+
Aa
-
like
comment

Việt Nam vốn dĩ là vậy! Nếu Đại sứ Mỹ khen ngợi thật cũng không có gì làm lạ

27/02/2020 19:05

Cho đến hiện tại, sau khi 16/16 ca nhiễm Covid-19 đã được xuất viện, vẫn còn một bộ phận người Việt không tin tưởng và nghi ngờ Chính phủ Việt Nam chưa thật sự minh bạch thông tin về dịch Covid-19.

Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Trái ngược lại, các chuyên gia Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm sát Dịch bệnh Mỹ (CDC), ngành y tế Mỹ, đại sứ Mỹ và Chính phủ Mỹ lại tin vào mức độ minh bạch của Chính phủ Việt Nam. Theo thông tin được biết, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink trong buổi gặp gỡ các cử tri và giới báo chí người Việt hải ngoại ở khu vực Little Saigon ngày 19/02/2020 đã chia sẻ rằng: “Chúng tôi ấn tượng với mức độ hợp tác và minh bạch của Chính phủ Việt Nam”. Chưa rõ thực hư thông tin thế nào nhưng xin mạn phép nói vài điều.

Việt Nam đâu cần đợi ông đại sứ Mỹ khen minh bạch thì chúng ta mới là minh bạch. Minh bạch hay không tự người dân và lương tri những người thầy thuốc Việt Nam đã nói lên điều đó. Trong suốt thời gian qua, truyền thông báo chí trong nước đã liên tục cập tin tức tình hình, diễn biến và cách phòng chống dịch bệnh Corona giúp người dân phòng tránh dịch tốt hơn rất nhiều. Vì vậy, không thể nói là thiếu minh bạch được.

Điều muốn nói nhiều hơn nữa là trong đợt dịch bệnh Corona này, Việt Nam đã cố gắng làm hết sức để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.

Chuyến bay của VN Airlines đón 30 công dân từ Vũ Hán về nước.

Trong khi hàng ngàn người khắp châu lục hoảng loạn trên chiếc du thuyền sang trọng bị chính dân tộc họ ghẻ lạnh lánh xa thì ở Việt Nam đã có những chuyến bay đến tận vùng dịch đón đồng bào còn đang mắc kẹt về nước. Nhiều tiếng nói của những kẻ ích kỷ , thiếu lương tri đòi nhà nước Việt Nam phải ngay lập tức đóng cửa biên giới để ngăn đồng bào mình từ quốc gia có dịch chạy về quê hương thì ngay đó đã có hàng loạt bệnh viện dã chiến chính là doanh trại quân đội, trường học, hội trường ủy ban khu vực giáp ranh biên giới được sử dụng làm nơi để đồng bào nghỉ ngơi, tạm cách ly dưới sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ quân đội. Trong khi đó, các chiến sỹ lại phải căng mình ra ngoài rừng lập lán trại để nhường nơi ấm êm cho đồng bào mình. Hình ảnh những người lính trở thành những săn sóc viên bất đắc dĩ, ân cần bưng từng khẩu phần ăn, viên thuốc đến tận nơi phục vụ đồng bào ruột thịt của mình đã để lại những ấn tượng rất đẹp trong mắt bà con Vĩnh Phúc vừa qua.

Khu cách ly người dân từ vùng dịch trở về.
Bộ đội dựng trại lán để sống gần người dân, chăm sóc người dân từ vùng dịch trở về.

Cả dân tộc cùng đứng chung một chiến tuyến với câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “không có ai phải ở lại phía sau” như kiểu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, cả dân tộc vì một người, mỗi người vì dân tộc mình để rồi Việt Nam kiên cường đối mặt với dịch bệnh mà không hề run sợ.

Nhớ lại năm 2003 khi cả thế giới hoảng loạn trước đại dịch Sars bùng phát, nhiều quốc gia cực giàu có và phát triển, vậy mà tỷ lệ tử vong có nơi cao hơn 40%. Trong khi đó Việt Nam không có nhiều tiền như họ nhưng tỷ lệ tử vong chỉ gần 12%. Điều đáng trân qúy, đáng tôn vinh gấp ngàn vạn lần, đó là số người mắc bệnh khi đó là 63 người, số người chết là 5 người và cả 5 người ngã xuống đó đều là các y bác sĩ.

