Vingroup “hé lộ” thiệt hại khi kinh tế ngưng trệ vì Covid-19
Trong khi mảng sản xuất của Vingroup thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng thì dịch vụ du lịch giải trí, nghỉ dưỡng của tập đoàn này ước cũng thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng do đóng cửa đồng loạt.
Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 do Thành ủy – HĐND – UBND thành phố tổ chức chiều 16/4, các doanh nghiệp đã có điều kiện để trải lòng về những khó khăn và đưa đề xuất lên lãnh đạo thành phố để được tháo gỡ.
Theo đó, đại diện Vingroup đã chia sẻ những khó khăn của tập đoàn này như hoạt động sản xuất công nghiệp ô tô, xe máy, điện thoại… đang bị thiếu linh kiện phụ tùng nên ngưng trệ, thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch giải trí, nghỉ dưỡng hầu hết đóng cửa không hoạt động gây thiệt hại cho Vingroup khoảng 3.000 tỷ đồng.
Vì vậy, Vingroup đề nghị Trung ương kéo dài gia hạn thời hạn nộp thuế lên 1 năm; miễn tiền thuế đất năm 2020 đối với các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch. Vingroup cũng kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch cục bộ chung; sớm công bố danh mục kêu gọi nhà đầu tư sử dụng đất sau khi hết dịch; tổ chức triển khai sớm các dự án đã được phê duyệt và giải phóng mặt bằng xong.
Tập đoàn này còn kỳ vọng Hà Nội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án được phê duyệt, không gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi hiện nay ở các sở, ngành dù đang làm tốt các công tác nhưng vẫn có tình trạng đẩy trách nhiệm sang thành phố trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư…
Trong phiên hôm qua, VIC giảm nhẹ 100 đồng về 95.900 đồng/cổ phiếu và theo đó không gây ảnh hưởng đáng kể nào lên VN-Index.
Diễn biến giằng co trong suốt phiên 16/3, các chỉ số trên thị trường chứng khoán cơ sở vẫn đóng cửa ở trạng thái tăng điểm.
Cụ thể, VN-Index tăng 3,48 điểm tương ứng 0,45% lên 780,7 điểm; HNX-Inex tăng 0,42 điểm tương ứng 0,38% lên 108,75 điểm và UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm tương ứng 0,05% lên 51,54 điểm.
Thanh khoản đạt 250,93 triệu cổ phiếu tương ứng 4.025,73 tỷ đồng trên HSX và 37,4 triệu cổ phiếu tương ứng 393,83 tỷ đồng trên HNX. Khối lượng giao dịch trên UPCoM đạt 14,96 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 160,36 tỷ đồng.
Phiên này, độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá. Theo thống kê, có tổng cộng 366 mã tăng, 66 mã tăng trần so với 310 mã giảm và 44 mã giảm sàn.
SAB và VJC là hai mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên diễn biến của chỉ số chính, đóng góp lần lượt 0,84 điểm và 0,8 điểm cho VN-Index.
Trong đó, VJC của Vietjet Air tăng giá tích cực, tăng 5.200 đồng lên 116.000 đồng; SAB của Sabeco tăng 4.600 đồng lên 147.600 đồng. Ngoài ra, BHN cũng tăng 1.850 đồng lên 51.000 đồng.
Một số cổ phiếu khác như CTD, VHC, PLX, GAS, ACV, VCB, VRE, HPG, MBB cũng đạt trạng thái tăng giá.
Chiều ngược lại, VHM, VIC, BVH, MSN… giảm. Mặc dù vậy, với mức giảm giá nhẹ, ảnh hưởng của những mã này lên xu hướng chung của thị trường là không đáng kể. Đây cũng là điều lý giải cho việc chỉ số hầu như đi ngang trong bối cảnh cổ phiếu lớn có sự phân hoá, thị trường thiếu sự dẫn dắt của nhóm “đầu tàu”.
Giới phân tích nhìn chung vẫn đang có thái độ thận trọng trước xu hướng của thị trường.
Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng tăng hiện tại vẫn là khá tích cực tuy nhiên thị trường sẽ cần thêm thông tin hỗ trợ để tiếp tục duy trì đà tăng này. Bên cạnh đó, giá các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như chỉ số VN-Index đều đang có xu hướng kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn.
Do đó, nhóm phân tích nhận định diễn biến chủ đạo trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ vẫn là dao động tích lũy với thanh khoản không cao.
Với bối cảnh như vậy, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường và chờ đợi thêm tín hiệu về sự biến động của dòng tiền để khẳng định xu hướng mới trước khi ra quyết định đầu tư.
Mai Chi/DT