Việt Tân, Phạm Đoan Trang và sự vô cảm của những kẻ lạc loài

Những ngày tháng 10, đất nước đang bộn bề công việc khi đại dịch Covid-19 chỉ mới vừa tạm lắng với nhiều mất mát, tổn thương, và khi ngoài kia mùa mưa lũ lại về. Nhiều y bác sỹ, nhiều chiến sỹ Công an, Quân đội xa nhà chống dịch lâu ngày chưa được về, từng đoàn người dân hối hả quay lại các thành phố làm việc khi hết giãn cách. Đất nước bận rộn, mọi người xích lại gần bên nhau, còn tổ chức lạc loài như Việt Tân làm gì? Họ đang kêu gọi: Xin đừng quên Phạm Đoan Trang.

Phạm Đoan Trang là ai? Đó là kẻ mà đúng 1 năm trước đã bị cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Hà Nội đã chủ trì phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Việc bắt một nhân tố phá hoại như viên gạch kê thêm giúp đất nước thêm bình yên, ổn định, và người Việt Nam còn quá nhiều thứ khác để nhớ.

Tháng 10/2020, mưa lũ ập vào miền Trung gây ra bao cảnh tang tóc. Trưa ngày 12/10, sau khi nhận được tin báo qua điện thoại của một công nhân về sự cố sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua xác minh có 17 công nhân tại đây mất tích, Lãnh đạo Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thành lập Đoàn công tác gồm 21 người để tiếp cận hiện trường ngay trong ngày. Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, Đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 còn cách đó khoảng 13km. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, khi cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3km do mưa quá lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, Đoàn phải dừng chân, nghỉ tại khu nhà của Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24 giờ, một trận lở núi bất ngờ ập xuống đè lên khu nhà Đoàn đang nghỉ, chỉ có 8 người thoát khỏi khu vực sạt lở. 13 cán bộ chiến sỹ đã hi sinh, trong đó có một Thiếu tướng, một Đại tá và chủ tịch UBND huyện Phong Điền. Sự việc này đã gây nên sự xúc động cho toàn dân tộc, nhiều vần thơ tưởng xưa cũ lại được cất lên: “Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ đó không về”, “Áo bào thay chiếu anh về đất, Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Hình ảnh người lính cụ Hồ bao năm gắn liền với hình ảnh dân tộc, kiên cường bất khuất nhưng cũng sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc như câu hát “Đất nước tôi; Từ thủa còn nằm nôi sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, qua bao cuộc chiến tranh khói lửa, đất nước vẫn chưa được bình yên. Thiên tai, dịch bệnh vẫn đang rình rập, và nhân tai vẫn luôn chực chờ, nơi những kẻ phá hoại gắn liền với “diễn biến hòa bình, dân chủ tự do” độc hại. Nhớ về sự hi sinh kiêu hùng của những người lính năm trước cũng là để thức tỉnh lòng yêu nước và đoàn kết toàn dân tộc, để nhớ rằng cái giá của độc lập tự do chưa bao giờ là rẻ.

Cũng vào tháng 10, cách đây đúng 10 năm, một người đàn ông không mặc áo, khuôn mặt lấm lem, máu chảy nhiều trên khắp cơ thể, trong cái nắng bụi mù rực lửa của vùng Trung Đông, thốt lên câu hỏi đầy ai oán: “Tôi đã làm gì các người?”. Ông tên là Muammar Gaddafi, Tổng thống hợp pháp của nước Cộng hòa Libya. Chỉ vài phút sau đó, ông đã bị những kẻ phiến quân nổi loạn, được trợ giúp từ các thế lực “dân chủ” như NATO, bắt giữ và hành hình.

Mỹ và NATO “hả hê” tuyên bố từ nay Libya đã có “dân chủ, tự do”! Nhưng sau đó thế nào?

Libya chìm trong biển máu, sự gắn kết biến mất, các phe phái đánh giết lẫn nhau, nhiều thành phố bị chiếm đóng, nhóm khủng bố IS nổi lên. Các chính phủ thay nhau lên cầm quyền, nhưng đất nước vẫn bị xé tan. Các cuộc chiến giữa các nhóm phiến quân diễn ra trên đường phố Tripoli mỗi ngày và hàng triệu người dân vẫn đang phải mỗi ngày ngửa tay xin viện trợ, máu vẫn đổ, nước mắt vẫn rơi, người Lybia sẵn sàng làm nô lệ cực khổ để kiếm cái ăn, đất nước hoang tàn, không còn gì cả.

Không một ai có thể tin, dưới thời nhà lãnh đạo bị phương Tây gọi là “độc tài” Gaddfi, Libya từng là nước giàu thứ 5 ở châu Phi, với thu nhập bình quân đầu người là 11.000 đô la. Giáo dục và chữa trị y tế hoàn toàn miễn phí, điện miễn phí, giá xăng rẻ, người dân được cung cấp các khoản vay lãi suất 0% để làm ăn, phụ nữ sinh con được trợ cấp. Do đất đai Libya phần lớn là sa mạc nên cần có một hệ thống tưới tiêu mạnh mẽ để duy trì sự sống. Chính phủ Gaddafi đã tài trợ cho hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới – những con sông do con người tạo ra để cung cấp nước cho người dân. Libya lúc đó không có nợ nước ngoài, một điều hiếm thấy đối với một quốc gia Châu Phi. Tất cả đã biến mất, cùng với Tổng thống Gaddafi. Người dân Libya nhanh chóng hiểu ra sự thật của “dân chủ, tự do”: đó là đói nghèo và li tán, máu và khủng bố, và quốc gia kiêu hãnh giàu có ngày nào đã không còn hiện hữu.

Cho đến tận ngày nay Libya vẫn đang bị hủy hoại và chìm trong bất ổn. Tổng thống Barack Obama của Mỹ từng miễn cưỡng phải thú nhận, Mỹ và phương Tây chẳng có kế hoạch gì cho Libya sau khi lật đổ Tổng thống Gaddfi, họ chỉ có kế hoạch mang bom đến tàn phá dưới cái mác “dân chủ, tự do”!

Nhớ về bài học này, nhiều người Việt Nam chắc cũng muốn hỏi Đoan Trang: “Đất nước này đã làm gì cô vậy?”

Phạm Đoan Trang sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, được thừa hưởng hòa bình và một nền kinh tế ngày càng phát triển. Sinh ra trong một gia đình nề nếp, bố mẹ Trang đều là cán bộ nghỉ hưu, các anh trai của Trang đều là những người đang công tác tại các cơ quan Nhà nước. Bản thân Trang cũng được ăn học đến nơi, đến chốn, từng công tác trong nhiều đơn vị báo chí uy tín hàng đầu cả nước. Nhưng rồi Trang đã bị tiêm nhiễm tư tưởng thù địch, chống đối của số cầm đầu các tổ chức chống phá lưu vong. Dưới sự cổ xúy của thế lực không thân thiện với Việt Nam trong chính giới phương Tây, các tổ chức “nhân quyền” cực đoan và một số đối tượng ảo tưởng chính trị ở bên ngoài, Phạm Thị Đoan Trang cùng đồng bọn ra sức phá hoại sự ổn định xã hội của Việt Nam. Chúng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kích động, cổ xúy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật nhằm chống Đảng, Nhà nước.

Câu nói ưa thích của Đoan Trang mà những kẻ chống phá như tại Việt Tân thường trích dẫn lại là “không quan tâm đến tự do của bản thân, mà muốn ‘tự do, dân chủ’ cho cả Việt Nam!” Nghe mà hết hồn!

Vâng, cô không quan tâm đến tự do của bản thân, vì đất nước nhân văn này đã để cô hoạt động “tự do”, quá khích suốt nhiều năm mà không bị bắt giữ. Trang lập ra cái gọi là “Luật khoa tạp chí”, tiếng là thuần phân tích hệ thống luật pháp các nước, nhưng thực tế thì chỉ chĩa mùi dùi chống phá vào Việt Nam. Trang còn viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động; thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài; viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Và cho đến bây giờ một kẻ như Trang mới bị bắt giữ, có đất nước nào tự do hơn Việt Nam không?

Đoan Trang sinh năm 1978, với kinh nghiệm chuyên môn thuần túy là làm báo, nhưng lại “muốn lo cho toàn dân Việt Nam”! Người dân nào dám giao phó cuộc sống của mình vào tay cô nhà báo này? Câu nói của Đoan Trang đọc lên gợi cảm giác đến tiếng boong boong của một cái thùng rỗng, càng rỗng kêu càng to. Câu nói “muốn lo cho toàn dân” sặc mùi ảo tưởng, ngáo đá hệt như của Việt Tân và bao kẻ hải ngoại, nghĩ mình trời Tây oai phong muốn “dạy dỗ” toàn dân tộc. Ta thường bắt gặp những người như vậy trong các quán bia hơi vỉa hè hay bên bàn nhậu, nơi đó, trong men say ngất ngây của cồn, người ta gắp cọng rau muống cho vào mồm nhai rau ráu rồi vỗ đùi đen đét và tuyên bố to những câu “kinh bang tế thế”. Chả ai chấp người say, vì hết say là người ta tỉnh, lại “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Còn những kẻ ngáo ngáo ảo ảo thì thật khó sửa, và tệ hơn là chúng muốn đem cái thứ “ma túy ngáo” độc hại đó lan truyền làm hại những người xung quanh.

Ở một đất nước tự do, anh chị có quyền tự do, nhưng điều đó không có nghĩa anh chị được phép xâm phạm đến quyền tự do và cuộc sống bình yên của người khác. Phạm Đoan Trang, cô không quan tâm tự do thì hãy vào tù, để đất nước này được bình yên. Còn Việt Tân, “Xin đừng quên Phạm Đoan Trang” để mà nhớ cho rằng, bất cứ kẻ nào có ý đồ xuyên tạc, phá hoại đất nước này sẽ phải trả giá thích đáng.

Thực hiện: An Diễm

Đồ họa: M.N