Việt Nam vẫn là “con cưng” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài
Theo báo cáo của tập đoàn tài chính DBS, mặc dù dòng vốn FDI những tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ nhưng do có nhiều lợi thế, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn và trở thành “con cưng” của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Số liệu thống kê của Bộ tài chính cho thấy, tính đến ngày 20/6/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong quá trình thu hút vốn đầu tư, Việt Nam đã phải cạnh tranh với một số đối thủ rất mạnh như Ấn Độ, Trung Quốc hay Philippin. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang tăng về cả lượng và chất.
Điển hình như hôm 12/5, tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing đã chính thức mở văn phòng thường trực tại Hà Nội. Chia sẻ tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Brendan Nelson, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing toàn cầu đánh giá, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu bởi vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Tương lai 30 năm tới, Đông Nam Á sẽ cần tới 4.000 máy bay, trong đó Việt Nam dẫn đầu về nhu cầu này. Do đó Boeing rất muốn trở thành nhà cung cấp chiến lược và được làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp Việt Nam.
Tương tự như Boeing, AEON Việt Nam cũng xác định Việt Nam là thị trường đầu tư trọng điểm chỉ sau Nhật Bản trong chiến lược phát triển những năm tới. Ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban Giám đốc điều hành của Tập đoàn AEON cho biết, trong 3-5 năm tới, doanh nghiệp này sẽ phát triển đa dạng mô hình kinh doanh, linh hoạt về quy mô, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương, ví dụ như: trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa, siêu thị cỡ vừa, siêu thị cỡ nhỏ…, từ đó đem đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng hàng đầu cho người dân địa phương.
Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, khi các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, tốc độ phát triển đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất nhanh, đặc biệt là thị trường công nghệ của Việt Nam. Nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu đã tới và thành lập công ty tại Việt Nam. Một số hãng công nghệ lớn trên thế giới cũng đã có ý định chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, như Apple với dây chuyền sản xuất iPhone và iPad, Google với dây chuyền sản xuất Pixel, hay Xiaomi, Oppo với dây chuyền sản xuất thiết bị di động của họ.
Đặc biệt vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Công ty Điện tử Samsung – doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam cũng đã quyết định đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Cùng với đó, các thương hiệu hàng đầu của Hàn Quốc như LG, Hyosung hay Hyundai cũng đã mở rộng đầu tư để phát triển Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.
Việc một loạt tập đoàn lớn trong ngành công nghệ, công nghiệp đang đổ vốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam là minh chứng cho thấy những cải cách về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như sự chuẩn bị hạ tầng của Chính phủ Việt Nam đã mang lại kết quả rõ rệt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lo ngại về thách thức của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư FDI khi không chỉ cạnh tranh với các nước thu hút đầu tư khác mà còn cạnh tranh với cả các nước lâu nay đang “xuất khẩu vốn đầu tư” và nhất là trong bối cảnh các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam dưới sự tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đặt ra, làm thế nào để vừa bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư vừa đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển. Bởi nếu giành quyền đánh thuế, Việt Nam sẽ phải có những hỗ trợ ngược lại cho các doanh nghiệp FDI để hấp dẫn, giữ chân họ ở lại.
Việc thu hút được các tập đoàn lớn tới đầu tư đã là một thành công, nhưng để giữ chân “đại bàng” ở lại cũng là một áp lực rất lớn, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục có những cải thiện về thể chế, môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực; thống nhất các quy định trước khi ban hành để tránh gây ra các quy định chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ.
Ðây sẽ là công cụ chính để Việt Nam giữ chân các tập đoàn này không dịch chuyển đầu tư cùng hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác trong hệ sinh thái, chuỗi cung ứng sang quốc gia khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, từ đó mới có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu; đón nhận đơn hàng từ các ngành công nghiệp hỗ trợ, cũng như dòng dịch chuyển đầu tư từ các chuỗi cung ứng toàn cầu về Việt Nam.
Lan Hoa