Việt Tân hãy thôi trò xỉa xói đi
Sáng ngày 28/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Toà án lần thứ IV, kỷ niệm 75 năm Truyền thống Toà án nhân dân và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Tòa án quân sự Trung ương.
Nhân đây, trên trang mạng phản động Việt Tân có đăng bài viết với tiêu đề “Phim “Hề Công lý” do đảng đạo diễn rất xuất sắc”, đã và đang nhận được nhiều phản ứng từ cộng đồng dư luận.
Khi Việt Tân không biết phải làm gì để có ích cho đất nước
Cách đây 75 năm, ngay sau tuyên ngôn thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thiết lập các Tòa án quân sự. Thời khắc lịch sử đó đã đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án Việt Nam – một thiết chế quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946) đã trang trọng dành riêng một Chương quy định về Tòa án, tạo sở pháp lý để tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan xét xử trên phạm vi cả nước. Thực hiện công cuộc cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng,Tòa án nhân dân đã đổi mới mạnh mẽ cả về địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động. Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng xác định: “Tòa án là trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm, khâu đột phá của hoạt động tư pháp là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp”, đồng thời, hiến định nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ của nhân loại.
Với những thành tích đã đạt được, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng “Huân chương Độc lập hạng Nhất” cho Tòa án nhân dân và danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tòa án quân sự trung ương. Đây là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức Tòa án trong suốt 75 năm và 5 năm qua.
Thế nhưng, nhân sự kiện này, Việt Tân đã lợi dụng để công kích ngành tư pháp Việt Nam, xem đó là bộ phim “Hề Công lý” do Đảng đạo diễn và 2 diễn viên chính của bộ phim là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Dẫn theo bài viết trên, ngòi bút của Việt Tân công kích rằng: “Trong bộ phim này bà Ngân có những màn múa rất ngoạn mục với những lời kịch thoại về việc xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sạch về phẩm chất, lối sống, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý”.
Bài viết còn công kích: “Điểm “son” của bộ phim này do diễn viên Ngân giữ vai trò rất xuất sắc là quảng cáo kết quả sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tỉ lệ giải quyết án đạt cao trên 90%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các quy phạm, chế định liên quan đến hoạt động xét xử và hoạt động tư pháp; công tác phát triển án lệ là điểm sáng trong tiến trình cải cách tư pháp…”
Nhìn nhận từ bài viết trên của thành viên Việt Tân, có thể nói đó đơn giản chỉ là những “ngòi bút máu”, những “ngòi bút vì tiền”. Nói thẳng ra, chúng sẵn sàng công kích Đảng, Nhà nước, chế độ nói chung và các lãnh đạo cấp cao nói riêng một cách không thương tiếc, không từ một thủ đoạn bẩn thỉu nào.
Tức là, khi tung ra những lời lẽ trên, chúng đã cố tình quên đi rằng bất kỳ một thể chế nào, một nhà nước nào muốn tồn tại cũng phải có một nền luật pháp và công lý song hành. Và chế độ pháp quyền dân chủ sẽ mở ra một không gian rộng lớn cho sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam.
Mỗi chính quyền, để khẳng định tính chính đáng, chính nghĩa, hợp pháp của mình khi được thành lập và thực hiện quyền cai trị, quản lý một cộng đồng xã hội, đều thông qua hiến pháp hoặc văn bản có giá trị chính trị – pháp lý để tuyên thệ sứ mệnh gìn giữ, chăm sóc và bảo vệ công lý cho mọi thành viên xã hội.
Vì mỗi phán quyết của cơ quan tòa án có tác động trực tiếp đến quyền thiêng liêng cơ bản nhất của con người, quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu và thậm chí cả quyền sống, tác động đến trật tự an toàn xã hội của mỗi thể chế, quốc gia.
