+
Aa
-
like
comment

Việt Tân lại diễn trò hề gây sức ép “EU trừng phạt Bộ trưởng Tô Lâm”

Thế Khoa - 16/12/2020 07:06

Với người khác, nhân quyền có thể là một khái niệm trừu tượng, thiên về lý thuyết, hoặc đề cập tới những vấn đề lớn lao, nhưng với tôi, nhân quyền là điều khá cụ thể, gắn liền với cuộc sống của đất nước và con người Việt Nam.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội trường Quốc hội hồi tháng 5 nói rằng “Cuộc sống, sinh hoạt bình thường của người Việt Nam hiện nay là mơ ước của nhiều nước trên thế giới”. Khi mà giờ đây, đại dịch Covid – 19 vẫn đang tiếp tục đe dọa đến sự an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Các nước như Mỹ, Ấn Độ, Nga vẫn đang ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Ở châu Âu, làn sóng thứ hai đang phủ bóng đen lên toàn bộ châu lục này, khi con số ca mắc mới mỗi ngày cao nhất thế giới. Còn ở Việt Nam thì sao? Ngay cả khi Covid – 19 bùng phát lần thứ 3 mới đây, thì lời phát biểu của ông Vũ Đức Đam vẫn “không lạc hậu”. Đất nước gần 100 triệu dân đã trở về với trạng thái bình thường mới. Các khu mua sắm, siêu thị, cửa hàng tấp nập người mua. Người lớn đi làm, trẻ em đi học… Mỗi khi nghe có dịch bùng phát ở tỉnh, thành nào, người dân đều cảm thấy đau lòng, tức giận với những con người vô ý thức để cả nước phải lên “dây cót” lại từ đầu. Nhưng trên hết ai cũng cảm nhận rõ sự an toàn, bởi tất cả người dân thấy được Chính phủ luôn đặt mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của đại dịch.

Hay trong đợt thiên tai, bão lụt vừa qua, hàng triệu người dân miền Trung rơi vào cảnh nguy hiểm, khó khăn. Nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, hình ảnh hàng vạn chiến sĩ quân đội, công an dầm mình trong mưa bão để cứu dân đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sự hy sinh, về tinh thần phục vụ, đúng như lời của Tướng Nguyễn Văn Man trước khi hy sinh trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 vẫn còn đọng mãi: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút. Dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả hy sinh”.

Bảo vệ tính mạng của dân trong thiên tai, dịch bệnh: “Quyền được sống” là tối thượng.

Gói an sinh xã hội có quy mô gần 62.000 tỷ đồng; 11.500 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp và hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để cứu trợ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ; gần 100.000 tỷ cho xóa đói giảm nghèo trong vòng 5 năm, 6 triệu người thoát nghèo… đó đều là những con số biết nói, cho thấy nỗ lực, hành động thiết thực của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền quan trọng nhất trong nhân quyền – là quyền được sống, quyền được chăm sóc y tế, quyền mưu sinh của mọi người dân.

Không thể phủ nhận nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé so với các cường quốc, nhưng cũng phải nhìn nhận chúng ta đang có mức tăng trưởng nhanh chóng so với khu vực và cả thế giới nhờ xã hội ổn định, yên bình. Việt Nam là đối tác tin cậy với các nước cũng chính là từ điểm mạnh này. Lợi thế này đang được các nhà đầu tư nước ngoài coi trọng, họ đã đến đây đầu tư, làm ăn lâu dài. Theo như Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Còn ở châu Âu, châu Mỹ đâu đó lại nghe thấy một vài vụ xả súng, nhìn sang Trung Đông thấy đạn và tên lửa vẫn nổ, nhìn sang Hồng Kong, Thái Lan cả những nơi có tiếng là thịnh vượng cũng thấy biểu tình, xô xát… mới thấy sự bình yên trên đất nước Việt Nam quý giá nhường nào.

Trang Việt Tân đăng bài kích động rằng “Bộ trưởng Tô Lâm phải bị trừng phạt theo đạo luật Magnitsky”

Cuộc sống của người dân Việt Nam bình yên là vậy, thế mà một số tổ chức mang danh dân chủ kêu gào ầm ĩ rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền. Không biết tự bao giờ, một số kẻ lợi dụng dân chủ gắn cho những kẻ chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật như Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy… là nhà hoạt động nhân quyền? Không biết tự bao giờ, nhân quyền lại đồng nghĩa với vi phạm pháp luật vậy? Tại sao bao nhiêu người hoạt động vì nhân quyền theo đúng nghĩa như hoạt động vì quyền trẻ em, quyền của người đồng tính… lại không được họ vinh danh, ghi nhận mà họ chỉ chăm chăm bênh vực cho nhưng kẻ vi phạm pháp luật, lấy đó làm căn cứ cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền? Thậm chí, mới đây EU quyết định thông qua đạo luật Magnitsky, nhằm đưa ra chế tài với cá nhân, tổ chức vi phạm, xâm hại nhân quyền nghiêm trọng, với việc đóng băng và cấm nhập cảnh. Ấy vậy là, trang Việt Tân nhanh nhảu kích động rằng “Bộ trưởng Tô Lâm phải bị trừng phạt theo đạo luật Magnitsky”. Nghĩ cũng hài thật, một đạo luật ở đẩu ở đâu, đòi đưa ra trừng phạt với Việt Nam là sao? Cứ như kiểu Việt Nam là một xứ, một tỉnh nào của EU vậy. EU chỉ thông qua một đạo luật chung của họ, chứ chẳng hề dính dáng hay trừng phạt ai cả, thậm chí quan hệ Việt Nam – EU cũng như quan hệ Việt Nam với từng nước châu Âu đều đang diễn ra hết sức tốt đẹp. Nguyên tắc quan hệ quốc tế, không can thiệp công việc nội bộ của nhau đâu dễ bỏ qua. Chưa kể, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo Bộ Công an bắt những phần tử vi phạm pháp luật thì kiện tụng, tố cáo, trừng phạt cái gì chứ?

Khi những kẻ suốt ngày kêu gào về nhân quyền như Nguyễn Văn Đài, Hoàng Dũng, hay tổ chức khủng bố Việt Tân… bên trời tây chỉ là những tiếng kêu lạc lõng nơi xứ người, vất vưởng tị nạn, lay lắt mưu sinh. Thì tại Việt Nam, nhân quyền đã trở thành tài sản chung của xã hội, được Liên Hợp Quốc và nhiều Chính phủ, tổ chức quốc tế, chuyên gia trên các lĩnh vực khác nhau ca ngợi, đánh giá rất cao. Minh chứng là mới đây thôi, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua đề xuất của Việt Nam, ban hành Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm. EVFTA đã được thông qua, sắp tới đây sẽ có hàng loạt bản hợp đồng làm ăn giá trị giữa Việt Nam và EU diễn ra, tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người dân rồi đấy.

Thế Khoa 

Bài mới
Đọc nhiều