+
Aa
-
like
comment

Việt Nam vạch trần yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc trên biển Đông

Thế Khoa - 28/04/2020 15:48

Từ cuối tháng 3 trở lại đây, lợi dụng việc cả thế giới chống dịch bệnh, Trung Quốc đã tăng cường quấy phá trên biển Đông. Gã hàng xóm cho tàu Hải Cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam rồi tráo trở vu cáo ngược lại. Trắng trợn hơn, Trung Quốc còn tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính huyện đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tiếp đó, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc đưa ra yêu sách “Tứ Sa” và dùng nhiều khái niệm mơ hồ về các vùng biển liên quan ở biển Đông hòng chiếm giữ khu vực này.

Các công trình phi pháp do Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.

Có thể thấy, sau phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực năm 2016 đã vô hiệu hóa cơ sở pháp lý “đường lưỡi bò” ngớ ngẩn của Trung Quốc, thì thời gian gần đây gã láng giềng đã thay đổi chiến thuật chiếm trọn biển Đông bằng cách sử dụng cái gọi là “Tứ Sa” sai trái. Tuy nhiên, giống như “đường chín đoạn”, thì “Tứ Sa” cũng thể hiện tham vọng muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Đây đều là những yêu sách phi lý, bất hợp pháp và không phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Trung Quốc muốn lợi dụng sự mập mờ để có thể triển khai nhiều cách diễn giải khác nhau trước khi có một tuyên bố chính thức có lợi nhất, trong khi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa nhằm củng cố quyền kiểm soát trên biển Đông.

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá Trung Quốc rất gian manh khi dùng kế sách “man thiên quá hải”, đề nghị Liên Hiệp Quốc công nhận cái gọi là “Tứ Sa” chứ không phải là “đường lưỡi bò” vốn không có giá trị pháp lý nữa. Gã hàng xóm phương bắc đang tung hỏa mù để cả thế giới không biết ý đồ thực sự, hòng làm Việt Nam buông lỏng sự phòng thủ để chiếm trọn biển Đông thành cái “ao nhà” của họ. Tiếc là, sống bên cạnh Trung Quốc bao nhiêu năm nay, những thủ đoạn, kế sách của kẻ láng giềng xấu tính không thể nào qua mặt được các lãnh đạo Việt Nam, chúng ta “đọc vị” mưu kế của họ chưa một lần sai. Mới đây, Việt Nam đã gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên Liên Hợp Quốc, vạch trần âm mưu, đường đi nước bước của cái gọi là yêu sách “Tứ Sa” thế thân của “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Bên cạnh đó, nội dung Công hàm của Việt Nam lột trần yêu sách “Tứ Sa” hoàn toàn trái quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong EEZ của Việt Nam và các nước xung quanh biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang nhiên đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 2-4. (Ảnh tư liệu và do ngư dân cung cấp)

Trong giấc mộng hướng Nam, chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc đã gặp phải một đối thu “nặng đô”. Cho dù họ đưa ra những mưu hèn, kế bẩn nào đi chăng nữa thì Việt Nam sẽ phá vỡ “thế cờ”, vạch trần, lên án mạnh mẽ cho cả thế giới thấy được đường đi nước bước của Trung Quốc như thế nào.

Có lẽ, Trung Quốc đã hết kiên nhẫn khi gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc “yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ nhân sự vận hành và các cơ sở trên các bãi đá” cũng như thành lập các thành phố của họ tại Trường Sa. Với Việt Nam sự ngông cuồng của Trung Quốc là phép thử, mọi âm mưu xảo quyệt, mọi hành động khiêu khích của gã láng giềng lắm chiêu chỉ để chứng minh một điều Trung Quốc hoàn toàn không phải đang làm chủ “cuộc chơi”. Họ càng làm loạn thì Việt Nam vẫn sẽ bình tĩnh, “điều binh khiển tướng”, chơi đến cùng “ván cờ” này. Trong lịch sử chưa bao giờ nước ta giàu mạnh hơn Trung Quốc, nhưng cũng chưa bao giờ gã phương bắc khuất phục được đất nước nhỏ bé của chúng ta.

Nói ra những điều trên để chúng ta thấy tổng thể dã tâm của gã hàng xóm lắm chiêu, để mỗi người dân Việt Nam thấu hiểu hơn chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và chia sẻ với những ngư dân đang ngày đêm bám biển, giữ ngư trường; để chúng ta thấy được những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK, đảo chìm, đảo nổi, lực lượng cảnh sát biển… Chính phủ ta, quân đội ta, nhân dân ta không phải không biết dã tâm của Trung Quốc và chưa bao giờ mất cảnh giác. Bao năm qua, Việt Nam vẫn chuẩn bị đầy đủ các phương án khác nhau để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bằng cách này hay cách khác nhưng chắc chắn không bao giờ để Trung Quốc đắc chí làm càn. Việt Nam yêu chuộng hòa bình hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới vì nhân dân ta đã chịu bao đau khổ, mất mát, hi sinh để chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong quá khứ. Nhưng một khi không còn lựa chọn nào khác thì chắc chắn người Việt Nam sẽ chẳng sợ bất kỳ đế quốc nào. Không ai mong muốn, nhưng hãy cứ yên tâm rằng nếu Trung Quốc đi quá giới hạn thì Việt Nam cũng không khoanh tay để yên! Khi tổ quốc cần 100 triệu người dân sẽ quyết một trận sống mái để bảo vệ chủ quyền. Tất nhiên là không phải bây giờ, cứ bình tĩnh, tin tưởng ở Đảng và Nhà nước!

“Biết mình, hiểu người, trăm trận không nguy”, nên cha ông ta đã kiên cường, dũng cảm và khôn khéo trong kế sách giữ nước. Ngày nay, những giá trị đó vẫn đang được phát huy có hiệu quả, nhưng bài toán ấy, bây giờ như một “đòn cân não”, vô cùng phức tạp, khó khăn gấp hàng ngàn lần. Vậy nên, trong thế trận hiện nay, dù rất căng thẳng, người dân càng cần đoàn kết, đồng lòng, sẵn sàng “tham chiến” trên mọi “mặt trận”, tin tưởng vào Đảng, nhà nước vào quân đội, vào những người cầm lái đất nước. Không nghe theo những kẻ kích động, xúi giục, “đục nước béo cò”, vô hình chung tiếp tay cho dã tâm của Trung Quốc hòng khiến đất nước mất ổn định, gây thế khó cho Việt Nam trên mặt trận ngoại giao.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều