Việt Nam xuất sắc giữ vị trí top đầu danh sách có “Chỉ số Chính phủ” tốt
Mới đây, Viện Quản trị Chandler (Singapore) vừa công bố bảng xếp hạng “Chỉ số chính phủ tốt Chandler” năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất sắc giữ thứ 3 trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và thứ 56 trong số tổng 104 quốc gia/vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Nhìn chung, thành tích mạnh mẽ của Việt Nam ở các chỉ số Thị trường hấp dẫn (thứ 34) và Hỗ trợ phát triển con người (thứ 43) cho thấy Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào tiến trình phát triển nền kinh tế đất nước, đồng thời đảm bảo một xã hội công bằng hơn.
Những thành công trong công tác phòng chống Covid-19 với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt đã đóng góp rất lớn vào thành tích của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số chính phủ Chandler 2022.
Được biết, “Chỉ số chính phủ tốt Chandler” là chỉ số toàn diện nhất trên thế giới, được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính phủ quốc gia. Bảng xếp hạng CGGI dựa trên hơn 50 nguồn dữ liệu mở, được xây dựng theo nguyên tắc và hướng dữ liệu để giúp hiểu rõ năng lực, kết quả của 104 chính phủ trên toàn thế giới và gần 90% dân số thế giới.
Chỉ số này tập trung vào 7 trụ cột: năng lực lãnh đạo và tầm nhìn xa; luật pháp và chính sách mạnh mẽ; thể chế mạnh; quản lý tài chính; thị trường hấp dẫn; tầm ảnh hưởng và danh tiếng toàn cầu; và hỗ trợ phát triển con người. Phương pháp luận chặt chẽ của CGGI được phát triển thông qua tham vấn với các nhân viên chính phủ, các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và nhà nghiên cứu về quản trị.
Các quốc gia châu Âu giữ vị trí nổi bật trong top 20, với Phần Lan đứng đầu bảng xếp hạng và Thụy Sĩ chiếm vị trí thứ hai. Các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương nằm trong top 20, bao gồm Singapore (thứ 3); New Zealand (thứ 9); Nhật Bản (thứ 15); Australia (thứ 17) và Hàn Quốc (đồng hạng thứ 19).
Đây là năm thứ hai Viện Quản trị Chandler công bố chỉ số này, sau lần công bố trước vào năm 2021. Chỉ số năm nay đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp trị, quyền sở hữu trí tuệ và chống tham nhũng, cũng như đánh giá ảnh hưởng của năng lực quản trị đối với khả năng của quốc gia trong đối phó với các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19.
CGGI là chỉ số toàn diện nhất trên thế giới dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính phủ quốc gia. Chỉ số này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư nhằm nâng cao năng lực của công chức và bộ máy mà họ vận hành để xây dựng một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn.
Bảo Trâm (Theo CGGI)