Lạc quan và tin tưởng, đây chính là cảm giác mà mọi người có thể cảm nhận đậm nét và tươi mới sau khi đọc các bài viết và thông tin về Việt Nam mà các phương tiện truyền thông nước ngoài đăng tải trong tuần qua. Tất cả đã cho một cái nhìn lạc quan hơn, khép lại những khủng hoảng mà Covid-19 đem đến trong năm 2021.
Báo giới đang bắt đầu tổng hợp kết quả của năm nay và đưa ra dự báo cho năm tiếp theo. Tác giả bài viết trên Vietnam Briefing cho rằng Việt Nam đã tạo nền tảng cơ sở cụ thể để phục hồi sức mạnh vào năm 2022, mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho tăng trưởng GDP là từ 6-6,5%.
Đại dịch đã tác động rất tiêu cực đến đà phát triển của đất nước trong năm 2021. Trong quý III, chỉ số tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức âm, khoảng 1,8 triệu người mất việc làm và gần 90.300 doanh nghiệp rời bỏ thị trường.
Nhưng ngay cả trong điều kiện như vậy, Việt Nam đang phô trương những kết quả đáng kinh ngạc. Theo thực trạng tính đến giữa tháng 12, khoảng 61,2% cư dân cả nước đã được tiêm chủng vaccine đầy đủ, so với mức chưa đầy 3% hồi tháng 7 quả thực là bước tiến dài!
“Những điều tồi tệ đã qua, tình huống tệ nhất đã nằm lại sau lưng, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019 trong thời gian tới”, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đã nói trong báo cáo kinh tế của Ngân hàng HSBC.
“2021 là một năm thật đặc biệt”, ông Tim Evans nói. Năm qua, Việt Nam đã có một khởi đầu tốt trong quý I, khi kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Nhưng mọi người không lường trước được tác động của biến chủng Delta. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tới mức các chỉ số GDP của quý III ghi nhận thấp kỷ lục, đây được xem là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công bố số liệu GDP.
Tuy nhiên, động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì mạnh mẽ và chỉ tới đợt giãn cách nghiêm ngặt trong năm 2021 mới bị ảnh hưởng nhẹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm tăng 17,5% giúp thặng dư thương mại có xuất siêu nhẹ.
Cũng trong báo cáo kinh tế của HSBC, một mảng màu sáng đang dần dần hiện rõ hơn sau khủng hoảng, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhận định hết sức lạc quan rằng “Việt Nam vẫn còn là điểm đến hấp dẫn về đầu tư FDI”.
Không chỉ HSBC, hàng loạt trang báo nổi tiếng trên thế giới như CNN, Nikkei Asia Review, Bloomberg đều có bài viết nói về việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam, bất chấp những khó khăn do Covid-19 gây ra.
Theo Nikkei Asia Review lại đưa ra nhận định rằng, mặc dù Việt Nam chịu phải một lực tác động lớn từ Covid-19, khiến một số nhà máy tạm ngừng hoặc giảm công suất. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh.
Riêng trang CNN đã đăng tải thông tin tập đoàn sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới Lego đã chính thức rót vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD, phân kỳ đầu tư trong 15 năm, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp VN – Singapore (VSIP) để xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương. Qua đó nhận định,Việt Nam chính là vùng đất vàng, thu hút FDI toàn cầu bất chấp khủng hoảng.
Dự đoán kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cũng là thông tin được truyền thông đánh mạnh trong tuần qua. Đặc biệt nhất chính là bảng báo cáo mới nhất về Dự báo Kinh tế Toàn cầu do ICAEW và Oxford Economics công bố, trong đó nhận định Đông Nam Á sẽ là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2022.
Theo báo cáo, Việt Nam, Malaysia và Philippines dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao vào năm 2022, hơn 6%, gấp đôi tốc độ đạt được trong năm 2021. Tất cả đều nhờ vào nhờ việc nới lỏng các hạn chế, đặc biệt trong việc đi lại của người dân khi tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh trên toàn khu vực. Việc dỡ bỏ các hạn chế và mở cửa các hoạt động du lịch trong nước cũng sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong chi tiêu hộ gia đình và dịch vụ vào năm tới.
Ngoài ra, Tập đoàn Google, nhà đầu tư Temasek Holdings (Singapore) và Công ty Tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) tuần qua cũng công bố bảng báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á, trong đó nhận định từ nay đến năm 2030, Việt Nam có sự phát triển nhanh nhất khu vực, hướng tới tăng trưởng 31% trong năm 2021.
Theo đó, nền kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 220 tỷ USD về Tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia. Năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam cũng sẽ bùng nổ mạnh mẽ với sức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 21 tỷ đô la Mỹ, dựa trên cốt lõi là sức tăng trưởng 53% của thương mại điện tử. Đây là điều đáng hoan nghênh trong bối cảnh thị trường du lịch trực tuyến đang thu hẹp. Nếu duy trì được sức tăng trưởng này, GMV của việt Nam dự kiến sẽ đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.
Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N