã móc ngoặc với nhau đẩy giá lên cao để trục lợi khoản chênh lệch. Ngoài ra, sau vụ CDC Hà Nội bị phát hiện thì ngay lập tức ở một số tỉnh thành, các lãnh đạo địa phương cũng tiến hành ra soát thông tin và đề nghị điều tra làm rõ có hành vi sai phạm đó hay không.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung – chủ tịch UBND TP Hà Nội, xác nhận thông tin Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) của Bộ Công an đã mời một số cán bộ của CDC Hà Nội làm việc xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm Covid-19.

Theo ông Chung, thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Hà Nội đã chỉ đạo Công an thành phố và ngành công thương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá.

“Quan điểm của thường trực Thành ủy, bí thư Thành ủy và Ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào.

Trong điều kiện dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng. Trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế, thành phố sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm để làm gương” – ông Chung nói.

Vụ việc của CDC thành phố Hà Nội hôm nay làm chúng ta lại nhớ về hình ảnh những bác sĩ, chiến sĩ, những cán bộ ở tuyến đầu chống dịch trong suốt thời gian vừa qua. Cả chén cơm và nước mắt của dân tộc để chung tay chống dịch, vậy mà ở giữa lòng thủ đô Hà Nội vẫn có những kẻ “ăn tạp” vì đồng tiền mà bất chấp lợi ích chung của cả dân tộc đó.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng hơn một lần đề cập , “Chống dịch như chống giặc”. Thì hành vi không đeo khẩu trang và còn chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt tù; hành vi rủ nhau đua xe máy trong ngày cách ly xã hội đều bị pháp luật trừng trị. Thì việc xử lý nghiêm những sai phạm ở từng địa phương đều là những hoạt động rất cần thiết và cần phải xử lý nghiêm minh.

Và càng phải xử lý nghiêm hơn nữa, khi đó lại là chính những người cán bộ vẫn đang làm việc trong lĩnh vực y tế, tại chính Hà Nội – nơi được coi “đầu sóng ngọn gió” thực hiện chỉ thị cách ly xã hội nghiêm túc nhất cả nước trong chống dịch.

Những bác sĩ vẫn đang phải gồng mình chống dịch, chữa trị cho các bệnh nhân đang nhiễm Covid-19; những chiến sĩ biên phòng, bội đội vẫn đứng vững vị trí ở biên cương để đảm bảo bình yên cho Tổ quốc. Sau này, khi dịch bệnh được công bố hết dịch, thì họ cũng phải thực hiện cách ly thêm 14 ngày và họ đã là những người “đi trước về sau”.

Khi họ vất vả, gian lao chưa đòi hỏi Chính phủ, nhân dân phải trả thêm khoản thù lao thích đáng nào. Mà ở đâu đó trong xã hội này vẫn có những người cán bộ trong công tác phòng chống dịch bỏ đi lương tâm và chỉ biết nghĩ đến bản thân, vơ vét và “ăn không từ một thứ gì”.

Ăn chặn trên sinh mệnh quốc gia – thử hỏi điều đó có cần phải lên án ngay lập tức hay không? Hơn nữa điều này lại nằm ở Hà Nội nơi có số lượng người nhiễm nhiều nhất trong đợt 2 cuộc chiến chống dịch.

Và cũng thật cảm ơn, sự chỉ đạo kịp thời của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khi trước đó đã yêu cầu Sở Y tế và các đơn vị được phân bổ ngân sách phải rà soát lại toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

“Yêu cầu các đơn vị phụ trách phải tính toán mua đúng, mua đủ, chính xác theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lãng phí và đảm bảo hiệu quả. Nếu để lãng phí thì sẽ rất phản cảm vì các trường hợp công nhân, người nghèo, thất nghiệp,… còn rất nhiều mà để lãng phí là không thể chấp nhận được” – ông Chung nhấn mạnh.

Các hành động kịp thời của những người đứng đầu đất nước, sự tham gia chủ động, tích cực, quyết liệt, hiệu quả của ban ngành, chính quyền các cấp đã tạo được niềm tin, sự yên tâm trong xã hội và đại đa số người dân, tạo nên tâm thế chủ động trong phòng tránh dịch bệnh.

Ngăn chặn dịch bệnh kịp thời và ngăn chặn những hành vi tham nhũng, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân. Đây chính là động thái tốt nhất để nói lên bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta: Nhà nước của dân, do dân và vì dân, luôn hướng về dân để phục vụ với tinh thần tận tụy.

Trước đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng cay đắng thốt lên rằng “Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì” khi nói về tham nhũng đang là căn bệnh trầm kha len lỏi vào tất cả các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị.

Năm 2004, kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu”, một khoản kinh phí không hề nhỏ được đầu tư nhằm xây dựng, tôn tạo, trùng tu cụm di tích, trong đó có Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1.

Những ngày ấy dường như cả Điện Biên không ngủ. Dọc theo đại lộ 7/5 dẫn vào trung tâm thành phố, các gia đình, công sở ùa ra đường như đón đoàn quân chiến thắng. Nhiều người bật khóc vì xúc động cả khi chứng kiến ở thời điểm đó hay xem truyền hình trực tuyến qua sóng đài truyền hình quốc gia.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, khánh thành chưa lâu, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bổng rỉ sét, đổi màu, một góc tường rào đổ sập, gạch lát nền bong tróc.

Ngay lập tức, khi cơ quan công an vào cuộc điều tra, thật không thể tin được một bức tượng nặng 220 tấn, nhưng bị đánh cắp hơn 100 tấn đồng. Lẽ ra đúc đồng bằng đồng nguyên chất, thì họ thay thế đồng bằng phế liệu.

Khi mà khẩu trang tăng giá, nước rửa tay tăng giá và máy trợ thở bị lợi dụng dịch bệnh để mua giá thấp và ghi hoá đơn giá cao nhằm chuộc lợi như CDS thành phố Hà Nội thì còn gì bất nhẫn hơn, hành động này không lên án không được và nhất định chúng ta phải gọi tên và xử lý triệt để cái ác đó.

Đừng nghĩ rằng chỉ cứ ai sát hại người khác mới độc ác, mà kiếm chác, trục lợi trên sự hoảng sợ, trên sinh mệnh quốc gia thì đúng là rất ác.

Phạm Minh Hà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều