Vinpearl Air của ông Phạm Nhật Vượng sẽ “cất cánh” giữa năm 2020
Ông Trần Tuấn Linh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết cơ quan quản lý đang nhận hồ sơ xin cấp phép bay như Vinpearl Air thuộc Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nếu được chấp thuận, Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến sẽ “cất cánh” vào giữa năm 2020.
Chiều 12/8, tại buổi họp báo thông tin về Triển lãm quốc tế Thiết bị công nghệ ngành hàng không Việt Nam 2019, ông Trần Tuấn Linh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết ngoài 6 hãng hàng không đã được cấp phép, cơ quan quản lý đang nhận hồ sơ xin cấp phép bay như Vinpearl Air thuộc Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vietravel Airlines thuộc Vietravel.
Cục Hàng không đang xử lý hồ sơ xin phép bay của Vinpearl Air và Vietravel Airlines
Ông Linh chia sẻ, “Quan điểm của cục là ủng hộ doanh nghiệp tham gia để tăng tính cạnh tranh và thực hiện bầu trời mở, không chỉ các hãng hàng không trong nước mà cả những hãng hàng không nước ngoài mở đường bay đi và đến Việt Nam”.
Theo ông Linh, những doanh nghiệp này phải theo quy hoạch đã được duyệt nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, không có tính chất lôi kéo hoặc làm suy giảm mức độ hoạt động, điều kiện đang hoạt động bình thường của các hãng khác. Bởi lẽ, thời gian qua có sự cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực phi công giữa các hãng.
“Do đó, để hãng hàng không mới hoạt động cần bảo đảm an toàn về hoạt động trong ngành giao thông vận tải; phù hợp với khả năng giám sát và cơ sở kết cấu hạ tầng của ngành hàng không về giao thông vận tải như nhà ga, đường cất hạ cánh, sân đỗ tàu bay, dịch vụ hạ tầng; nguồn nhân lực về kiểm tra giám sát, an ninh an toàn…”, vị đại diện Cục hàng không nhấn mạnh.
Cũng theo ông Linh, dựa trên các tiêu chí này, Cục hàng không đang yêu cầu các hãng hàng không chỉnh sửa cho phù hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Hiện tại, Cục hàng không Việt Nam cũng đang xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin cấp phép thành lập doanh nghiệp từ cơ quan quản lý nơi đặt trụ sở chính, như Vietravel Airlines xin giấy phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên – Huế, hay Vinpearl Air xin giấy phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội… Hiện tại, Vietravel Airlines và Vinpearl Air đề đang ở giai đoạn trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Linh tiết lộ.
Về phía Sở KH-ĐT Hà Nội, Sở này hiện đã nhận được văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư kèm theo hồ sơ của Công ty CP Hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Cơ quan này cũng đang thực hiện lấy ý kiến các bộ ngành liên quan như: Bộ GTVT, KH-ĐT, TN&MT, Quốc phòng, Tài chính cùng Sở Tài chính Hà Nội về dự án.
Vinpearl Air dự kiến bay vào năm tháng 7/2020
Theo báo cáo tài chính gần nhất của Vingroup, công ty con Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng này đã nắm 80% cổ phần của Vinpearl Air. Do Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ 64,56% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl nên Vingroup gián tiếp nắm giữ 51,65% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl Air.
Ngay sau khi thành lập công ty chuyên kinh doanh vận chuyển hành khách hàng không, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tuyên bố mở trường đào tạo phi công và thợ máy tại Việt Nam.
Doanh nghiệp này cho biết đã thành lập Trường Đào tạo Nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) để đào tạo phi công và thợ máy. Mỗi năm, trường này dự kiến đào tạo 400 học viên.
Hiện Vinpearl Air chưa công bố bất kỳ thông tin nào về mô hình hoạt động, dàn nhân sự cũng như kế hoạch mua, thuê máy bay. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, số vốn đăng ký 1.300 tỷ đồng đủ để doanh nghiệp khai thác 30 máy bay khai thác cả chặng nội địa và quốc tế.
Để có thể “cất cánh”, theo quy định tại Luật Đầu tư, sau khi nộp đề xuất dự án vận tải hàng không tới Sở KH-ĐT Hà Nội – nơi doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh, nếu Sở này đồng thuận sẽ tiếp tục đưa lên Bộ KH-ĐT xem xét, thẩm định trước khi trình Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Sau bước này, Vinpearl Air sẽ tiếp tục phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không tới Cục Hàng không VN.
Ngay cả khi có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vinpearl Air vẫn sẽ cần có thêm chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.
Trước Vietravel Airlines và Vinpearl Air, dự án thành lập hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) của Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT từng mất hơn 1 năm để đi từ bước nộp hồ sơ phê duyệt đầu tư tới cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm 2019.
Hoài Nam