Việt Nam xuất khẩu tàu tuần tra bọc thép cao tốc: Tiền đề tương lai
Công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam đã có những bước đột phá quan trọng, không chỉ chế tạo những con tàu cỡ lớn phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu đi khắp thế giới. Và mới đây 60 tàu tuần tra cao tốc của Việt Nam xuất sang Châu Phi là tín hiệu tích cực cho việc phát triển an ninh – quốc phòng trong tương lai.
Ngày 4/1/2020, trước thông tin Việt Nam xuất khẩu 60 tàu tuần tra bằng nhựa cao cấp PPC và vỏ thép chống đạn sang Châu Phi theo đơn đặt hàng, TS Đặng Văn Nghĩa – nguyên giảng viên Khoa Đóng tàu – Đại học Hàng hải Việt Nam nhìn nhận đây là việc đáng mừng, cho thấy ngành đóng tàu của Việt Nam đã có những bước tiến phát triển vượt bậc trong quãng thời gian qua.
“Điều đó cho thấy bạn bè trên thế giới đã có nhìn nhận khác về ngành công nghiệp đóng tàu của chúng ta. Hơn nữa, đây là tàu tuần tra nên sẽ có ứng dụng nhất định trong an ninh – quốc phòng. Nó sẽ là tiền đề để chúng ta có thể chế tạo ra những con tàu phục vụ cho mục đích quân sự của nước nhà” – ông Nghĩa nói.
Được biết, đây đều là những tàu tuần tra cao tốc do đối tác tỉ phú ở Châu Phi đặt hàng. Viện thiết kế tàu quân sự của Việt Nam thực hiện khâu thiết kế, với chiều dài lớn nhất 15,1m, chỗ rộng nhất 3,86m, lượng choán nước 12,5 tấn.
Tốc độ thiết kế của tàu là 37 hải lý/giờ nhưng khi thử nghiệm thực tế lên tới hơn 42 hải lý/giờ. Ngoài các thiết bị tiêu chuẩn như đèn, còi, rađa, các tàu tuần tra này còn được trang bị hệ thống camera quan sát ban đêm, giúp đảm bảo tốt hơn nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển.
Quan sát bên ngoài có thể nhận thấy lớp xuồng tuần tra cao tốc này là một thiết kế sửa đổi từ nguyên mẫu D300 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 189 (Nhà máy Z189) giới thiệu cách đây không lâu.
Được biết thiết kế xuồng tuần tra cao tốc D300 của Nhà máy Z189 dựa trên nguyên mẫu chiếc CQ-02 – là sản phẩm của Viện Kỹ thuật Hải quân, đã được cải tiến với nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt trội.
Đáng giá nhất trên chiếc xuồng cao tốc này đó là nó đã được tích hợp module gắn súng máy hạng nặng NSV cỡ 12,7 mm điều khiển tự động, không yêu cầu xạ thủ phải trực tiếp vận hành như CQ-02, mang lại hiệu quả tác chiến vượt trội.
Trên sản phẩm xuất khẩu sang châu Phi, có thể nhận ra những thiết bị như máy thu phát sóng VHF, radar dẫn đường hàng hải tầm hoạt động 36 hải lý, hệ thống định vị vệ tinh GPS và thiết bị trinh sát quang điện tử phục vụ cho việc dẫn bắn vũ khí.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành đã bắt đầu khởi sắc với những bước tiến dài, trong đó lĩnh vực đóng tàu quân sự nước nhà đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, chế tạo những sản phẩm chất lượng cao, đóng góp lớn vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Có thể kể ra đây những sản phẩm phải nói là hoàn hảo của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam như tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya, tàu pháo TT-400TP, tàu tuần tra đa năng DN-2000, tàu tuần tra cao tốc TT-400TT, tàu chở quân lớn như HQ-571 Trường Sa, “bệnh viện nổi trên đại dương” HQ-561,… phục vụ nhu cầu trong nước.
Và hơn nữa, chúng ta còn có các sản phẩm xuất khẩu như tàu tuần tra Stan Patrol 5009 (SPa 5009), tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn, tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore, tàu vận tải — đổ bộ Stan Lander 5612… đang được thị trường nước ngoài hết sức ưa chuộng.
Ngành đóng tàu quân sự Việt Nam đã thực sự đứng vững trên 2 chân, không chỉ đảm bảo cung cấp những con tàu hiện đại cho các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam, các sản phẩm của ngành đóng tàu quân sự nước ta còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Australia, Venezuela, Bahamas,… và được đánh giá rất cao.
Khác với các vật liệu khác được dùng để đóng tàu như thép hay composite, lô tàu tuần tra xuất khẩu sang Châu Phi lần này được làm chủ yếu bằng vật liệu PPC chống được tia tử ngoại, hóa chất, không bị ăn mòn, kháng axit và các sản phẩm từ dầu mỏ nên có thể tăng tuổi thọ sử dụng. Việc thường xuyên làm sạch và khử trùng bằng hóa chất không gây tổn hại cho vật liệu PPC.
Vật liệu PPC còn là loại vật liệu trung tính đối với nước ngọt và thực phẩm. Điều quan trọng là PPC có thể tái chế 100% nên không gây hại môi trường, không tốn chi phí bảo dưỡng như tàu thép. Đây là một trong những lý do quan trọng để đối tác châu Phi lựa chọn đặt đóng tàu tại Việt Nam
“Chúng ta cũng đã có một số con tàu xuất sang nhiều nước trên thế giới như Australia, Venezuela, Bahamas,… và được đánh giá rất cao.
Riêng Hải quân Australia đã tiếp nhận tới 3 tàu “Made in Vietnam” gồm 2 tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn (có lượng giãn nước trên 3.000 tấn trang bị các thiết bị chuyên dụng với tính năng vượt trội như phát hiện tọa độ, hệ thống thông tin và robot lặn kết nối với tàu ngầm để cứu nạn thuyền viên khi xảy ra sự cố), và tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore.
Nhưng chưa có lô hàng nào lớn lên tới hàng chục chiếc như xuất sang Châu Phi. Hy vọng lần này sẽ là cú hích để cho ngành đóng tàu của Việt Nam nói chung và tàu quân sự nói riêng phát triển hơn nữa” – ông Nghĩa bày tỏ.
Vân Phạm/DVO