Vingroup và T&T muốn làm đường sắt đô thị nhưng đang phải tạm dừng
Tập đoàn Vingroup và T&T muốn đầu tư 2 dự án đường sắt đô thị theo hình thức PPP nhưng hiện phải tạm dừng chờ Chính phủ sửa đổi nghị định.
Sau khi chất vấn nhóm vấn đề về các dự án chậm triển khai và có vi phạm luật đất đai, HĐND Hà Nội chuyển sang chất vấn nội dung thực hiện đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ.
Đề án này nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Phải chờ Chính phủ sửa nghị định
Đại biểu Trịnh Xuân Quang (Thanh Xuân) chất vấn trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư khi chậm ban hành các quy định khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư giao thông thông minh, đường sắt đô thị, xe buýt theo hình thức đối tác công tư.
Đại biểu cũng hỏi việc TP chỉ định hai tập đoàn Vingroup và T&T thực hiện 2 tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn theo cơ chế đặc thù hay cơ chế chung.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho hay Sở này được giao nghiên cứu các cơ chế chính sách thực hiện một số dự án đường sắt đô thị theo hình thức đầu tư PPP.
Sở đã hoàn thiện dự thảo và chuẩn bị trình TP xem xét. Tuy nhiên, Chính phủ vừa qua sửa đổi Nghị định 30 về lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án PPP nên Sở đã báo cáo, xin TP cho phép lùi lại thời gian trình, ban hành cơ chế chính sách này để “chờ Chính phủ”.
Liên quan đến việc các cơ chế chính sách thu hút đầu tư cho đường sắt đô thị được thực hiện theo cơ chế đặc thù hay cơ chế chung, ông Quyền cho biết Sở đã tham mưu cho TP công bố danh mục, kêu gọi đầu tư 8 dự án đường sắt đô thị theo hình thức PPP.
Qua thảo luận và cân đối nguồn lực, TP chỉ đạo trước mắt tập trung vào 3 tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, tuyến số 3 đoạn Nhổn – Trôi Đan Phượng và tuyến số 5 đoạn Văn Cao – Hồ Tây.
Trong đó, với hai tuyến số 3 và số 5 hiện có 2 đơn vị là Tập đoàn Vingroup và T&T đề xuất được đầu tư theo hình thức PPP. Sở đã chủ trì tham mưu cho thành phố đề xuất Chính phủ cơ chế triển khai thực hiện.
“Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng các dự án theo hình thức PPP để tiếp tục rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách chung nên chúng tôi sẽ chờ việc hoàn thiện các văn bản pháp luật của Trung ương rồi tham mưu cho TP triển khai thực hiện”, ông Quyền nhấn mạnh.
Hà Nội trợ giá cho xe buýt 1.100 tỷ mỗi năm
Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Đông Anh) về cơ chế chính sách đối với vận tải hành khách công cộng.
Ông Hải cho biết theo cơ chế trợ giá, đến năm 2019, TP có 100 tuyến triển khai trợ giá, với số tiền trợ giá của TP giai đoạn 2013-2018 gần 7.000 tỷ đồng, cho 2.600 triệu lượt hành khách.
“Như vậy, bình quân mỗi năm TP trợ giá 1.100 tỷ đồng với 428 triệu lượt khách được hưởng. TP cũng có cơ chế hỗ trợ 100% phí sử dụng đường bộ cho phương tiện trên địa bàn”, ông Hải thông tin.
Theo ông, TP đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án giá, trong đó qua 5 năm, chính sách đã giảm giá vé cho 2,3 triệu lượt người là học sinh – sinh viên, công nhân, cán bộ công nhân viên chức.
“Sở Tài chính cùng Sở GTVT đang nghiên cứu, đánh giá kỹ để đảm bảo công khai minh bạch và có cơ chế khuyến khích giảm chi phí với vận tải hành khách công cộng”, ông Hải nhấn mạnh.
(Theo Zing News)