Việt Nam và Campuchia trao đổi văn kiện về cắm mốc biên giới
Việt Nam và Campuchia trao đổi hai văn kiện phê chuẩn về cắm mốc biên giới, đánh dấu bước tiến trong việc giải quyết biên giới đất liền hai nước.
Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005″ giữa Việt Nam và Campuchia” (Hiệp ước bổ sung năm 2019), cùng “Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền” (Nghị định thư phân giới cắm mốc) được tổ chức hôm nay dưới hình thức trực tuyến, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn đồng chủ trì, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Với việc hoàn tất trao đổi Văn kiện Phê chuẩn, hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc (khoảng 84%) biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay.
Phát biểu tại lễ trao đổi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết việc hai văn kiện pháp lý có hiệu lực thể hiện quyết tâm và thiện chí của cả Việt Nam và Campuchia trong việc cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới chung. Đây là một dấu mốc có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong tiến trình hơn 36 năm giải quyết biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, góp phần củng cố và nâng cao quan hệ hai nước.
Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc, cùng với Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, sẽ là khung pháp lý cơ bản cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia trong tình hình mới.
Những văn kiện này còn giúp bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu hữu nghị, nâng cao đời sống cư dân biên giới, từ đó xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, đóng góp vào việc củng cố, tăng cường đoàn kết ASEAN, nâng cao uy tín và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
Hai nước dự kiến tích cực phối hợp để sớm tổ chức bàn giao và quản lý đường biên, mốc giới phù hợp với Nghị định thư, đồng thời tiếp tục đàm phán xây dựng các điều ước quốc tế về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu, cũng như giải quyết khoảng 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc.