+
Aa
-
like
comment

Vingroup bắt tay Masan: Không bán cho Thái hay Trung Quốc là được!

Thế Khoa - 06/12/2019 18:15

Chuyện về chung nhà của Vingroup và Masan không đơn giản là cú bắt tay của những đại gia. Phía sau thương vụ ấy, người ta thấy được câu chuyện lớn lao hơn rất nhiều, đó là sự trưởng thành cả tầm vóc, tư duy của doanh nghiệp Việt.

Cho dù cũng có nhiều ý kiến, đánh giá khác nhau, có người không thích Masan thì cho đây sẽ là thương vụ tồi tệ cho ông Nguyễn Đăng Quang… nhưng cũng có góc nhìn ở khía cạnh tích cực thì đây là một thương vụ “có tâm”. Bởi vì, với một hệ thống cửa hàng của VinMart, VinMart , nếu muốn Vingroup hoàn toàn có thể bán quách cho đại gia của Thái hay Nhật, Trung Quốc nào đó với giá rất tốt. Thế nhưng, Vingroup đã không làm như vậy. Nếu bán cho những ông lớn ngoại thì chỉ một thời gian ngắn sau là hàng Việt biến mất hết trên kệ. Hãy xẽm BigC đưa hàng Thái hất cẳng các nhà cung cấp mặt hàng áo quần Việt Nam ra khỏi hệ thống siêu thị mà không rõ lý do; hoặc tình trạng hàng hóa “made in Korea” tràn ngập Lotte… Rồi Circle K và 7Eleven đưa hàng Nhật thâm nhập vào thị trường trong nước, móc túi người tiêu dùng như thế nào. Hãy xem Amazon đang lấn át cả hai lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng tại Việt Nam ra sao.

Mới hay việc Vingroup bắt tay với Masan – một ông lớn cũng đủ khỏe, đủ nền tảng, năng lực vận hành và phát triển hệ thống bán lẻ đó, cũng là một điều rất tốt để duy trì kênh bán lẻ hàng Việt. Không bài ngoại nhưng thực tế đã chứng minh rằng khi chúng ta mất kiểm soát với ngành bán lẻ, thì các doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam sẽ bị chèn ép và vùi dập không thương tiếc. Tiền chưa chắc là tất cả trong một quyết định. Vingroup và Masan hiểu sau lưng mình là hàng nghìn doanh nghiệp và cả triệu con người. Không gì đánh đổi được những giá trị ấy.

Với hệ thống bán lẻ này, Masan đang thực hiện sứ mệnh “tề quốc”, không chỉ đưa hàng sản xuất trong nước đến gần người tiêu dùng. Mà còn làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước khác có cơ hội tìm được chỗ đứng trong siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chứ không phải tủi thân trước các đại gia bán lẻ đến từ nước ngoài luôn có cái nhìn cách biệt với hàng Việt.

Các doanh nghiệp trong nước đoàn kết như thế là rất đáng quý hơn nhiều so với những ông lớn cứ vỗ béo được doanh nghiệp mạnh lên, gắn hàng Việt Nam chất lượng cao vào rồi bán tuốt cho đại gia ngoại như Huda Huế, Sabeco, PS, Dạ Lan, Cô Ba, Kinh đô, Bibica… những thương hiệu hiếm hoi của Việt Nam có tý bản sắc cứ mất dần vào tay nước ngoài.

Việc hai đại gia lớn bắt tay nhau cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang khẳng định vị thế, kết nối để vươn lên cạnh tranh một cách lành mạnh. Sau tất cả, người ta thấy được góc cạnh rất khác của doanh nghiệp Việt. Thay vì đấu đá, cạnh tranh kẻ sống người chết, những doanh nghiệp trong nước bây giờ cùng ngồi lại, dám từ bỏ miếng bánh ngon ăn của mình vì sự phát triển của cả một nền kinh tế. Đó mới thực sự là tầm vóc và tư duy của doanh nghiệp Việt.

Đứng trước sự cạnh tranh và cuộc chiến được mất, sinh tồn hoặc không sinh tồn, thành công hay đại bại thì cú bắt tay giữa Vingroup và Masan là điều đáng mừng đáng khích lệ. Chúng ta cần những doanh nghiệp như vậy, như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, FPT, Viettel, Bách Hoá Xanh, Vinmart, Vinmart …. đủ khiến chúng ta an tâm và tự hào.

Thị trường Việt là của người Việt!

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều