+
Aa
-
like
comment

Việt Nam tự tin bước vào hội nghị ASEAN đầu tiên sau đại dịch

An Diễm - 10/11/2022 14:35

Vài năm gần đây, các hoạt động ngoại giao của nước ta đặc biệt bùng nổ bất chấp đại dịch và những khủng hoảng địa chính trị trên thế giới. Tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên sau đại dịch, cũng là lần đầu tiên tham dự ASEAN của chính Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới, với hành trang là không ít thành công qua những chuyến công du trước đó.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiều thông điệp quan trọng về các vấn đề khu vực và quốc tế tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 41

Năm 2021 ghi dấu ấn là một năm mà ngoại giao của Việt Nam bùng nổ. Giữa đại dịch Covid-19 khi mà nguồn cung vaccine quá thiếu thốn, trong khi các vaccine tự phát triển chưa hẹn ngày ra mắt thì Chính phủ khởi động chiến dịch ngoại giao vaccine. Chúng ta đã tăng cường tiếp cận, đối thoại trên mọi kênh tiếp xúc và được nhiều quốc gia đồng lòng ủng hộ, kết quả là chỉ sau vài tháng chúng ta đã có đủ vaccine để tiêm cho hàng trăm triệu dân. Năm 2021 cũng chứng kiến nhiều hoạt động đối ngoại lớn của nước ta như các tiếp xúc cấp cao với phía Mỹ về việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu, Chủ tịch nước thăm LHQ và Cuba.

Tiếp đà thắng lợi đó, năm nay chúng ta cũng đón tiếp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và chuẩn bị đón Thủ tướng Đức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vừa sang thăm Trung Quốc. Những hoạt động ngoại giao cấp cao này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang bị chia rẽ nghiêm trọng vì cuộc chiến Nga – Ukraine và toan tính của các cường quốc. Vào tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dẫn đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41, đây là hoạt động đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa các lãnh đạo cấp cao sau 2 năm đại dịch và cũng là lần đầu tiên Thủ tướng tham dự hội nghị ASEAN. Trong bối cảnh thế giới xung khắc thì ASEAN ngày càng nổi lên là một khu vực có tầm ảnh hưởng, đủ khả năng đem lại vị thế cho các quốc gia trong khu vực.

Đây sẽ là dịp để lãnh đạo các nước trao đổi về các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu vực và thế giới. Cộng đồng ASEAN cũng có thể phối hợp để cùng nhau tìm ra giải pháp thỏa đáng nhằm sớm khôi phục kinh tế và giải quyết các tình huống khủng hoảng an ninh, thảo luận và xác định các động lực mới, hướng đi mới, giải pháp mới. Việt Nam là một thành viên quan trọng trong ASEAN với nền kinh tế xếp thứ 4 trong khối cùng dân số đông và một nền chính trị ổn định. Ngược lại, phối hợp cùng ASEAN giúp Việt Nam nâng cao vị thế của mình như thành viên trong một liên mình vững mạnh.

Tại tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 hồi năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nêu phương châm “14 chữ” cho ngành Ngoại giao, đó là: “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, phát triển”. Đây là những tiêu chí giúp ích rất nhiều cho Việt Nam trong hoạt động đối ngoại, dù phải trải qua những tình huống khó khăn nhất. Cuộc chiến Nga – Ukraine hiện nay chia rẽ thế giới, nhưng không chia rẽ nổi Việt Nam với bất kỳ quốc gia nào, bởi chúng ta có phương châm vững vàng, chỉ chọn lẽ phải và chính nghĩa, không “chọn bên”.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều