+
Aa
-
like
comment

Việt Nam vừa có “kỳ tích tháng 9”?

Hạnh Văn - 02/10/2020 16:25

Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê Việt Nam tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội nước ta trong tháng 9 vừa qua. Theo báo cáo của Tổng cục, dù tình hình thế giới trong năm qua xảy ra nhiều bất ổn, đặc biệt là đại dịch COVID-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP 2,12% sau 9 tháng. Dù không phải là điều bất ngờ, nhưng thành tựu vừa qua hẳn vẫn sẽ khiến bất kỳ một người Việt Nam nào cũng cảm thấy tự hào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo về mục tiêu tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2020.

Hồi tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới World Bank công bố báo cáo Viễn cảnh kinh tế Thế giới 2020 dự báo một bức tranh ảm đạm trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành. Theo World Bank, trong số 195 quốc gia, vùng lãnh thổ được được thống kê thì có đến 151 nước được dự báo có chỉ số tăng trưởng GDP âm trong năm 2020. Chỉ có 43 nước được đánh giá sẽ có sự tăng trưởng dương, trong đó Việt Nam chúng ta được dự báo nằm trong top 10 các quốc gia tăng trưởng cao nhất trong năm nay, đạt 2,7%. So sánh với các quốc gia trong danh sách thì WB đưa ra một bức tranh u ám hơn rất nhiều đối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điển hình như hai cường quốc châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng là hai nước có nhiều thành công trong việc phòng chống COVID-19, WB đều dự báo tăng trưởng âm lần lượt là -5,163% và -1,178%. Rõ ràng, Ngân hàng Thế giới đang có một cái nhìn cực kỳ tích cực với nền kinh tế Việt Nam của chúng ta. Và thực tế kết thúc quý III 2020, tăng trưởng GDP 2,12% của chúng ta đã tiến rất gần đến dự báo của World Bank.

Dự báo ảm đạm trong Viễn cảnh tăng trưởng GDP của WB.

Bên cạnh tín hiệu tức cực từ bức tranh tổng thể, báo cáo của Tổng cục Thống kê đã cho thấy một điều rất đặc biệt. Đó là khu vực kinh tế dịch vụ, dù chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ đại dịch, do hàng loạt các quốc gia đóng cửa biên giới, giao thông và du lịch đình trệ, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 1,37%. Dù là mức thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng nếu so sánh với thực trạng của nhiều quốc gia trên thế giới, có thể nói không ngoa rằng đây là một kỳ tích của khu vực kinh tế dịch vụ. Một trường hợp điển hình chính là Italy, nơi ngành du lịch chiếm đến 14,3% GDP cả nước. Thiệt hại nặng nề của đại dịch đã khiến dự báo kinh tế đối với quốc gia này ở mức -9,314%, một viễn cảnh u ám cho một trong những cường quốc thế giới…

Trong một báo cáo khác, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết giá trị xuất siêu của nước ta trong 9 tháng vừa đạt mức kỷ lục gần 17 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giữa bối cảnh dịch COVID-19 làm đứt gãy thương mại quốc tế, con số kỷ lục xuất siêu của nước ta một lần nữa khẳng định tiềm lực kinh tế của nước ta. Theo Tổng cục, đây là ký tích khi cả 3 khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng dương, vượt qua mọi khó khăn từ đại dịch. Đặc biệt là ngành nông nghiệp, không chỉ đối phó dịch COVID-19, mà còn chịu ảnh hưởng của biến đối khí hậu và dịch tả lợn châu Phi, nhưng vẫn đạt tăng trưởng 1,84%. Dù con số có thể nói là khiêm tốn, nhưng so với Thái Lan, cường quốc nông nghiệp trong khu vực, GDP nông nghiệp đã sụt giảm đến 7% so với quý I. Tổng thể, WB dự đoán tăng trưởng GDP của Thái Lan là -6,662%.

Nông nghiệp Việt Nam dù đối chọi 2 dịch bệnh vẫn tăng trưởng 1,84%.

Ngay cả khi so sánh tương quan với các nước có tăng trưởng GDP không âm, Việt Nam vẫn là quốc gia có nhiều điểm sáng đặc biệt. Ngay tại nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc, dù được dự báo có mức tăng trưởng 1,12%, mối lo ngại về một nguy cơ tái bùng phát đại dịch bất cứ lúc nào vẫn tiếp tục bao trùm lên bầu không khí. Bên cạnh đó, Trung Quốc chật vật với cuộc chiến tranh thương mại với nền kinh tế số một thế giới, khiến không ít các đối tác thương mại tìm đến những giải pháp, thị trường mới. Đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới nhận ra rằng, sự phụ thuộc vào một quốc gia trong chuỗi cung ứng là một nguy cơ tiềm ẩn cho sự ổn định toàn cầu. Chưa kể, Trung Quốc được cho là có nhiều biểu hiện ưu đãi bất đối xứng cho các tập đoàn điện tử trong nước, đặc biệt là các “đại gia” công nghệ của nước này như Alibaba, Huawei… Ngược lại, chúng ta nổi bật lại với nhiều lợi thế về logistics, lao động tay nghề cao nhưng giá rẻ… là điểm đến sáng giá cho “làn sóng” di dời nhà máy của các “ông lớn” như Apple, Samsung, Intel, LG, Canon…

Việt Nam là lựa chọn nổi bật cho các “ông lớn” dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc.

Những thành tựu vừa được Tổng cục Thống kê công bố đang cho chúng ta thấy một bức tranh sáng lạng của nền kinh tế Việt Nam. Có được điều này, hẳn không thể không kể đến sự đồng lòng của toàn thể người dân và nỗ lực của chính phủ. Những biện pháp phòng dịch sâu sát, chặt chẽ ngay từ những ngày đầu từ Bộ Y tế, lực lượng biên phòng và các chiến sĩ, cùng với sự tuân thủ chấp hành gần như tuyệt đối của mỗi người dân đã tạo nên kỳ tích mang tên Việt Nam. Chính thành quả từ công tác phòng dịch đã tạo nên một môi trường an toàn, trong đó người dân an tâm tham gia lao động sản xuất, không chỉ phục hồi mà còn đưa nên kinh tế đất nước từ kỳ tích này đến kỳ tích khác.

Công nghiệp Việt Nam cũng có nhiều khởi sắc.

HẠNH VĂN

Bài mới
Đọc nhiều