“Việt Nam tựa như một ngôi sao tỏa sáng ngay trong bóng tối…”
Đó chính tiêu đề bài viết được đăng tải trên trang Business Times, với nhận định khi rủi ro lạm phát giống như một bóng đen bao phủ toàn cầu, Việt Nam vẫn nổi lên như một ngôi sao nhỏ bé, kiên cường chống chọi lại những áp lực do khủng hoảng kinh tế từ bên ngoài.
Theo Business Times, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất trắc, tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong 6 tháng đầu năm 2022. Các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong khi điều chỉnh tăng dự báo lạm phát chủ yếu do nguy cơ xung đột giữa Nga – Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng trong khoảng từ 2,9% – 3,6% trong năm 2022, thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2021.
Gần đây nhất, vào tháng 5/2022, Liên hợp quốc cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,1%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2022; lạm phát toàn cầu được dự báo tăng lên 6,7%, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 2,9% trong giai đoạn từ 2010 – 2020.
Hiện nay, lạm phát đang tăng nhanh trên toàn cầu và tiếp tục đạt mức kỷ lục tại nhiều quốc gia. Cụ thể, lạm phát tháng 5/2022 tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh lên mức kỷ lục 8,6% – mức cao nhất trong hơn 40 năm; tại khu vực đồng EUR, lạm phát lập mức kỷ lục mới là 8,1%; tại Nga, lạm phát cũng leo lên mức kỷ lục trong vòng 20 năm là 17,49% trong tháng 4/2022; một số quốc gia tại châu Phi, Mỹ La-tinh lạm phát đều ở mức từ 02 con số trở lên…
Theo các chuyên gia, giá hàng hóa thế giới ngày càng tăng, trong đó đặc biệt là giá dầu, giá lương thực – thực phẩm cộng hưởng với tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng và làm gia tăng chi phí sản xuất. Đây là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trước áp lực của cơn bão lạm phát toàn cầu, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi vẫn kiểm soát được tốt chỉ số này, trang Business Times nhận định.
Ngay từ đầu năm 2022, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.
Các chính sách, giải pháp tài chính tiền tệ được ban hành kịp thời đã giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp, giảm thuế giá trị gia tăng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, công tác điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới, nguồn cung xăng dầu được chỉ đạo khắc phục kịp thời. Các địa phương tăng cường quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá.
Đến nay, tăng trưởng GDP đã đạt 6,42%, cao hơn nhiều so với mức 2,04% của 6 tháng cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng 8,9%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% chủ yếu là do giá cả đều tăng, nhưng vẫn ở dưới mức 4% như mục tiêu đã đề ra.
“Đây chính là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia”, trang Business Times nhận định.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng tốc phục hồi nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022. Lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% trong năm nay.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua hàng loạt cú sốc rất lớn và rất tiêu cực, nhưng kinh tế Việt Nam đến nay vẫn tương đối vững vàng và đang phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy giảm do COVID-19 gây ra vào năm ngoái. WB dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn khả quan từ nay đến cuối năm cũng như trong năm 2023.
“Chúng tôi thấy ở Việt Nam lạm phát đang ở mức thấp hơn nhiều so với châu Âu, hay Mỹ. Đây là điểm tích cực để giữ mặt bằng giá chung, giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa của Việt Nam đang hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động lên đồng nội tệ. Giá cả hàng hóa ổn định, không thiết lập mặt bằng giá mới. Trong bối cảnh rủi ro lạm phát đang bao trùm toàn cầu, Việt Nam tựa như một ngôi sao tỏa sáng ngay trong bóng tối”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận xét.
Lan Hoa (Theo Business Times)