+
Aa
-
like
comment

‘Việt Nam ước tính có 20 tỷ phú’

Bích Ngân - 09/10/2024 17:30

Tổng tài sản của 12 tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam được ước tính khoảng 70 tỷ đô la, chỉ bằng tài sản của một tập đoàn nước ngoài. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn “nghèo” so với thế giới.

Tuần Việt Nam giới thiệu phần đầu cuộc trò chuyện với ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế có gần 3 thập kỷ gắn bó với khu vực doanh nghiệp tư nhân về tinh thần kinh doanh ở Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện các tập đoàn tư nhân

Ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong nhiều năm qua?

Ông Trần Sĩ Chương: Lúc mới về nước, năm 1997, tôi đã cùng Giáo sư người Mỹ James Riedel từ Đại học Johns Hopkins nghiên cứu và viết báo cáo đầu tiên cho Ngân hàng Thế giới về thành phần kinh tế tư nhân Việt Nam.

Một trong các mục tiêu chính của báo cáo là tìm hiểu xem liệu người Việt Nam có tinh thần kinh doanh hay không? Chúng tôi tiến hành khảo sát ở nhiều địa phương. Chỉ sau khoảng 2 tuần, chúng tôi thấy lạ quá, người Việt Nam ngồi đâu cũng nói chuyện làm ăn, bàn chuyện kiếm tiền.

Có lần xuống Cần Thơ đi phà, một thành viên trong đoàn là người nước ngoài gọi bia lạnh nhưng phà chạy mất trong khi người bán dạo là một cháu gái đang đi lấy đá. Nhưng khi phà cập bến, cháu gái đó bằng cách nào đó đã mang bia lạnh đến. Nhà nghiên cứu nước ngoài giật mình nói, tinh thần làm ăn như thế này thì đất nước này sẽ phát triển.

Cách đây hơn 20 năm, tôi đã giúp nhiều doanh nhân trẻ khởi nghiệp. Đa số họ là tay trắng, người có nhiều nhất là vài trăm triệu đồng làm vốn để nhập nguyên liệu về sản xuất. Vậy mà giờ đây, nhiều người đã có trong tay tài sản vài chục triệu đô la. Mà số người có tài sản vài chục triệu đô la giờ nhiều lắm.

Có nhiều nữ doanh nhân tuổi lục tuần giờ đã là đại gia trong ngành dược, may mặc. Những người đó trước đây phải đạp xe đạp vào vùng sâu, vùng xa bán từng cái áo, viên thuốc, điều mà thế hệ trẻ hiện nay khó hình dung được.

Tinh thần kinh doanh, làm ăn của người Việt Nam đã phát triển rất mạnh. Với tình hình như vậy về mặt tuyệt đối, khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển được như thế này là đáng kể, nhưng về tương đối thì lẽ ra nó còn phát triển nhiều hơn nữa.

Vậy mà hiện nay, tinh thần kinh doanh đã đi xuống rất nhiều, dường như đang ở đáy. Theo khảo sát của VCCI mới đây, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh năm 2024 và 2025, thấp hơn mức đáy năm 2012-2013. Ông có thấy điều này trong thực tiễn?

Các doanh nhân họ nhạy bén lắm, họ là những người đọc ra rủi ro nền kinh tế tốt nhất…

Đúng là những năm gần đây, tình hình trở nên rất khó khăn. Ở góc độ quốc tế, nhiều trục kinh tế-chính trị rung lắc như chiến tranh Nga-Ukraine, xung đột ở Trung Đông,… chưa biết điểm dừng. Chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn, toàn cầu hóa bị rạn nứt, lạm phát cao, lãi suất cao kéo dài.

Ở trong nước, doanh nghiệp Việt Nam luôn chịu lãi suất rất cao và đối mặt với nhiều rào cản kinh doanh. Bên cạnh những khó khăn từ thời dịch Covid-19, bây giờ có thêm tình trạng trì trệ của bộ máy. Vậy mà các doanh nhân vẫn mải miết làm ăn. Phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp Việt Nam có sức chống chịu quả là kỳ lạ.

Tổng tài sản của 12 tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam được ước tính khoảng 70 tỷ đô la. Ông nghĩ sao về con số này?

Con số 70 tỷ đô la này chỉ bằng tài sản của một tập đoàn nước ngoài. Thử xem, tài sản của riêng Elon Musk gấp đôi GDP Việt Nam. Nói vậy để thấy, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn “nghèo” so với thế giới.

Mặc khác, tôi nghĩ bây giờ Việt Nam có khoảng 20 người là tỷ phú, họ không công bố thôi. Có triệu đô, tỷ đô bây giờ là chuyện thường vì thời đại kinh tế số sẽ có những tỷ phú tài chính và những người này có thể giàu qua đêm. Nếu có thêm nhiều tỷ phú nữa cũng không bất ngờ trong thời đại AI. Nhưng câu chuyện là, một số người dân sẽ giàu nhanh nhưng nước có mạnh không?

Tôi xin nhắc lại, về mặt tuyệt đối, khu vực kinh tế tư nhân phát triển thế này thì đáng kể, nhưng về tương đối lẽ ra nó còn phát triển nhiều hơn nữa.

Bất động sản đóng băng đang là vấn đề lớn của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp bán nhà cho dân khi chưa đủ pháp lý vì thế tài sản của dân bị treo đó, doanh nghiệp gặp rủi ro, ngân hàng cũng liên lụy. Theo ông nên xử lý vấn đề này như thế nào?

Doanh nghiệp không đủ pháp lý mà vẫn xây dựng được nhà, rồi bán được cho dân đâu chỉ có lỗi của riêng họ. Ở đây có trách nhiệm của Nhà nước. Dân đã vào ở nhà đó, làm sao bắt họ dọn đi được. Tôi cho là Nhà nước cần hợp thức hóa bằng cách nào đó để xử lý tình trạng này vì đằng nào cũng phải giải quyết cho dân. Giải quyết ngay bây giờ tốt hơn nhiều so với 10-20 năm sau. Tồn đọng này cần được xử lý càng sớm các tốt để khai thông bế tắc.

Một vấn đề nữa là Luật Đất đai là luật quan trọng nên phải có triết lý theo nghĩa có giải pháp tối ưu đem lại lợi ích cho mọi người liên quan, đảm bảo được quyền lợi của người dân bị thu hồi đất nhưng cũng khuyến khích được các nhà đầu tư. Quyền lợi của các bên được đảm bảo công bằng thì thị trường mới phát triển thuận lợi, hài hòa được. Còn với những người phá luật, phải có chế tài nhanh chóng cho họ để tạo công bằng và niềm tin trong xã hội.

Tiếp cận đất đai cũng là vấn đề rất khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là giá đất được định giá theo giá thị trường, theo Luật Đất đai mới. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?

Muốn giải tỏa đất, nhà đầu tư cần chứng minh là người dân sang nơi khác thì chỗ đó phải có giá trị cao hơn hoặc tương đương. Điều quan trọng, cố gắng làm sao không đụng đến ngân sách vì rất phức tạp. Kể cả đối với dự án công, Nhà nước cũng cần hạn chế dùng ngân sách ở mức tối đa để huy động vốn của khu vực tư. Đáng tiếc là đã có Luật PPP nhưng doanh nghiệp tư nhân không cảm thấy thoải mái, hấp dẫn để tham gia. Đây là vấn đề.

Về chuyện giá đất cao, tôi nghĩ là thị trường sẽ điều chỉnh. Ví dụ, bây giờ ở đường Đồng Khởi, Quận 1 ở TP.HCM người ta cứ đòi bán 1,5 tỷ đồng/m2 với lý do là mấy năm trước giá đất đã là 1 tỷ đồng/m2 rồi, không thể bán thấp hơn được. Cứ hô giá đó mới bán nhưng làm gì có ai mua? Cho nên, thị trường sẽ tự điều chỉnh.

Số doanh nghiệp phá sản tăng cao nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã trụ được sau quá trình tái cấu trúc vô cùng đau đớn. Ông thấy sao về hoàn cảnh này?

Tái cấu trúc là thay đổi mô hình hoạt động. Thứ nhất, lĩnh vực nào không ra tiền thì doanh nghiệp phải bán bớt đi để giảm gánh nặng chi phí và để có tiền “tươi” vì khủng hoảng này không biết kéo dài bao lâu. Điều cơ bản nhất, doanh nghiệp cần phải có dòng tiền và chi phí thấp nhất.

Thứ hai, hãy nghĩ về đường xa. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững. “Phát triển bền vững” được nói nhiều nhưng thực sự phải làm gì để phát triển bền vững lại ít được quan tâm. Phát triển bền vững là có kỉ cương, quản trị.

Nhiều doanh nghiệp phát triển nhờ quản lí thôi chứ chưa phải quản trị. Nhiều doanh nhân chịu rủi ro, làm ăn giỏi lắm, nhanh nhẹn chớp lấy cơ hội, nhưng đó là quản lí chứ không phải quản trị. Họ thấy doanh nghiệp tốt rồi nên họ cứ nghĩ là đã quản trị tốt.

Có doanh nhân tôi biết từ khi anh ấy có 20 nhân viên. Đến nay, người ấy có hơn 200 nhân viên. Tôi hỏi bây giờ hệ thống thế nào? Người đó trả lời đại ý, vẫn nắm hết mọi công đoạn, cái gì cũng biết, không có gì qua mắt họ được.

Tôi không nghĩ vậy, tôi cho là người đó chỉ quản lý tuỳ tiện, phiên phiến thôi chứ làm sao biết được tất cả mọi việc trong doanh nghiệp. Ai làm kinh doanh giỏi cũng nghĩ mình là chiến lược gia đại tài rồi vì thấy nắm bắt xu hướng thị trường, rồi mua thấp bán cao nhưng nó không phải là chiến lược, là quản trị.

Vì vậy, cần quản trị tốt, có định hướng chiến lược, nhất là trong thời đại AI này thay đổi quá nhanh.

Câu chuyện ông nói rất đáng quan tâm hiện nay vì đến bây giờ hầu như thế hệ thứ hai trong gia đình các doanh nhân Việt Nam bắt đầu lên làm quản lí. Có nhiều trường hợp thất bại vì doanh nghiệp đã phát triển lớn nhưng họ vẫn quản trị vẫn theo mô hình gia đình. Ông có lời khuyên như thế nào?

Đúng là thế hệ doanh nhân thành công sau Đổi mới đang đối mặt vấn đề này dù nó không lạ với thế giới.

Rất nhiều tên tuổi lớn trên thế giới đều phát triển từ công ty gia đình nhưng họ có hệ thống quản trị, văn hoá quản trị tốt. Vì vậy, đến đời cháu chắt họ mà ai cũng có tiền, nghỉ hưu vẫn có tiền vì công ty có bộ máy quản trị không lệ thuộc vào bất kì cá nhân nào trong gia đình.

Ví dụ, gia đình Rockefeller đến đời thứ 8 rồi nhưng họ vẫn giàu có, sở hữu không biết bao nhiêu tỷ đô la dù bây giờ họ chỉ nắm 5% thôi. Họ có người ngồi trong hội đồng quản trị và có đội ngũ cố vấn là luật sư, đến kinh tế gia, chuyên gia tài chính… Họ không đào tạo một người con trong gia đình để làm tất cả việc đó vì làm sao một người có được tất cả năng lực đó.

Nhưng người Việt thường làm hết tất cả. Điều ngấm trong máu người Việt là không tin ai. Ai cũng nghĩ, tài sản của tôi thì tôi phải quản lý, làm sao lại giao tài sản cho hệ thống bên ngoài được. Nghĩ như vậy là hỏng chắc.

Vì thứ nhất, việc đào tạo đứa con để kế thừa được việc của mình xác suất là 0 vì cho dù đứa con rất giỏi, ngoan, học hành nước ngoài nhưng làm sao điều hành được hệ thống này ở Việt Nam. Ông cha nó làm những chuyện mà người con đó không thể làm được vì ở đây rất khác.

Tôi biết có những gia đình gửi con trai, nhất là con cả, đi học ở Mỹ về rồi ép làm CEO, thế là doanh nghiệp sa sút hẳn trong vòng 1, 2 năm. Cho nên, thế hệ doanh nhân đi trước nên nghĩ là doanh nghiệp phải vận hành bằng quản trị, bằng hệ thống. Tất nhiên, có những người con có năng lực vẫn làm CEO được, nhưng phải hạn chế quyền hạn.

Nghiên cứu McKinsey cho thấy, xác suất từ đời thứ nhất trong gia đình quản lí công ty sang đời thứ hai thành công có 30%; đời thứ hai sang thứ ba có 10%. Vì thế, xác suất thành công từ đời thứ nhất sang thứ ba có 3% thôi. Nếu theo mô hình là công ty phải truyền đời thì rủi ro đời cháu nội ra đường bán vé số là cao.

Tất nhiên, mô hình trên không chạy được ở Việt Nam vì nhiều doanh nhân “vô lò”. Tôi tiếc và buồn vì doanh nghiệp là tài sản của xã hội, họ tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Đây cũng là câu trả lời, vì sao doanh nghiệp trong nước chưa lớn mạnh. Doanh nghiệp trong nước đáng lẽ tăng cường cơ hội hợp tác với doanh nghiệp FDI tốt hơn. Nếu FDI vào đây thấy có doanh nghiệp tầm cỡ, có hệ thống quản trị tốt thì họ mới dám làm ăn với mình.

Hơn nữa, doanh nghiệp trong nước chưa có hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế nên hợp tác giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước chỉ là gia công thôi.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều