+
Aa
-
like
comment

Virus gây dịch Covid-19 đã biến hoá phức tạp, xuất hiện chủng L “hung hăng” khó tiêu diệt

Thành Nhân - 09/03/2020 10:50

Một nghiên cứu mới của giới chuyên gia Trung Quốc cho thấy không chỉ có hai chủng virus corona gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại tâm dịch TP Vũ Hán có thể đã dẫn đến sự tập trung của nhiều chủng virus hơn.

Virus gây dịch Covid-19 đã biến hoá phức tạp, xuất hiện chủng L “hung hăng” khó tiêu diệt

Nghiên cứu được công bố trong tuần qua trên Tạp chí Khoa học Quốc gia Trung Quốc đã so sánh 103 bộ gien có sẵn của SARS-CoV-2, loại virus gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19).

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành có thể do hai chủng virus chính gây ra, một trong số đó lây lan nhanh hơn và nhân lên nhanh hơn trong cơ thể người so với chủng còn lại.

Thông qua phân tích 103 bộ gien, các nhà khoa học phát hiện virus corona đã phát triển thành hai chủng chính, chúng được gọi là “S” và “L”. Loại S, xuất hiện trước, chiếm 30% trong số các mẫu bệnh phẩm trong khi loại L, dường như phát triển sau này, lại chiếm 70% mẫu bệnh phẩm còn lại.

Họ cũng cho rằng sự can thiệp của con người có thể đã hạn chế sự lây lan của chủng L ra bên ngoài Vũ Hán và việc lây nhiễm nhiều chủng virus cùng một lúc có thể xảy ra.

Giới khoa học Trung Quốc: Virus gây dịch Covid-19 biến hoá phức tạp, xuất hiện chủng L hung hăng - Ảnh 1.
Tuyến đường sắt ra vào Vũ Hán bị phong tỏa. Ảnh: Reuters

Các tác giả của nghiên cứu kết luận virus corona chủng L có thể mạnh hơn S.

Tuy nhiên, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu chủng L có hại hơn đối với sức khỏe con người hay không và cũng chưa rõ nó có tiến hóa từ chủng S ở người hay ở vật chủ trung gian.

Bằng chứng cũng cho thấy các virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gồm L và S không xuất hiện ở tất cả ca nhiễm. Chẳng hạn, một loại virus được phân lập từ một bệnh nhân Covid-19 ở Thâm Quyến có những đặc điểm không thuộc loại nào nói trên.

Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu đã đề cập đến một bệnh nhân ở Mỹ nhiễm loại virus được phân lập vào ngày 21-1, dường như có các đặc điểm của cả hai chủng L và S.

“Mặc dù các đột biến mới có thể dẫn đến kết quả này. Chúng tôi phỏng đoán rằng bệnh nhân ở Mỹ có thể đã bị nhiễm ít nhất hai chủng Sars-CoV-2 khác nhau” – các chuyên gia lưu ý nhưng cho rằng cần nghiên cứu thêm.

Cũng theo nghiên cứu, virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) giống 79% chủng virus gây SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và giống 50% chủng gây MERS (hội chứng Hô hấp Trung Đông).

Các nhà khoa học cảnh báo có khả năng cao xuất hiện các biến thể giữa Sars-CoV-2 và các loại virus khác. Mặc dù có sự tương đồng về tổng thể với RaTG13, loại virus do dơi sinh ra nhưng loại virus corona chủng mới xuất hiện ở tâm dịch dường như hoạt động giống một trong những virus có ở tê tê theo cách xâm nhập vào tế bào con người.

Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu kết luận dựa trên phân tích của họ, những điểm tương đồng giữa SARS-CoV-2 với chủng virus ở tê tê có thể là sự tiến hóa “trùng hợp” dựa trên tỉ lệ đột biến cao và “chọn lọc tự nhiên mạnh” chứ không phải là kết quả của sự tái hợp.

Virus SARS-CoV-2 từ tự nhiên, không phải từ phòng thí nghiệm

Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc chỉ ra rằng virus corona chủng mới sinh ra từ các sự kiện tái kết hợp trong tự nhiên, không phải từ phòng thí nghiệm. Ảnh: China News Service

Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thông báo trong một nghiên cứu cuối tuần trước rằng họ có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 gây nên dịch Covid-19 đang lây lan trên toàn cầu có thể đã sinh ra trong tự nhiên và trải qua quá trình tái kết hợp gien chứ không phải là sản phẩm được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu được công bố trên bioRxiv – một kho lưu trữ mở các công trình nghiên cứu sinh học này, cũng chỉ ra rằng chủng virus này có thể đã sinh ra từ một số sự kiện tái kết hợp trong tự nhiên giữa các virus có trong dơi và các loài động vật hoang dã khác.

Nghiên cứu và phân tích này là kết quả của 227 mẫu dơi được thu thập từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc từ tháng 5 – tháng 10/2019.

Virus corona RmYN02 có nguồn gốc từ dơi giống tới 93% về trình tự gien với virus họ hàng gần của nó là NCoV-19 – một chủng mới của virus corona gây ra dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu.

RmYN02 cho thấy các aminon acid được chèn vào 2 điểm giao nhau của protein gai (Spike (S) protein) – một đặc điểm từng được dẫn ra như một bằng chứng cho thấy virus gây nên dịch Covid-19 được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng chủng virus mới được phát hiện này đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc chèn vào này hoàn toàn có thể xảy ra trong tự nhiên. Họ cũng khẳng định, điều đó cho thấy virus gây nên dịch Covid-19 có thể đã xảy ra từ một số sự kiện tái kết hợp trong tự nhiên.

Yang Zhanqiu, một nhà virus học tại Đại học Vũ Hán nhận định với Global Times ngày 8/3 rằng sự tái kết hợp là một hình thức biến thể phổ biến của các loại virus. “Nếu sự tái kết hợp diễn ra với tần suất cao, điều đó tức là virus có nhiều vật chủ khác nhau”, chuyên gia Yang cho biết.

Các nghiên cứu trước đó đã đưa ra giả thiết rằng dơi, tê tê và một số loài động vật hoang dã khác có thể là vật chủ của virus corona chủng mới – loại virus đã biến thể để sau đó có thể lây nhiễm sang con người và gây ra dịch bệnh hiện nay.

Dơi là loài vật sống theo đàn và chúng thường ở cùng nhau trong các hang động, cũng như hiếm khi di chuyển quá xa. Tập tính này đã tạo điều kiện cho sự trao đổi virus giữa các zooid và từ đó xảy ra sự tái kết hợp gien, nghiên cứu trên cho biết.

Đội ngũ nghiên cứu trên bao gồm các nhà khoa học từ các phòng thí nghiệm và các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cũng như các chuyên gia nước ngoài tại Đại học Sydney. Bài báo nghiên cứu này vẫn chưa được xuất bản chính thức và chưa được các nhà khoa học khác xem xét cũng như đánh giá.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều