Việt Nam vẫn là quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực
Chiều 3-4, phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương chung là không làm suy giảm tinh thần của Chỉ thị 16; cần thực hiện nghiêm hơn trong thời gian tới.
Sẽ sớm ban hành Nghị quyết về an sinh xã hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các nước đã có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, phong tỏa, xử lý các vi phạm quy định về cách ly, tụ tập đông người trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, các địa phương và các cấp, các ngành của Trung ương đã thực hiện rất nghiêm túc Chỉ thị 16 với mục tiêu không được để “vỡ trận”, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng ở mức độ cao. Việc cách ly cũng được thực hiện nghiêm túc theo phương châm “khóa bên ngoài và cách ly bên trong”. Quy luật rút ra trên thế giới là nơi nào chống dịch kiên quyết thì nơi đó kinh tế phát triển, phục hồi và ngược lại, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận xét một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 có biểu hiện máy móc và chưa đúng ý nghĩa của việc cách ly xã hội. Đây là giai đoạn cần huy động tổng lực phòng, chống dịch Covid-19 trong vòng 15 ngày tới, do đó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần phối hợp nhịp nhàng hơn, nhuần nhuyễn hơn; cần làm nhanh nhưng phải chính xác.
Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan báo chí đã đưa tin đậm nét về những tấm lòng nhân ái theo hướng cổ vũ “sức mạnh Việt Nam” trong phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng cho biết Chính phủ đã dự thảo Nghị quyết về an sinh xã hội và sẽ sớm ban hành để hỗ trợ các đối tượng công nhân, người lao động, người yếu thế, người nghèo chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đánh giá về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng nhận xét việc khoanh vùng, xử lý các ổ dịch, nhất là từ Công ty Trường Sinh, quán bar Buddha tại TP Hồ Chí Minh đã được thực hiện hiệu quả. Ghi nhận thành tích của ngành y tế trong điều trị các bệnh nhân Covid-19 với ngày càng nhiều ca được công bố khỏi bệnh, Thủ tướng cũng nêu, trường hợp có những ca tử vong do Covid-19 là bởi có thể do tình trạng ca bệnh quá nặng, bệnh nhân tuổi cao, có các bệnh lý khác…
Mặc dù trong bối cảnh tình hình phức tạp nhưng việc dự trữ hàng hóa thiết yếu vẫn dư dả, dồi dào, giá cả không tăng. Việt Nam xuất khẩu lương thực có kiểm soát và không bao giờ Việt Nam thiếu lương thực trong lúc bị ảnh hưởng dịch bệnh, thời tiết biến đổi không ngừng, Thủ tướng khẳng định.
Tăng trưởng 3,82%
Đề cập đến tình hình, kết quả tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong quý I vừa qua, Thủ tướng nêu rõ: Theo kết quả thống kê, mức tăng trưởng 3,82% tuy thấp, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực, đó là sự cố gắng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân – mục tiêu tối thượng mà Chính phủ đề ra dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời điểm hiện nay.
Trước bối cảnh gia tăng hết sức phức tạp của dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, Thủ tướng lưu ý “nếu không cương quyết, không thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thì sẽ vấp phải bệnh chủ quan và dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng; cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong triển khai các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một cách đồng bộ ở các cấp, các ngành.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần quan tâm sớm hơn, kịp thời hơn đến người nghèo; đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân như điện, nước, gạo, rau xanh, thuốc chữa bệnh… Cùng với đó, phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đầu cơ hàng giả, hàng kém chất lượng; kiên quyết xử lý hình sự một số đối tượng cố tình vi phạm về phòng, chống dịch bệnh để răn đe, giáo dục chung.
Về nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường phát hiện sớm để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. “Xã hội chậm lại, nhưng những người làm công tác phòng, chống dịch, các lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế cần tăng tốc, tăng tốc hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa”, Thủ tướng đề nghị.
Tiếp tục thực hiện nghiêm “cách ly xã hội”
Sáng 3-4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo. Theo các thành viên Ban Chỉ đạo, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực trong vòng 15 ngày (từ 1 đến 15-4), đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu quyết liệt “cách ly xã hội” sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân.
Cách ly xã hội (hay nói cách khác là dãn cách xã hội – giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp) không phải là ngăn cấm giao thông, “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong tỏa xã hội; vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn – nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Đồng thời, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc. Hiện, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế, xã hội. Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, các bộ, ngành liên quan sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp.
Liên quan đến việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “cách ly xã hội”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đây là biện pháp rất quan trọng. Một số nước sử dụng biện pháp này khi số ca trong ngày mắc từ 50 ca trở nên nhưng Việt Nam sử dụng khi các ca mắc mới chỉ dưới 20 ca/ngày, như vậy là rất kịp thời, đúng thời điểm nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng. Cách ly xã hội bản chất là dãn cách xã hội, giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp để phòng, chống dịch. Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện cương quyết biện pháp này để người dân thực hiện nghiêm các quy định về dãn cách xã hội; duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bộ Y tế sẽ sớm có các văn bản hướng dẫn về việc “cách ly xã hội”, trong đó, quan trọng nhất là các biện pháp thực hiện.
QUỲNH NHƯ – TTXVN
Bãi bỏ ngay các biện pháp ngăn cấm đi lại không đúng với Chỉ thị của Thủ tướng
Ngày 3-4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm dãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Văn bản yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16/CT-TTg. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, chủ động điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm phù hợp với các nội dung nêu trên; phối hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề vướng mắc phát sinh.
P.V