Việt Tân đánh lận con đen với nội dung phát biểu của các lãnh đạo
Hiện nay, kỳ họp Quốc hội thứ 10 đang diễn ra với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn khá sôi nổi giữa các đại biểu và các Bộ trưởng. Điều này thể hiện rõ sự dân chủ rộng rãi tại nghị trường của Việt Nam tuy nhiên, lợi dụng sự kiện được đông đảo người dân trên cả nước và cử tri quan tâm, một số trang mạng các phần tử phản động, cơ hội chính trị đang có những bình luận xấu độc về hoạt động của Quốc hội. Chúng gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, những ngày gần đây khi các phiên họp chất vấn của Quốc hội đang trở nên nóng hơn bao giờ hết thì những kẻ phản động, thù địch như Việt Tân cũng ra sức đăng bài chống phá, xuyên tạc bản chất của những nội dung được thảo luận, chất vấn trong kỳ họp Quốc hội. Chúng cho rằng: “Chất vấn trong Quốc hội chỉ để xoa dịu chứ không giải quyết vấn nạn”, và để minh hoạ cho nội dung trên chúng mượn lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng công an, điển hình là việc “hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán” và yêu cầu Bộ trưởng Tô Lâm có biện pháp xử lý nhằm tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành công an. Trả lời về phản ánh trên của đại biểu Nhưỡng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: “Nếu có cũng chỉ là trường hợp hết sức cá biệt”. Và qua lời Việt Tân chúng suy diễn rằng: “Nghĩa là ngành công an, theo ông Tô Lâm rất thanh liêm và trong sạch… Những việc nhũng nhiễu, vòi tiền hay hà hiếp dân chỉ là những cáo buộc phi lý”. Về lời phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, có thể thấy dường như vị đại biểu này đang cố tình lấy 1-2 hiện tượng cá biệt để bêu xấu hình ảnh của cả một lực lượng đang ngày đêm vất vả hy sinh vì bình yên của nhân dân và vô tình tạo điều kiện cho những kẻ phản động lợi dụng để chống phá.
Không chỉ vậy, trong các câu trả lời của các Bộ trưởng, Việt Tân cũng lợi dụng để xuyên tạc bịa đặt hướng lái dư luận. Chúng trắng trợn xuyên tạc rằng: “Những phát biểu trên cho thấy các lãnh đạo của Đảng vừa vô trách nhiệm, vừa dốt, thiếu hiểu biết, vừa nổ”.
Theo dõi các phiên họp chất vấn của Quốc hội những ngày gần đây, có thể thấy không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nội dung, ý kiến rất phong phú, đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh…; phản ánh nhiều vấn đề, nội dung, vụ việc được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, những chất vấn thẳng thắn của đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khắp tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Riêng tại Gia Lai, nhiều cử tri đánh giá, các ý kiến của nữ đại biểu này là khá xác đáng, thể hiện được trách nhiệm trước cử tri tỉnh nhà. Rất nhiều câu hỏi đã được các đại biểu Quốc hội gửi đến các lãnh đạo ngành và dư luận sau phiên chất vấn đều bày tỏ sự tâm đắc đối với những nội dung chất vấn.
Đặc biệt là các phiên chất vấn được phát thanh-truyền hình trực tiếp, thu hút sự quan tâm theo dõi, đánh giá, góp ý của cử tri và nhân dân cả nước. Việc tranh luận được khuyến khích khiến vấn đề chất vấn được làm rõ ràng hơn, nhất là các mặt hạn chế, trách nhiệm cán bộ và nêu rõ giải pháp. Kỳ thực, không khí dân chủ, cởi mở của Quốc hội, vai trò của các đại biểu Quốc hội càng được thể hiện rõ. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Trong phiên họp chất vấn họ đều bình đẳng, không còn chuyện cấp trên, cấp dưới, người trong ngành, ngoài ngành, người địa phương hay ngoài địa phương… Tất cả các đại biểu đều là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
Mỗi kỳ họp Quốc hội luôn là sự kiện chính trị-xã hội được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Bởi cử tri tin tưởng rằng, những nguyện vọng, ý kiến tâm huyết của mình luôn được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trân trọng, lắng nghe, bàn thảo nghiêm túc và từ đó cho ra những quyết sách đúng đắn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, việc Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, khiến cho những người giữ các chức danh mà Quốc hội bầu, phê chuẩn luôn phải nỗ lực thể hiện rõ trách nhiệm của mình, không thể lơ là. Thế mới thấy, Quốc hội thực sự là diễn đàn của những người đại diện xứng đáng nhất của toàn dân, xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Mặt khác qua kỳ họp này cũng cần thấy rằng, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Lời phát biểu của đại biểu Quốc hội có tác động sâu sắc đến xã hội. Vì vậy, mỗi đại biểu Quốc hội cần cân nhắc từng câu, từng chữ khi phát biểu trên nghị trường, tránh để các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Mỗi khi Quốc hội họp, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại ra sức chống phá. Chính vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần hiểu đúng, hiểu rõ những nội dung chính thống được Quốc hội thảo luận và công khai, tránh bị rơi vào những suy diễn vô căn cứ như thông tin họ đã tung trên các trang mạng trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội này. Yêu nước, trước hết hãy là một công dân có trách nhiệm. Khi có nguyện vọng góp ý, phản biện các quyết sách quan trọng của đất nước, mỗi người cần phải xuất phát từ tư cách công dân chân chính và trong khuôn khổ pháp luật.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả