+
Aa
-
like
comment

Việt Tân lại “tay nhanh hơn não” khi nghe tin đề xuất nhập cảnh 8.459 lao động vào Việt Nam

Bồng Vũ - 02/04/2020 16:40

Ngay khi có thông tin về việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản báo cáo doanh nghiệp, địa phương đang thiếu chuyên gia và lao động nước ngoài, và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam”, trong diễn biến Chính phủ đã ban bố lệnh giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch. Trang “Việt Tân” đã chớp lấy “1/10” của mẫu thông tin, rồi thêm mắm, dậm muối vẽ ra thành câu chuyện thâm cung bí sử, nội bộ chính quyền đấu đá, triệt hạ lẫn nhau trước Đại hội 13.

Toàn dân một lòng cùng Chính phủ chống dịch

Để vạch trần luận điệu xảo trá “Việt Tân” diễn trong tuồng “nội bộ đấu đá” này, đầu tiên, Cánh Cò xin trích dẫn nguyên văn báo cáo của Bộ lao động, Thương binh và Xã hội như sau: “Tính đến ngày 15-3, tổng nhu cầu của các địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đề nghị ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là 8.459 lao động (chủ yếu là lao động Trung Quốc và Hàn Quốc). Trong đó, có khoảng 2.000 lao động của một số các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia, như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (khoảng 100 người), dự án LG Display tại Hải Phòng (200 người); Công ty TNHH Samsung Dispaly Việt Nam tại Bắc Ninh (700 người)…”

Lý do Bộ lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cũng được trình bày chi tiết: “Thời gian qua, các địa phương đều tích cực, chủ động các phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế. Tuy nhiên, các vị trí cần đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, ngoại ngữ, điều hành lâu năm thì trong khoảng thời gian ngắn lao động Việt Nam chưa đáp ứng được ngay, cần phải có thời gian đào tạo, chuyển đổi”.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ lao động, Thương binh và Xã hội cũng nêu: Điều kiện để các chuyên gia, lao động này vào Việt Nam là, đã hoàn thành các thủ tục y tế do Bộ Y tế quy định.

Như vậy, việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lắng nghe lời “kêu cứu”, nguyện vọng của các doanh nghiệp, và thực hiện báo cáo trình Chính phủ về tình hình các dự án, công trình trọng điểm quốc gia đang thiếu hụt các nhà quản lý, chuyên gia, là điều hết sức bình thường và đó là nhiệm vụ, trách nhiệm mà Bộ này phải thực hiện. Việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi báo cáo, đi kèm kiến nghị, đó là cơ sở để Chính phủ nắm bắt tình hình hoạt động và tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp.

Quyết định có cho phép lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong thời điểm này, hay là đợi một thời gian nữa, đó là việc của lãnh đạo Chính phủ. Cần nhấn mạnh thêm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ dừng ở báo cáo tình hình và đưa ra kiến nghị, đề xuất. Đó đã là quy trình khép kính, đã và đang áp dụng cho tất cả các ban, ngành thuộc Chính phủ, chứ không riêng Bộ nào. Chuyện hiển nhiên như vậy, lại được “Việt Tân” đạo diễn, chế biến thành tuồng “nội bộ đấu đá”, quả quá là khập khiển, phi logic.

Công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam rất nghiêm ngặt. 20 vị khách đến từ Hàn Quốc không chịu cách ly liền được cơ quan chức năng Việt Nam “đưa về nước”

Thêm nữa, công tác chống dịch Covid-19 tại Việt Nam được Bộ Chính trị, Chính phủ và các ban ngành đặt lên hàng đầu ngay từ những ngày đầu dịch nhen nhúm ở Vũ Hán. Và cho đến ngày hôm nay, công tác kiểm soát dịch đạt nhiều kết quả, tín hiệu tươi sáng, không có người chết, người trốn cách ly đều bị truy, không ai bước ra khỏi quy định chung.

Nói vậy để thấy rằng, dù cho đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội “cho phép lao động nước ngoài ở một số vị trí quan trọng nhập cảnh vào Việt Nam làm việc” được thông qua đi chăng nữa, thì vẫn theo quy định chung: phải tuân thủ các quy định về cách ly của Việt Nam.

Điển hình như trường hợp các kỹ sư Samsung từ Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc vừa mới đây. Họ được chở bằng chuyên cơ, sau đó có xe của Samsung đón từ sân bay, về thẳng khu cách ly riêng tại các khách sạn ở hai tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên. Mọi hoạt động ăn, ở và làm việc trong thời gian này đều phải thực hiện cách ly. Chỉ có sự khác biệt so với người cách ly khác là, các kỹ sư này sẽ vừa cách ly, vừa làm việc; đảm bảo nếu xảy ra sự cố thì không có lây lan ra cộng đồng.

Tất cả biện pháp trong phòng chống dịch, mọi người đến Việt Nam phải chấp hành nghiêm, đều được Nhà nước Việt Nam công khai, minh bạch.

Từ 0h ngày 18/3, Việt Nam dừng cấp thị thực với người nước ngoài. Các trường hợp được miễn thị thực hoặc có giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, cùng một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao) khi nhập cảnh phải có giấy xác nhận không dương tính nCoV. Giấy xác nhận này do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và phải được Việt Nam chấp thuận.

Đại dịch làm cho con người khắp nơi lo âu, thế giới hoảng loạn chưa từng có và Việt Nam cũng căng mình lên đối phó. Và những thành phần chống phá cũng thừa cơ hội này, tung tin xuyên tạc, từ việc vu khống chính quyền “không lo cho dân” (nhưng điều hẳn chuyên cơ sang vùng dịch đưa đồng bào mình về nước, chữa bệnh và cách ly miễn phí cho dân), cho đến vẽ nên bức tranh nội bộ đấu đá, mục đích làm hoang mang lòng dân, hòng chia rẽ sức mạnh dân tộc.

Thủ đoạn phá hoại của bọn chúng luôn luôn là tung tin đen tối, xuyên tạc để tác động vào tâm lý của người dân, kích động để tình hình trở nên rối loạn, nhiễu loạn, chờ có thể là bọn chúng trục lợi. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 này, những thành phần phản động, lưu vong u ám đã quá giang cùng virus, gieo rắc bóng đen đến Việt Nam. Nhưng chờ xem, tất cả đều sẽ bị đẩy lùi, dập tắt. Không gì có thể qua mặt được người dân yêu nước. Và dù kẻ chống phá có giở thủ đoạn tinh vi, đê hèn cỡ nào cũng không thể chia rẽ tình quân dân, tình đồng bào ruột thịt; càng không chia rẽ được chính quyền nhân dân, luôn luôn là một khối thống nhất.

Bồng Vũ

Bài mới
Đọc nhiều