Vĩnh biệt “Chú Hai Nghĩa” Trương Vĩnh Trọng
Sáng 19/2, lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã từ trần lúc 3h25 tại nhà riêng, hưởng thọ 79 tuổi.
Ông Trương Vĩnh Trọng sinh ngày 11-11-1942 ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Người dân Bến Tre vẫn thường gọi ông bằng cái tên thân thương Hai Nghĩa. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Khóa X; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI (dự khuyết), VII, VIII, IX, X; đại biểu Quốc hội khóa VIII, XI.
Từ năm 1960, ông bắt đầu hoạt động bí mật trong phong trào học sinh chống chế độ Sài Gòn cũ. Hai năm sau, ông thoát ly gia đình, tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, công tác ở Tiểu ban Giáo dục tỉnh Bến Tre. Năm 1975, ông được cử ra Bắc học trường Tuyên huấn Trung ương ở Hà Nội.
Từ năm 1978, ông làm Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre. Sau đó, từ năm 1982, ông làm Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm.
Tại Đại hội VI của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương dự khuyết. Đến Đại hội VII là Ủy viên Trung ương chính thức; làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Năm 1998, ông được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Năm 2000, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; một năm sau giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Với cương vị là Trưởng Ban Nội chính Trung ương giai đoạn 2001-2007, ông đã lãnh đạo Ban chủ trì, phối hợp với một số cơ quan, tổ chức xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 2/01/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”.
Ba năm sau, để có định hướng lãnh đạo tiến hành cải cách toàn diện và cơ bản công tác tư pháp, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì xây dựng trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đây là nghị quyết rất quan trọng có tầm chiến lược, thể hiện đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác tư pháp với mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành một nước có nền tư pháp văn minh.
Ban Nội chính Trung ương giai đoạn 2001-2007 cũng đã tham mưu cho Bộ Chính trị quyết định nhiều nội dung quan trọng trong các dự án luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và cải cách tư pháp. Đó là: Việc điều chỉnh chức năng của Viện kiểm sát nhân dân vào việc tập trung thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chuyển giao nhiệm vụ quản lý Tòa án địa phương (từ Bộ Tư pháp) về Tòa án nhân dân tối cao; chủ trương tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện; thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đề cao vai trò của người bào chữa…
Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương giai đoạn 2001-2007 đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Phòng chống tham nhũng, lãng phí” tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa X); đồng thời, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp…
Năm 2006, tại Đại hội X, ông Trương Vĩnh Trọng tái đắc cử Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6/2006, ông đảm nhiệm cương vị Phó thủ tướng.
Ông luôn là tấm gương sáng về người cán bộ, đảng viên cao niên “ cây cao, bóng cả”; một cán bộ cấp cao nhưng rất bình dị, gần gũi với nhân dân.
Nguyên phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng được tặng thương huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.
Sau khi nghỉ hưu, ông bắt tay vào công việc ruộng vườn và trở thành một nhà nông thực thụ. Bất kỳ ai khi đã tiếp xúc với nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại khu vườn khoảng 5.000m2 đất tại quê nhà ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đều ngạc nhiên trước cách làm vườn bài bản của ông với một vườn cây xanh tốt, trong đó chủ yếu là bưởi da xanh.
“Hai Nghĩa” – là tên gọi thân thuộc của nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng ở địa phương, vùng quê đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ ở Giồng Trôm, Bến Tre. Ông được mọi người kính nể với cương vị một lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, kiên quyết nói không với tham nhũng, chỉ đạo các cơ quan ban ngành quyết liệt trong công tác phòng chống, bài trừ tham nhũng.
Đồng thời, đồng bào cả nước, đặc biệt người dân Bến Tre kính nể ông – một vị lãnh đạo về hưu có lối sống đạm bạc, chân quê. Ông từng nói:
“Là cán bộ, càng lớn càng phải gương mẫu. Nghỉ hưu lại càng phải gương mẫu. Dân họ không nhìn xa xôi trên cao, mà nhìn chính những cán bộ đang ở cạnh, để đánh giá bộ máy. Người cộng sản phải là người cán bộ tốt”.
Bình Bình