Không một thể chế nào tồn tại được nếu thiếu công lý
Công lý là cơ chế có tính giáo dục và phòng ngừa sâu sắc. Công lý giúp mỗi cá nhân thành viên xã hội nuôi dưỡng, bồi đắp một trật tự nội tại, giúp hình thành sự tiết chế và khả năng tự kiểm soát, giữ cho mỗi thành viên trong xã hội không làm hại người khác.
Lịch sử văn minh nhân loại, nhà nước đã được hình thành từ rất sớm, cách đây khoảng hơn 5.000 năm. Tuy nhiên, bộ máy nhà nước được phân quyền với cơ quan đảm nhận nhiệm vụ tư pháp xét xử mới chỉ được thiết lập cách đây gần 300 năm, kể từ khi nổ ra các cuộc cách mạng tư sản với những học thuyết về quyền tự do cá nhân và quốc gia dân tộc.
Thế kỷ thứ 18, học thuyết phân quyền của Montesquieu ra đời với tên gọi “tam quyền phân lập” (Seperation of powers) và trở thành “hòn đá tảng” trong lý luận tổ chức quyền lực nhà nước tư sản, theo đó, quyền lực nhà nước được phân công và tổ chức thành ba nhánh: Lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyền lập pháp là quyền làm luật, sửa đổi hay hủy bỏ luật. Quyền hành pháp là quyền quyết định và thực thi những vấn đề đối ngoại, chiến tranh, quốc phòng, an ninh, kinh tế. Quyền tư pháp là quyền trừng trị tội phạm và phân xử tranh chấp.
Lịch sử Việt Nam cho thấy, ẩn sau những văn kiện yêu nước bất hủ về chủ quyền quản lý đất nước như “Chiếu dời đô” của Lý Công uẩn, “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ’ của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi hay “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh đều chất chứa những giá trị của lẽ công bằng, sự bình đẳng và khát vọng về một xã hội thái bình thịnh thế.
Còn trong một Nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ, tư pháp độc lập và công lý được khẳng định là một tiêu chuẩn, giá trị cơ bản. Để phù hợp với tư duy xây dựng nhà nước pháp quyền, đề cao quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục đích của sự phát triển, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã chính thức ghi nhận, khẳng định Tòa án nhân dân là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và giao Tòa án nhân dân “nhiệm vụ bảo vệ công lý”.
Để hoàn thành được những nhiệm vụ và trọng trách trên, ngành tư pháp phải xây dựng một đội ngũ thẩm phán có tâm và có chuyên môn nghiệp vụ cao thông qua việc tuyển chọn thẩm phán phải là những người có đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của công việc và theo quy định của pháp luật. Các tiêu chuẩn phải được quy định cụ thể từ trước về chất lượng, năng lực, chuyên môn và phẩm chất cá nhân.
Ngoài việc cần có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng phân tích và phán đoán, có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tế đã trải qua công tác trong ngành luật.
Có thể thấy, một quốc gia văn minh phải được quản lý trên cơ sở nền tảng của đạo lý, công lý, lẽ công bằng. Một khi thiếu đi tính công lý thì thể chế đó sẽ khó tồn tại. Và truyền thống pháp luật Việt Nam, công lý được hiểu là “sự công bằng, sự đúng đắn, lẽ phải” và ban hành công lý là việc “Tòa án xác định điều đúng, điều sai trong một vụ việc nhằm thiết lập lại sự công bằng”.
Với những gì mà ngành tư pháp Việt Nam đóng góp cho sự ổn định, phát triển của nước nhà thì đáng được tôn vinh. Tôn vinh để mỗi cá nhân, tập thể ngành tư pháp ý thức thêm bổn phận, nghĩa vụ của mình với đất nước, vì nhân dân, vì lẽ phải – công bằng mà phụng sự.
Điều này cũng có nghĩa, không có một thể chế, một chế độ nào mà không cần công lý. Việt Tân cùng những thế lực thù địch khác đã không giúp ích gì được cho sự phát triển của đất nước thì hãy thôi xỉa xói, công kích đi. Bởi giờ đây chẳng có ai ngây ngô mà tin vào những luận điệu xuyên tạc trắng trợn đó cả.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả