Vietcombank lên tiếng việc Thủy Tiên, Công Vinh không được livestream trong trong ngân hàng
Chiều ngày 17/9, theo kế hoạch đã được thông báo, Thuỷ Tiên và Công Vinh thực hiện livestream công bố sao kê liên quan đến từ thiện tại chi nhánh Vietcombank Nam Sài Gòn.
Liên hệ với phía Ngân hàng Vietcombank, chúng tôi được biết, việc thực hiện Livestream trong ngân hàng là điều không thể bởi vì liên quan đến quy định của ngành ngân hàng cũng như vấn đề an ninh tiền tệ.
“Việc chụp hình, livestream bên trong ngân hàng là điều không thể vì quy định cấm các hành động này”- một vị đại diện của Vietcombank nói với chúng tôi.
Khi trao đổi về việc cung cấp sao kê để cho Thuỷ Tiên – Công Vinh thực hiện Livestream thì thế nào? đại diện Vietcombank cho biết, việc cung cấp sao kê là hoạt động bình thường của ngân hàng.
“Bất cứ ai là chủ tài khoản có nhu cầu sao kê đều có thể yêu cầu ngân hàng thực hiện, và mọi người vẫn thực hiện. Tuy nhiên trường hợp của Công Vinh – Thuỷ Tiên, và trước đó là Trấn Thành, là những người của công chúng và liên quan đến sao kê từ thiện nên mọi người quan tâm hơn” – vị này chia sẻ thêm.
Còn về việc tự công bố sao kê ra công chúng đó là quyền của cá nhân và ngân hàng không can thiệp. Ngân hàng in sao kê là làm đúng với trách nhiệm của mình.
Trở lại với buổi Livestream của Công Vinh – Thuỷ Tiên, buổi Livestream được thực hiện trước cửa ngân hàng Vietcombank lúc 14h10 và thu hút được lượng người xem trực tiếp trên mạng xã hội rất đông, tới nửa triệu người. Sau ít phút livestream, Thuỷ Tiên và Công Vinh đưa toàn bộ sao kê ra xe và trở về nhà, tuyên bố sẽ khởi kiện và công khai minh bạch chuyện từ thiện.
Phía luật sư của Công Vinh – Thủy Tiên cũng cho biết thêm: “Trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tin tưởng vào quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh cùng với đại diện pháp lý của mình là Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành tố cáo lên cơ quan công an, đồng thời khởi kiện đối với các cá nhân có hành vi vu khống, bịa đặt, đưa thông tin không chính xác nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh.
Bằng công cụ pháp luật, chúng tôi sẽ yêu cầu các cá nhân đó phải chấm dứt các cáo buộc, vu khống của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời bồi thường thiệt hại cho những tổn thất mà họ đã gây ra.
Chúng tôi tin tưởng rằng, thông qua con đường tố tụng tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, vụ việc sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng, công bằng, công khai, minh bạch và bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi cùng với tất cả cá nhân, tổ chức khác có liên quan”.
Những “bất thường” trong giấy xác nhận hàng trăm tỷ đồng làm từ thiện của Thủy Tiên
Ngày 15/9, trên trang Facebook cá nhân, Công Vinh vừa đăng tải tệp tài liệu thống kê các khoản chi trong chuyến đi từ thiện các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2020.
Đồng thời cựu danh thủ thông báo vợ chồng anh sẽ trực tiếp đến ngân hàng sao kê. “Buổi livestream “Mang sao kê ra trước công chúng” trực tiếp tại Vietcombank vào lúc 14h00 ngày 17/9/2021, trên fanpage Thủy Tiên”.
Về phía Thủy Tiên, nữ ca sĩ cũng khẳng định ngày 17/9 tới sẽ trực tiếp ra ngân hàng lấy sao kê. “Buổi livestream trực tiếp tại ngân hàng VCB sẽ gồm có luật sư, báo chí, làm bên thứ 3 chứng kiến sự việc và công khai toàn bộ cho mạnh thường quân cả nước cùng theo dõi” – nữ ca sỹ viết.
Kèm thông báo sao kê, nữ ca sĩ cũng công bố những xác nhận có mộc đỏ của chính quyền địa phương về số tiền vợ chồng cô đã chi ra hơn 178,5 tỷ đồng suốt thời gian đi từ thiện miền Trung.
Xác nhận này được lập bằng một file PDF, chia các cột như địa phương đến hỗ trợ, số hộ dân, giá trị hỗ trợ và kèm theo các hình ảnh giấy xác nhận của các địa phương.
Ghi nhận cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên Thủy Tiên công bố những giấy xác nhận này, trước đó nữ ca sỹ đã từng công khai một lần sau khi thực hiện xong chuyến từ thiện miền Trung năm 2020.
Ngay từ ngày đầu công bố, những giấy xác nhận này đã bị cộng đồng mạng đặt ra nghi vấn với những điểm bất thường trong các văn bản mà Thủy Tiên cung cấp. Những giấy tờ xác nhận này chỉ là những văn bản chưa đủ giá trị pháp lý để chứng minh các khoản tiền thực hiện từ thiện.
Quan sát các giấy xác nhận mà Thủy Tiên công khai, chúng tôi nhận thấy có một số điểm chưa hợp lý. Ví dụ, trong giấy xác nhận cho Thủy Tiên tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, số liệu thống kê có sự chênh lệch.
Cụ thể, Thủy Tiên trao 2.632 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng và tổng số tiền chi lại chỉ có 2.616.500.000 đồng. Theo các con số thống kê trong văn bản thì con số cuối đúng ra phải là 2.632.000.000 đồng, chênh lên 15,5 triệu đồng.
Còn tại biên bản do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị kí xác nhận Thủy Tiên đến hỗ trợ 2 huyện Hải Lăng, Triệu Phong thì thống kê số hộ dân, số tiền đã chi không được kê khai một cách chính xác, mà chỉ là “gần 20.048 hộ”.
Địa phương cũng đã góp ý nhưng không được
Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã trao đổi với ông Đào Mạnh Hùng – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị.
Ông Hùng cho biết, trong đợt lũ tháng 11/2020, 2 huyện Hải Lăng, Triệu Phong bị ngập nặng nhất và đoàn Thủy Tiên có đến 3 đợt. Đợt 1 vào tháng cuối 10/2020 nhưng không thông qua ai cả mà trực tiếp xuống địa bàn. Sau đó đến thêm hai đợt nữa.
Ông Hùng cho biết mình và địa phương rất cảm ơn tấm lòng của vợ chồng nữ ca sỹ vì đã hỗ trợ kịp thời cho người dân, nhưng ông thấy cách hỗ trợ của Thủy Tiên có phần hơi cảm tính và ông đã góp ý ngay tại thời điểm đó nhưng không được.
“Tôi góp ý Thủy Tiên nên chuyển tiền cứu trợ vào quỹ của Ban cứu trợ địa phương rồi cùng chúng tôi lên phương án, sau đó ra kho bạc rút tiền ra và làm theo kế hoạch, hỗ trợ theo danh sách và có kí nhận của người dân. Qua hệ thống kho bạc sẽ kiểm soát được rất kỹ và minh bạch.
Nhưng Thủy Tiên lại làm theo cách của mình, vì mỗi tổ chức, đơn vị có một cách làm riêng và chúng tôi trọng cách làm của họ. Thời điểm đó, lãnh đạo cũng như anh em đều mong muốn bà con có chút quà là mừng rồi” – ông Hùng thông tin.
Ông Hùng cũng cho biết, trong đợt lũ năm ngoái Thủy Tiên có phát phát quà cho hơn 20 nghìn người, nhưng do mưa lũ, thiệt hại mất mát nhiều, bà con đều có nhu cầu rất lớn.
Nên đến khi phát, người có trong danh sách, người không có trong danh sách đều được đoàn quan tâm và phát luôn tại chỗ. Về số tiền, thì đoàn trực tiếp phát, hộ thì 1 triệu đồng, hộ thì 2 triệu đồng… Cho nên kiểm kê số tiền phát chính xác theo hộ rất khó.
“Chính vì thế khi làm giấy xác nhận cho Thủy Tiên mới có từ “gần”, “khoảng” vì chúng tôi không được kiểm đếm số tiền nên không biết chính xác cũng không trực tiếp phát mà chỉ hỗ trợ lập danh sách nên chỉ làm giấy xác nhận chung chung là đoàn có đến hỗ trợ 2 huyện” – ông Hùng nói.
Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, để có kết luận sự việc có sai phạm hay không, số tiền có bị thất thoát hay không, chỉ có cơ quan chức năng như: Cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra phối hợp với kiểm toán nhà nước, xác minh thông tin tại ngân hàng, các cơ quan tổ chức có liên quan, các địa phương đã nhận tiền từ thiện mới có thể kết luận một cách đúng đắn, có tính pháp lý.
Ngoài ra, cũng cần xem xét làm rõ các giấy xác nhận về việc giải ngân số tiền của Thủy Tiên. Nếu người xác nhận không có thẩm quyền hoặc không trực tiếp chứng kiến việc trao tiền, không trực tiếp nhận số tiền thì các giấy chứng nhận, xác nhận đó cũng không có giá trị pháp lý, không phản ánh đúng sự việc.
Trao đổi thêm với chúng tôi, một kế toán trưởng có hơn 20 năm kinh nghiệm cũng cho rằng, các giấy xác nhận mà Thủy Tiên cung cấp không có giá trị pháp lý mà chỉ mang tính chất tham khảo. Các giấy tờ như hóa đơn, sao kê số tiền vào tài khoản, số tiền rút ra…mới có giá trị.
Trâm Anh