Việt Nam ứng phó biến chủng Omicron như thế nào?
Ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại Việt Nam hiện có sức khỏe ổn định, bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng sau 10 ngày được xét nghiệm xác định dương tính với vi rút gây bệnh Covid-19.
Chiều 29.12, thông tin từ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại Việt Nam hiện có sức khỏe ổn định, bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng sau 10 ngày được xét nghiệm xác định dương tính với vi rút gây bệnh Covid-19.
Ca mắc Covid-19 đầu tiên do nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam là bệnh nhân (BN) K.V.H.M, hành khách về từ Anh, nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 19.12. Sau khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh do Omicron – biến chủng được cảnh báo có khả năng lây lan mạnh, cũng trong chiều 29.12, đại diện Bộ Y tế cho hay bộ này tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về biến chủng này; chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt là kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin Covid-19
Trước đó, ngày 22.12, tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay tính đến sáng 22.12, thế giới ghi nhận hơn 276 triệu ca mắc, gần 5,4 triệu ca tử vong. Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu tiên ngày 24.11, được WHO đánh giá là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm.
Chủ động ứng phó với dịch Covid-19 diễn biến khó lường với nguy cơ có thêm ca bệnh do biến chủng Omicron, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất; nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị nhân lực, thuốc điều trị, ô xy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới; khẩn trương tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể.
Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 theo hướng chuyển từ ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi sang phấn đấu tiêm cho tất cả người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm; đặc biệt không để còn người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (trừ số ít người thuộc nhóm chống chỉ định) chưa được tiêm; đồng thời yêu cầu Bộ Y tế đảm bảo cấp đủ thuốc kháng vi rút (túi thuốc C) cho các địa phương để tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm vi rút có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý, để phòng chống dịch, người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; cùng với tiêm đầy đủ vắc xin, mỗi người cần đặc biệt tuân thủ 5K.
“Các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 lưu động ngay tại nhà, không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; đến ngày 31.12.2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 – 18 tuổi trong tháng 1.2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1/2022”, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị.
Làm chủ công nghệ giải trình tự gene
Theo đánh giá của một chuyên gia đầu ngành về dịch tễ – y tế dự phòng, qua thực tế diễn biến cho thấy SARS-CoV-2 biến đổi liên tục. Khoảng 6 tháng xuất hiện biến thể mới và các biến thể gần đây lây lan nhanh hơn. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên nhiễm biến chủng Delta với đợt dịch lần thứ 4 (27.4), sau 8 tháng, đến nay trong nước ghi nhận ca bệnh nhiễm Omicron, và cần phải sẵn sàng chấp nhận sẽ có thêm các ca nhiễm mới do Omicron.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, để nhận diện chính xác biến chủng gây bệnh, từ đó có chiến lược ứng phó phù hợp, ngay từ đầu dịch, các nhà khoa học trong nước đã phân lập, nuôi cấy và giải trình tự gene vi rút SARS-CoV-2 trên các mẫu bệnh phẩm của các F0.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu y học Việt – Đức (Trung tâm NCYH Việt – Đức), Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, cho biết ngày 20.12, nhóm nghiên cứu của trung tâm này đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên BN là ca nhập cảnh về từ Anh bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong protein gai, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự thứ nhất chưa cho kết quả khẳng định rõ ràng, nên ngày 21.12, nhóm nghiên cứu tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho BN K.V.H.M. Kết quả xác định BN mang biến chủng Omicron (B.1.1.529) so sánh trên hệ thống phân tích cho thấy độ chính xác là 99,99%.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Trung tâm NCYH Việt – Đức cho rằng trước khi ghi nhận ca nhiễm Omicron, từ tháng 9 đến nay, với sự phối hợp của Học viện Quân y, Trung tâm NCYH Việt – Đức đã nhận được hơn 2.000 mẫu RNA vi rút của các BN Covid-19 ở TP.HCM và Bình Dương. Hơn 1.000 mẫu đã được giải trình tự, trong đó 834 mẫu đã được đăng tải lên GISAID. Đây là một trang thông tin lưu trữ cung cấp dữ liệu bộ gene của vi rút cúm và vi rút Corona gây ra dịch Covid-19, cho phép toàn cầu truy cập để cập nhật, ứng phó với đại dịch. Trong 1.000 mẫu được giải trình tự đều xác định là biến chủng Delta.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu của Trung tâm NCYH Việt – Đức, gần đây, từ cuối tháng 11.2021, khi số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng lên và có các ca bệnh xuất hiện tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, nhóm nghiên cứu của trung tâm này đã bắt đầu giải trình tự các mẫu được chẩn đoán xác định (bằng phương pháp RT-PCR) dương tính với SARS-COV-2 trên các BN đến khám và sàng lọc tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Nhóm nghiên cứu đã giải trình tự gene của các vi rút từ mẫu bệnh phẩm của 47 BN và đăng tải lên GISAID. Trong 47 mẫu này, có 44 mẫu là biến thể Delta – dòng AY.57 (giống đa số các mẫu đã được xác định từ TP.HCM); có 3 trường hợp là biến thể Delta – dòng AY.79 (B.1.617.2.79 – nguồn gốc từ Malaysia).
Đến nay, Trung tâm NCYH Việt – Đức đã đóng góp 40,8% dữ liệu từ Việt Nam trong cơ sở dữ liệu về gene của SARS-CoV-2 trên GISAID.
Hội đồng Đạo đức thông qua kết quả nghiên cứu hiệu lực của vắc xin Nanocovax
Ngày 29.12, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia (Hội đồng Đạo đức) đã có cuộc họp đánh giá hiệu lực bảo vệ qua kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) vắc xin Covid-19 Nanocovax của Công ty Nanogen (TP.HCM).
Theo kết quả TNLS giai đoạn 2 và giai đoạn 3 được báo cáo tại cuộc họp, hiệu lực bảo vệ tử vong của vắc xin Nanocovax là 100%. Hiệu lực này cũng giảm dần theo thời gian. Tính chung toàn thời gian, hiệu lực bảo vệ của Nanocovax (liều tiêm 25 mcg) đạt 52,1%. Tỷ lệ này đạt tiêu chuẩn về xem xét cấp phép lưu hành theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. 11/15 thành viên hội đồng bỏ phiếu chấp thuận về hiệu lực bảo vệ của vắc xin này.
Kết quả đánh giá của Hội đồng Đạo đức là cơ sở quan trọng để Hội đồng Tư vấn cấp phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc xem xét về việc cấp chứng nhận lưu hành có điều kiện đối với vắc xin Nanocovax.
Liên Châu