+
Aa
-
like
comment

Việt Nam xử lý thi hài nhiễm Covid-19 như thế nào?

03/08/2020 15:08

Các bạn có tự hỏi, liệu những người tử vong do Covid-19 thì thi thể sẽ được xử lý như thể nào để đảm bảo không phát tán mầm bệnh ra cộng đồng không. Câu trả lời này được giải đáp trong Công văn số 495/BYT-MT của Bộ Y tế về việc quản lý chất thải y tế và xử lý thi hài bệnh nhân nhiễm nCoV ban hành ngày 6/2/2020.

Theo Công văn số 495, các bước thực hiện sẽ như sau (trích công văn):

Nguyên tắc chung

– Đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, hỏa táng và mai táng thi hài bệnh nhân tử vong do nhiễm nCoV (sau đây gọi tắt là thi hài nhiễm nCoV) và thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2009/TT- BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng.
– Chuyển người bệnh cách ly khác trong buồng bệnh (nếu có) sang buồng cách ly khác trước khi thực hiện xử lý thi hài.
– Thi hài nhiễm nCoV phải được hỏa táng, chỉ mai táng trong trường hợp không thực hiện được việc hỏa táng.
– Thi hài phải được khâm liệm càng sớm càng tốt và hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.
– Chỉ nhân viên y tế có nhiệm vụ, người nhà người bệnh đã được hướng dẫn quy trình phòng ngừa và được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp được tham gia xử lý thi hài nhiễm nCoV.
– Người tham gia quá trình vận chuyển, hỏa táng, mai táng thi hài nhiễm nCoV phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp.
– Tất cả các chất thải phát sinh trong quá trình xử lý, vận chuyển, hỏa táng hoặc mai táng thi hài nhiễm nCoV phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.

Xử lý thi hài

1. Trường hợp cửa phòng có bệnh nhân tử vong do nhiễm nCoV chưa có khay chứa dung dịch diệt khuẩn, cần đặt tấm thảm hoặc vải dày thấm đẫm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính trước cửa phòng. Người có trách nhiệm xử lý thi hài phải đặt 2 chân vào trong khay inox hoặc lên tấm vải này trước khi đi khỏi phòng.

2. Dùng bông tẩm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính để nút kín các hốc tự nhiên của thi hài, sau đó phun dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính lên toàn bộ thi hài hoặc dùng vải liệm được tẩm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính để quấn kín toàn bộ thi hài.

3. Bọc thi hài trong túi đựng thi hài. Sử dụng vật liệu chống thấm lót bên trong túi đựng thi hài và đóng kín túi. Trường hợp không có túi đựng thi hài, bọc kín thi hài bằng 02 lớp vải cot-ton dày được tẩm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính, sau đó bọc kín thi hài bằng 01 lớp ni-lon.

4. Sau khi bọc kín thi hài, sử dụng thẻ hoặc miếng dán cảnh báo “THI HÀI NHIỄM NCOV” ở bên ngoài.

5. Sau khi chuyển thi hài đi, khử khuẩn lại toàn bộ buồng bệnh như sau:

– Thu gom các dụng cụ bẩn, đồ vải vào các thùng/túi theo quy định về trung tâm tiệt khuẩn, giặt là để xử lý. Thu gom chất thải và các vật dụng cá nhân khác của người bệnh tử vong để xử lý theo hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong chăm sóc và điều trị người nhiễm nCoV.

– Khử khuẩn các bề mặt bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính và bảo đảm đúng thời gian tiếp xúc với hóa chất khử khuẩn tối thiểu là 30 phút hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.

6. Vận chuyển thi hài

6.1. Vận chuyển thi hài đến nhà tang lễ tại cơ sở y tế

– Vận chuyển thi hài bằng xe hoặc băng ca theo đường cách ly đã định trước. Bánh xe phải được khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính trước khi đi ra khỏi phòng. Hạn chế vận chuyển thi hài qua nơi đông người. Nếu vận chuyển thi hài bằng thang máy thì phải hạn chế tối đa người đi cùng, chỉ những người mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân mới được đi cùng trong thang máy.

– Ngay sau khi đưa thi hài đến nhà tang lễ, cần phải tiến hành khử khuẩn xe hoặc băng ca vận chuyển thi hài bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.

6.2. Khâm liệm thi hài:

– Lót một tấm ni-lon lớn đủ để bao bọc thi hài dưới đáy quan tài, đặt thi hài lên tấm ni-lon đã lót dướt đáy quan tài và gói kín.

– Đóng kín quan tài. Kiểm tra và dán kín các khe hở của quan tài (nếu có).

– Khử khuẩn toàn bộ bề mặt buồng khâm liệm, các vật dụng có tiếp xúc với thi hài bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các che phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.

6.3. Vận chuyển quan tài tới nơi hoả táng, mai táng

– Vận chuyển quan tài bằng phương tiện riêng (xe cứu thương, xe tang lễ) tới nơi hỏa táng, mai táng.

– Người nhà của người tử vong do nhiễm nCoV không được lên phương tiện chuyển quan tài. Nhân viên lái xe và nhân viên y tế đi cùng phải mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.

– Ngay sau khi vận chuyển quan tài tới nơi hỏa táng, mai táng phải khử khuẩn toàn bộ bề mặt phương tiện chở quan tài bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.

6.4. Vận chuyển thi hài, hài cốt qua biên giới

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiêt thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

7. Hỏa táng, mai táng thi hài nhiễm nCoV:

7.1. Hoả táng:

– Cần tiến hành hỏa táng thi hài nhiễm nCoV trong thời gian sớm nhất.

– Sau khi hỏa táng, phải tiến hành vệ sinh khử trùng nền nhà, tường, của phòng tiếp nhận, các dụng cụ, trang thiết bị có liên quan bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế – Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành và để khô tự nhiên.

– Phương tiện bảo vệ cá nhân của người tham gia quá trình hỏa táng phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.

7.2. Mai táng:

– Chọn nơi đất cao, không bị ngập úng để đào huyệt, cần tiến hành việc mai táng thi hài trong thời gian sớm nhất.

– Trước khi đặt quan tài xuống huyệt, phải rắc hoá chất khử khuẩn chứa Clo hoạt tính hoặc phun dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh thành huyệt và đáy huyệt.

– Trước khi lấp đất, phải rắc hoá chất khử khuẩn chứa Clo hoạt tính hoặc phun dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh ở xung quanh và trên mặt quan tài.

– Các dụng cụ, thiết bị dùng để mai táng như cuốc, xẻng… sau khi sử dụng phải được khử khuẩn bằng dung dịch chứa 0,5% Clo hoạt tính, để dụng cụ ngấm hóa chất khử trùng ít nhất 30 phút và để khô tự nhiên.

– Phương tiện bảo vệ cá nhân của người thực hiện việc mai táng phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhân 6 ca tử vong liên quan đến Covid-19. Trong đó, TP Đà Nẵng ghi nhận 5 trường hợp (BN428, BN437, BN499, BN475, BN429), Quảng Nam ghi nhận 1 trường hợp (BN524). Đây là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng. Đối với các trường hợp tử vong tại Đà Nẵng sẽ được khâm liệm để chuyển đến nhà hỏa thiêu. 2 trường hợp tử vong tại Huế, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Thừa Thiên – Huế và Bệnh viện T.Ư Huế có trách nhiệm xử lý. Mọi quy trình đều được xử lý nghiêm ngặt theo đúng quy định của Công văn 495. Mặc dù, các biện pháp được xử lý rất chặt chẽ, để tránh tối đa trường hợp lây nhiễm ra cộng đồng nhưng cũng rất nhân văn khi cho phép người nhà các bệnh nhân được dự lễ khâm liệm tại bệnh viện.

Thu An (TH)

Bài mới
Đọc nhiều