Ngôi miếu nhỏ tưởng niệm các bác sĩ hy sinh trong đợt dịch Sars.

Vâng, 58 người “ may mắn thoát chết” và được sống kia đều là những người dân thường, là những người nước ngoài đến Việt Nam, họ được an toàn khỏi bệnh để trở về. Và càng đáng tự hào hơn khi Việt Nam năm đó cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế được đại dịch Sars.

Nhìn sang trời Âu, Mỹ mới thấy cảnh cả đoàn người Ukraina biểu tình hò hét, ném gạch đá vào đoàn xe đón đồng bào họ từ vùng dịch trở về Tổ quốc, rồi những con người phải trả tiền để được di tán khỏi Vũ Hán. Đã có không ít Chính phủ đã từ chối đón công dân của mình từ vùng dịch trở về quê nhà. Thật đau xót lắm thay, trong cơn hoảng loạn, người dân của họ chẳng may mắc bệnh, họ đâu còn nơi nào để bấu víu đi về ngoài quê hương. Những nạn nhân của bệnh dịch kia – họ sẽ nhìn về Tổ quốc với con mắt như thế nào ngoài sự xa lạ, trong cái uất nghẹn và cô đơn khi biết rằng mình đã chính thức bị chính đồng bào mình bỏ rơi.

Ngạn ngữ có câu: “Cho dù bạn có nửa thế giới hay gần hết thế giới nhưng nếu bạn không có sức khỏe, không có quê hương thì coi như bạn chẳng có gì”. Đúng vậy Sức khỏe là do số mệnh, quê hương là do định mệnh, chẳng ai biết trước mình sống chết khi nào, cũng chẳng ai chọn được nơi mình sinh ra. Vì vậy hai thứ thiêng liêng đó chỉ thực sự thiêng liêng khi ai đó biết trân trọng.

Hơn bất kỳ thứ gì đó là một dân tộc đoàn kết đồng lòng mỗi khi đất nuớc gặp thiên tai, dịch bệnh, thậm chí là chiến tranh như Việt Nam và cũng chẳng có dân tộc nào coi “chống dịch như chống giặc” để chiến đấu hết mình với nó. Vì vậy đâu đợi Đại sứ Mỹ khen là hợp tác và minh bạch thì Việt Nam mới như vậy, bởi suy cho cùng dân tộc Việt Nam vốn dĩ như vậy từ thuở hồng hoang đã trân trọng hai tiếng “ĐỒNG BÀO” rồi.

Thông tin được biết, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink đã nói với cử tri và báo giới Việt Hải ngoại tại khu Little Saigon (bang California, Mỹ) rằng:

“Chúng tôi theo dõi rất sát sao và rất hài lòng và ấn tượng về hành động của Chính phủ Việt Nam đối với tình hình Coronavirus cho đến nay. Trong văn phòng chúng tôi tại Việt Nam, chuyên gia Y tế là lực lượng đông đảo nhất với hơn 100 chuyên gia Y tế về sức khoẻ ở Việt Nam hàng ngày, việc của họ là cố gắng xây dựng khả năng Y tế của Việt Nam, bao gồm khả năng tìm ra và chống lại các cơn dịch bệnh, họ đã sẵn sàng để đối phó với những tình huống như thế này.

Chúng tôi ấn tượng với mức độ hợp tác của Chính phủ Việt Nam và mức độ minh bạch của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam cân nhắc rằng tình tr.ạnh này là rất nghiêm trọng và rất chủ động, họ hợp tác rất tốt với nhóm của chúng tôi.

Chúng tôi có sự hiện diện đông đảo đội ngũ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam, họ cho chúng tôi biết rằng họ rất hài lòng về mức độ hợp tác và minh bạch. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát với các nhà chức trách của Chính phủ Việt Nam”.

Trong 16 ca bệnh ở Việt Nam, có một người Mỹ gốc Việt đã quá cảnh ở Vũ Hán trước khi đến Việt Nam. Tôi rất vui để báo cáo rằng chúng tôi đã liên lạc rất sát sao với ông ấy trong thời gian nằm bệnh viện và được chữa trị ở Sài Gòn. Chúng tôi nghĩ rằng ông ấy đã nhận được sự điều trị rất tuyệt vời.

Hùng Lương

Bài mới
Đọc nhiều