+
Aa
-
like
comment

Virus bùng phát ở Vũ Hán giáng đòn chí mạng lên kinh tế Trung Quốc

Ngọc Hoàng - 25/01/2020 08:41

Vũ Hán có vị trí đắc địa về mặt thông thương lẫn kinh tế khiến tác động của virus corona có thể còn kinh khủng hơn tưởng tượng

Bóng ma từ virus chết người có khả năng lây lan nhanh chóng từ Vũ Hán đang đè nặng lên người dân Trung Quốc. Thành phố 11 triệu dân này được mệnh danh là mạch máu giao thông quan trọng và là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của đất nước.

Mạch máu giao thông bị bóp nghẹt

Chính quyền Trung Quốc vừa cứng rắn cho đóng cửa các hoạt động giao thông công cộng ra, vào thành phố Vũ Hán – nơi phát sinh dịch bệnh viêm phổi lạ do virus corona (2019-nCoV ). Các hoạt động giao thông bao gồm tàu hỏa, máy bay và phà đều phải dừng hoạt động vào sáng 23/1 để ngăn chặn sự lây lan của loại virus nghiêm trọng giống SARS này.

Theo cập nhật mới nhất từ SCMP, đã có hơn 900 ca dương tính với 2019-nCoV và số người tử vong đã lên tới 26.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc vẫn đang bị bóp nghẹt bởi thương chiến và tăng trưởng chậm chạp, biện pháp mà Bắc Kinh phải đưa ra chưa từng có trong lịch sử – “đóng cửa” một thành phố lớn có thể làm trầm trọng thêm bức tranh kinh tế Trung Quốc.

Báo cáo của Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng “Tác động về mặt kinh tế đối với Trung Quốc và những khu vực khác nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch sẽ rất nghiêm trọng nếu virus vẫn không được kiểm soát hiệu quả”.

EIU ước tính tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể trượt thêm 0,5 đến 1% trong năm nay so với dự báo 5,9%.

Vũ Hán là nơi tập trung mạch giao thông kết nối quan trọng ở miền trung Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock.

Tình hình còn cực kỳ nghiêm trọng hơn nếu dịch bệnh bùng phát thành đại dịch. Khi đó chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và y tế sẽ leo thang, hạn chế chi tiêu cho các khu vực khác như đầu tư cơ sở hạ tầng và các biện pháp kích thích kinh tế.

Trong đó, tác động trực tiếp đối với nền kinh tế Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc là không thể tránh khỏi. Đây được coi là trung tâm tập trung các hoạt động sản xuất oto và thép quy mô lớn của đất nước.

Bên cạnh đó, nơi đây còn được mệnh danh là “mạch máu giao thương” quan trọng, đóng vai trò là trung tâm giao thông – công nghiệp miền trung Trung Quốc và là trung tâm chính trị, kinh tế và thương mại trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại

Benny Liu, Chủ tịch văn phòng tại Trung Quốc của hãng kiểm toán KPMG, cho hay: “Là thành phố cốt lõi ở miền trung Trung Quốc, Vũ Hán phục vụ như một cơ sở giáo dục, nghiên cứu và hoạt động công nghiệp quan trọng. Nơi đây còn là trung tâm vận tải của cả quốc gia”.

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP của Vũ Hán là 7,8% trong năm 2019, cao hơn 1,7% so với mức tăng trưởng trung bình của quốc gia. Năm ngoái, tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu đạt 244 tỷ NDT (35,3 tỷ USD), đây là mức tăng trưởng kỷ lục, vượt 13,7% so với năm trước và chiếm 61,9% tổng giá trị ngoại thương của tỉnh Hồ Bắc. Có tới hơn 300 trong số 500 công ty hàng đầu thế giới hiện diện tại thành phố này, từ Microsoft cho đến sản xuất xe hơi Pháp Groupe PSA.

Virus bung phat o Vu Han giang don chi mang len kinh te Trung Quoc hinh anh 1 vius.jpg
Chính quyền Trung Quốc quyết định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với thành phố Vũ Hán nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh do virus 2019-nCoV. Ảnh: Getty.

Theo EIU, các mối liên kết giao thông quan trọng tập trung tại Vũ Hán như đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường sông tốc độ cao, bất kỳ hạn chế nào đưa ra đều có tác động nghiêm trọng đối với hệ thống chung.

Theo ước tính của Hubeidainly đưa ra, khoảng 15 triệu người dự kiến ​​đi qua Vũ Hán trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Quyết định hạn chế đột ngột với giao thông ra, vào Vũ Hán sẽ khiến kế hoạch nghỉ lễ của hàng triệu người Trung Quốc bị ảnh hưởng. Điều này có thể khiến nền kinh tế tiêu dùng nước này thêm điêu đứng sau một năm ảm đạm vì thương chiến.

W. Ian Lipkin, một nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, cho biết sự lan tràn của virus corona là mối nguy nặng nề đối với kinh tế – chính trị một quốc gia. Vị này cho rằng dịch bệnh này đang gây ra cơn khủng hoảng với sức khỏe cộng đồng cũng như kinh tế, chính trị và văn hóa.

Ngân hàng đầu tư Barclays còn nhận định rằng tác động kinh tế của virus corona tạm thời chưa thể xác định, nhưng những tàn phá rõ rệt nhất mà nó gây ra đã phát sinh trong lĩnh vực vận chuyển, du lịch và bán lẻ.

Còn nhớ, trong đợt bùng phát của dịch SARS hồi năm 2003, tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc chạm đáy ở mức 4,3% trong tháng 5, trước khi hồi phục dần ở mức 8,3% trong tháng sau đó, theo dữ liệu của Barclays. Tương tự, lĩnh vực vận tải cũng giảm lần lượt 42% và 22% trong tháng 5 và tháng 6 năm đó, trước khi hồi phục vào tháng 9.

Tuy nhiên, theo Simon Zhao, phó trưởng khoa nhân văn và khoa học xã hội của trường BNU-HKBU United College dựa trên các báo cáo thảm họa tự nhiên và kinh nghiệm dịch bệnh tương tự trong quá khứ nhận định dịch bệnh này có thể gây nên tác động kinh tế ngắn hạn cho Trung Quốc.

Ngọc Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều