+
Aa
-
like
comment

VIỆT – THÁI: KỶ NGUYÊN MỚI CỦA HAI ĐỐI THỦ CŨ

Thu An - 16/05/2025 09:40

Không có chung đường biên giới, nhưng bảy cuộc xung đột lớn nhỏ từ thời trung đại đến hiện đại đã để lại những chương riêng biệt trong ký ức dân tộc của cả hai bên. Nếu lịch sử Việt Nam – Thái Lan là một cuốn biên niên sử, thì quá khứ là những trang đầy “sẹo”. Nhưng chính trị hiện đại không được viết bằng ký ức thù địch, mà bằng lợi ích quốc gia và cái bắt tay đúng lúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan

Ngày hôm nay, 15/5/2025, nữ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra dẫn đầu Chính phủ Thái Lan bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan đến Việt Nam sau 11 năm; đồng thời là Kỳ họp Nội các chung đầu tiên của Thủ tướng hai nước sau 10 năm.

Từ cạnh tranh địa chính trị đến bổ trợ địa kinh tế

Trong khối ASEAN-6, Thái Lan là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1976). Hai năm sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tới Bangkok, đặt nền móng đầu tiên cho quan hệ hợp tác song phương về kinh tế – thương mại – du lịch. Từ một đối thủ, Thái Lan trở thành một trong những nhà đầu tư lớn thứ hai của ASEAN tại Việt Nam, với hơn 17 tỷ USD FDI trong hơn 700 dự án, chỉ đứng sau Singapore.

Không chỉ đầu tư, Thái Lan còn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, với kim ngạch hai chiều năm 2024 đạt hơn 20 tỷ USD, và chỉ trong quý I/2025 đã tiến sát mốc 6 tỷ USD. Hai nước hướng tới con số 25 tỷ USD trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (2026) – một mục tiêu hoàn toàn khả thi.

Quan hệ kinh tế Việt – Thái không chỉ là những con số. Đó còn là tấm gương phản chiếu của chiến lược bổ trợ lẫn nhau: Việt Nam cần vốn, công nghệ và kinh nghiệm tổ chức sản xuất; Thái Lan cần thị trường, nhân lực và vị trí trung chuyển. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái định hình, sự bổ trợ này là lời giải địa kinh tế cho cả hai bên.

Du lịch và văn hóa dẫn đường

Giao thương không thể lớn nếu người dân không hiểu nhau, và cũng không thể hiểu nếu không đi lại. Năm 2024, Việt Nam có hơn 1 triệu lượt khách sang Thái, và chiều ngược lại là 400.000 lượt khách. Giao thông hàng không giữa hai nước đạt 4 triệu lượt mỗi năm – một con số không chỉ thể hiện kết nối kỹ thuật, mà còn là bằng chứng về sự hòa dịu dân sự sau nhiều thế hệ nghi kỵ.

Ở đây, du lịch và văn hóa đang đóng vai trò dẫn dắt ngoại giao. Thái Lan giỏi tổ chức và kể chuyện bằng trải nghiệm – điều mà du lịch Việt Nam đang cố vươn tới. Trong khi đó, Việt Nam lại có tài nguyên và thị trường nội địa dồi dào – thứ mà Thái Lan cần nếu muốn duy trì đà tăng trưởng dịch vụ trong bối cảnh dân số đang dần già hóa.

Nếu có một liên kết mới cần kiến tạo, thì đó là liên kết cảm xúc giữa hai nền văn hóa vốn từng xa cách. Cùng thuộc không gian văn hóa Nam Á – Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan có đủ sự tương đồng để hiểu nhau và đủ khác biệt để học hỏi lẫn nhau. Hợp tác văn hóa không chỉ giúp lan tỏa hình ảnh quốc gia, mà còn tạo ra kênh ngoại giao mềm, khi chính người dân hai nước trở thành đại sứ cho nhau trong đời sống thường nhật.

Quá khứ lùi để hiện tại bước đến

Có những mong muốn về việc nâng cấp quan hệ 2 nước lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm. Nếu điều đó được thực hiện, không chỉ là bước đi song phương. Nó là một thông điệp khu vực.

Trong bối cảnh ASEAN bị giằng xé bởi các lựa chọn địa chính trị giữa Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, sự chủ động liên kết giữa các thành viên cốt lõi như Việt Nam – Thái Lan chính là nỗ lực giữ lấy trục trung tâm của ASEAN.

Không quốc gia nào có thể định hình tương lai khu vực nếu chính nội bộ khu vực không tin tưởng và liên kết được với nhau. Hợp tác Việt – Thái chính là một “phần mềm ổn định” cho cấu trúc an ninh khu vực, một mô hình cho các quốc gia ASEAN khác noi theo: gạt sang bên những mâu thuẫn lịch sử để cùng nhau xây dựng một Đông Nam Á tự cường.

Chặng đường 50 năm Việt Nam – Thái Lan không phải là một câu chuyện dễ kể. Nó có đầy đủ bóng tối của lịch sử, nhưng cũng có ánh sáng của thực tế chính trị và khát vọng phát triển.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều