+
Aa
-
like
comment

Virus corona đẩy tâm lý kỳ thị người châu Á lên cao

14/02/2020 16:25

Sáng nay 14/2, tờ South China Morning Post đăng bài viết 1 người đàn ông Ý gốc Trung Quốc tên Jiang bịt mắt, đeo khẩu trang và đứng bên cạnh tấm bảng có nội dung “Tôi không phải là virus, tôi là con người. Hãy xoá bỏ định kiến”.

1 người đàn ông Ý gốc Trung Quốc tên Jiang bịt mắt, đeo khẩu trang và đứng bên cạnh tấm bảng có nội dung “Tôi không phải là virus, tôi là con người. Hãy xoá bỏ định kiến”.

Jiang làm việc đó và đồng thời ghi lại video trong bối cảnh người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc bị người châu Âu, bao gồm cả Ý bị kỳ thị, phân biệt và bài xích bởi dịch corona.

Làn sóng kỳ thị người châu Á tại châu Âu có vẻ xảy ra ở nhiều tầng lớp, ngành nghề… Ngay cả cầu thủ người Hàn Quốc Son Heung Min – 1 biểu tượng mới của CLB Tottenham cũng trở thành nạn nhân của sự kỳ thị.

Trong khi đó, 1 cầu thủ khác của CLB này là Dele Alli đang phải đối mặt bởi cuộc điều tra của Liên đoàn bóng đá Anh vì có hành vi phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội. Sau khi gặp 1 người đàn ông nói tiếng Trung Quốc ở 1 sân bay tại Luân Đôn, Alli đeo khẩu trang và nói: “Corona kìa, hãy nghe ta nói đây. Bọn virus này phải nhanh lên nữa nếu muốn bắt được ta”.

Trở lại câu chuyện của Jiang. Những điều anh nhận được khi đứng cạnh tấm bảng đó lúc bịt mắt và đeo khẩu trang, là nhận được cái ôm của rất rất nhiều người. Đó là hành động mang thông điệp giàu tính san sẻ!

Nhớ lại mà xem, khi dịch bùng nổ từ Vũ Hán, ngay cả người Trung Quốc cũng kỳ thị người Vũ Hán; rồi người châu Á (trong đó có Việt Nam) kỳ thị người Trung Quốc để rồi thì sao? Người châu Âu kỳ thị người châu Á vậy. Một vòng luẩn quẩn!

Có hiện tượng kỳ thị người Vĩnh Phúc chỉ vì tỉnh này có số người dương tính với virus corona nhiều nhất

Ở một… ngách riêng tại Việt Nam, mấy hôm nay có hiện tượng kỳ thị người Vĩnh Phúc chỉ vì tỉnh này có số người dương tính với virus corona nhiều nhất nước và thậm chí có 1 xã đang bị cách ly để phòng dịch lây lan.

Cảnh giác và cách ly sẽ giúp tránh dịch bệnh lây lan, tạo tiền đề để chặn đứng và dập tắt dịch. Nhưng sự kỳ thị, sự phân biệt, thậm chí là bài xích thì không mang lại điều đó, đôi khi còn khiến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn.

Không những vậy, nó còn gây thương tổn trong mối quan hệ giữ người với người. Người với người, nếu không giúp được nhau lúc hoạn nạn, thì cứ nên im lặng. Định kiến vì thế, xoá bỏ là vừa!

Xuân Thọ

Bài mới
Đọc nhiều