+
Aa
-
like
comment

Vingroup lần đầu tiên trong lịch sử báo lỗ

29/01/2022 14:47

Lần đầu tiên trong lịch sử, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam – Vingroup báo lỗ cho năm tài chính 2021. Trong năm hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách, cùng việc chi hàng nghìn tỷ để tài trợ hoạt động phòng, chống dịch, Vingroup đã lần đầu báo lỗ.

Báo cáo tài chính quý IV/2021 của Tập đoàn Vingroup (VIC) mới công bố cho thấy doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam này vừa trải qua một quý kinh doanh với nhiều khó khăn, khi doanh thu sụt giảm và chịu lỗ ròng sau thuế.

Trong đó, nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ nặng của tập đoàn trong quý cuối cùng của năm 2021 là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 3 lần.

Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2021, Vingroup ghi nhận 34.458 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm 13% đã giúp lãi gộp và biên lãi gộp tập đoàn cải thiện đáng kể so với cùng kỳ, đạt 8.240 tỷ đồng, tăng 47%. Biên lãi gộp tương ứng đạt 23,9% so với 15,7% kỳ trước.

Khoản lỗ đầu tiên trong một quý kinh doanh

Trong khi chi phí tài chính, chi phí bán hàng được tiết giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp của Vingroup lại tăng gấp rưỡi trong quý vừa qua, tiêu tốn của tập đoàn hơn 9.500 tỷ đồng. Số chi này cùng với việc doanh thu hoạt động tài chính giảm hơn 3 lần đã khiến Vingroup đối mặt với khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý IV/2021, trong khi cùng kỳ vẫn lãi dương.

Khó khăn còn đến với tập đoàn khi khoản chi phí khác tăng mạnh (chủ yếu là chi phí bị phạt hợp đồng và phạt khác) khiến Vingroup tốn thêm gần 4.000 tỷ đồng trong kỳ.

Với các chỉ tiêu tài chính kể trên, Vingroup đã phải ghi nhận khoản lỗ trước thuế 6.369 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi dương 4.212 tỷ.

Sau khi trừ chi phí thuế thu nhập hiện hành, tổng lỗ sau thuế Vingroup và các công ty con hợp nhất là 9.249 tỷ, tương đương mức giảm ròng gần 11.000 tỷ so với con số lợi nhuận của quý IV/2020.

Đây là khoản thua lỗ đầu tiên Vingroup phải ghi nhận trong một quý kinh doanh. Chính khoản lỗ lớn này đã bào mòn toàn bộ lợi nhuận doanh nghiệp tích lũy được trong 3 quý trước đó, dẫn tới khoản lỗ ròng trong cả năm 2021.

Lũy kế cả năm 2021, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 125.306 tỷ đồng doanh thu thuần, vẫn tăng 13% so với năm 2020. Thậm chí, lãi gộp của Vingroup trong năm vừa qua đã tăng gần gấp đôi, mang về tới 33.680 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tương tự diễn biến quý IV/2021, doanh thu hoạt động tài chính giảm gần một nửa, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp và lỗ hoạt động khác tăng mạnh đã khiến lãi trước thuế của Vingroup giảm về 3.346 tỷ, thấp hơn 76% so với năm trước.

Khoản lỗ ròng trong quý IV cùng năm cũng đã bào mòn toàn bộ lợi nhuận Vingroup thu về được trong 3 trước đó, kết quả doanh nghiệp này lỗ sau thuế 7.523 tỷ trong năm 2021 (cùng kỳ lãi dương 4.546 tỷ đồng). Đây cũng là năm đầu tiên Vingroup chịu thua lỗ kể từ khi công bố báo cáo tài chính kinh doanh năm 2006.

Vì đâu Vingroup thua lỗ

Theo lãnh đạo tập đoàn, nguyên nhân chính dẫn tới khoản thua lỗ kể trên là trong quý IV và cả năm 2021, hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tập đoàn đã chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài.

Trong khi đó, công ty con – Vincom Retail mở rộng gói hỗ trợ khách thuê với quy mô lên tới 2.115 tỷ đồng cũng khiến doanh thu bị ảnh hưởng đáng kể.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong năm, Vingroup đã chi 6.099 tỷ đồng để tài trợ các hoạt động phòng, chống dịch và các hoạt động liên quan. Đến nay, tập đoàn này đã chi hơn 9.400 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ phòng, chống Covid-19.

Ngoài ra, việc Vingroup quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện cũng khiến tập đoàn phải ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí phải trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.

Vingroup lan dau bao lo anh 1
Quyết định dừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 là một trong những nguyên nhân khiến chi phí của Vingroup tăng mạnh trong năm 2021. Ảnh: Việt Linh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vingroup cho biết quyết định này sẽ giúp tập đoàn hiện thực hóa nhanh hơn chiến lược trở thành hãng xe toàn cầu, thâm nhập sâu vào các thị trường quốc tế bởi trong tương lai, xe điện sẽ dần thay thế xe chạy bằng động cơ đốt trong.

Nếu không tính những khoản chi phí phát sinh ngoài kế hoạch đầu năm kể trên, Vingroup chỉ lỗ sau thuế 2.638 tỷ đồng trong quý IV/2021 và vẫn lãi sau thuế 4.373 tỷ đồng trong cả năm 2021, tương đương 97% kế hoạch đã đề ra.

Về hoạt động của các công ty con trực thuộc, năm 2021, ngoài việc tuyên bố dừng sản xuất xe xăng, VinFast đã bàn giao lô xe điện VFe34 đầu tiên đến khách hàng. Công ty này cũng đang triển khai lắp đặt các trạm sạc trên cả nước với mục tiêu đạt 150.000 cổng vào cuối năm 2022.

Hãng xe điện này cũng đã khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) với công suất giai đoạn 1 đạt 100.000 pack pin/năm.

Với Vinhomes, hoạt động bán hàng cải thiện mạnh trong quý cuối năm 2021 và việc bàn giao đúng tiến độ đã giúp công ty con này lãi sau thuế 39.017 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Tại Vincom Retail, dù phải giảm 2.115 tỷ đồng chi phí thuê cho các khách hàng năm vừa qua, công ty vẫn thu về khoản lãi sau thuế 1.315 tỷ đồng. Nếu cộng ngược lại khoản hỗ trợ nói trên, lợi nhuận sau thuế của Vincom Retail vẫn vượt so với kế hoạch đề ra đầu năm.

Tuy vậy, lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng do Vinpearl quản lý tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt giãn cách xã hội và đóng cửa đường bay quốc tế trong cả năm 2021.

Hiện tại, tình hình bắt đầu có cải thiện từ quý IV/2021 với chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine và Vinpearl đã đón 2 đoàn khách quốc tế từ Nga, Uzbekistan tới Phú Quốc và Nha Trang. Năm 2022, với việc tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao và đường bay quốc tế dự kiến mở lại, kết quả kinh doanh của Vinpearl được kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều