+
Aa
-
like
comment

Việt Nam trong mắt người Mỹ: Một đất nước ngạc nhiên và thú vị

06/09/2020 08:36

Bài viết của Mark A.Ashwill, nhà giáo dục quốc tế người Mỹ, sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2005. Bài đăng trên Tạp chí Việt – Mỹ số 79/2019. Bài báo đoạt giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2019. Hôm nay, Cánh Cò xin trích dẫn nguyên văn bài dịch như sau:

Tác giả Mark Ashwill.

“Tôi đã dành hơn 40% thời gian cuộc sống trưởng thành bên ngoài đất nước của mình, không bao giờ bằng lòng với việc bị kiểm soát tâm hồn vì địa lý. Tôi mang hộ chiếu Hoa Kỳ nhưng nó không xác định tôi là ai. Tôi là một cựu người Mỹ yêu nước và là một công dân toàn cầu, coi Việt Nam là nhà của mình

Bắt đầu từ chuyến thăm đầu tiên của tôi đến Hà Nội cách đây 23 năm trước vào tháng Giêng năm 1996, Việt Nam – với lịch sử kéo dài hàng thiên niên kỷ đầy sôi động – đã chinh phục tôi. Sau đó tôi đã chuyển đến đây sống từ năm 2005, tham gia vào một cộng đồng người nước ngoài – ước tính khoảng 100.000 người – sống giữa 97 triệu người Việt Nam.

Đất nước này có yêu chúng tôi không và ngược lại?

Là một người nước ngoài, tôi như một trong những “sinh vật kỳ lạ” đến từ một hành tinh xa xôi, nhìn những người đi bộ thể hiện những cảm xúc hoang mang, từ sự thích thú và tò mò đến sự thờ ơ, khinh bỉ và cả sợ hãi. Là người ngoài cuộc, những người nước ngoài là nguồn thu nhập, có vai trò như là mô hình, là kiểu mẫu của trí tuệ, người mang tất cả những điều tốt đẹp, dễ nhận ra và là nhà nhập khẩu các xu hướng mới.

Vẻ đẹp của chúng ta, người Viking (cướp biển phương Tây) nằm trong con mắt của kẻ si tình, rất phức tạp và đôi khi như là tâm thần phân liệt. Đôi khi, họ yêu chúng tôi, đôi khi họ không yêu chúng tôi, thường với lý do chính đáng, dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ hoặc ký ức tập thể.

Hình ảnh trong bài viết của Mark Ashwill.

Tại sao có rất nhiều người nước ngoài đổ về Việt Nam trong những năm gần đây? Theo thứ tự chữ cái (tiếng Anh) thì họ đến là để: Phiêu lưu, kinh doanh, từ thiện, tìm hiểu văn hóa, tò mò, phát triển, tha thứ, tình yêu, sám hối, lợi nhuận, hòa giải, tôn giáo, học bổng và nghiên cứu. Một số người trong chúng ta đến đây để nhận, những người khác để cho và có những người khác đến để trải nghiệm bình minh của một thời đại mới ở một đất nước đang tìm cách bù đắp thời gian đã mất bằng sự trang hoàng tuyệt đẹp.

Greig Craft, một doanh nhân xã hội Hoa Kỳ lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1989, đã thành lập Quỹ phòng chống thương tích châu Á để chống khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do sử dụng xe máy không đội mũ bảo hiểm. Với tinh thần làm việc hiệu quả, Craft lặp lại quan điểm của những người nước ngoài khác ở Việt Nam, khi ông nói về nghĩa vụ không chỉ gieo hạt giống thịnh vượng cho các nước đang phát triển như Việt Nam, mà còn cân bằng nó với các sáng kiến xã hội và các chương trình cải thiện cuộc sống của người dân.

Lady Borton là một cư dân Hà Nội và được cho là người nước ngoài huyền thoại nhất Hoa Kỳ sống và làm việc tại Việt Nam. Trong chiến tranh, bà đã điều hành một dự án Quaker Service hỗ trợ cho những người dân thường ở Quảng Ngãi, một tỉnh bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh khủng khiếp như chất độc da cam và thiết bị nổ tiếp tục rình rập, giết chóc, suốt hơn bốn thập kỷ sau khi bom ngừng rơi và súng ngừng bắn. Ngoài ra, Lady Borton là một trong số ít người Mỹ làm việc với Việt Nam trong thời gian Mỹ dẫn đầu cuộc cấm vận nước này sau chiến tranh.

Tương tự, hình ảnh TP.HCM đã xuất hiện trong bài viết của Ashwill.

Thông thạo tiếng Việt, Lady Borton đã thu thập những câu chuyện trong nửa thế kỷ qua từ vô số người Việt ở mọi tầng lớp. “Tôi không ngừng ngạc nhiên. Cuộc sống của người Việt không như tôi nghĩ. Và không phải như những gì người Mỹ chúng ta nghĩ hoặc tự cho rằng chúng ta biết”.

Trong số những người đã đến Việt Nam vì một hoặc nhiều lý do đã nói ở trên còn có hàng ngàn người Việt Nam sống ở nước ngoài. Hao Tran, một doanh nhân người Mỹ gốc Việt ở TP.HCM, người điều hành công ty truyền thông Vietceteral.com và đầu tư vào các doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống. Ghi nhận thời gian tại Việt Nam đã giúp anh ấy khám phá ra phần tốt hơn trong bản sắc Việt Nam của mình: “Trước đây tôi chưa từng tự hào mình là người Việt, giờ thì khác”.

Người Mỹ và người Việt, những tương đồng trong khác biệt

Tôi là một người Mỹ, nhưng trái ngược với những gì đồng bào của tôi được kể (ví dụ: tất cả người Việt Nam đều hướng về tương lai, coi quá khứ chỉ là quá khứ), hoặc những điều họ muốn tin, bởi vì điều đó làm giảm cảm giác tội lỗi của họ. Tôi biết vẫn có những người Việt Nam nghi ngờ chúng tôi hoặc không thích chúng tôi.

Quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh đã biến các khu vực rộng lớn của Việt Nam thành các khu vực giết chóc, thả hàng triệu tấn đạn dược vào một nửa đất nước có diện tích chỉ bằng bang Texas, phù hợp với câu nói bỉ ổi của Tướng Curtis LeMay rằng: “Chúng tôi sẽ ném bom đưa họ trở lại thời kỳ đồ đá”. Có một ước tính rằng 3,8 triệu người đã bị giết, hơn một nửa trong số đó là dân thường, trong một cuộc chiến mà số lượng người bị giết được coi là một số liệu cho sự chiến thắng.

Hoa Kỳ cũng đã hủy hoại kinh hoàng đối với môi trường và để lại các hậu quả chiến tranh khủng khiếp như chất độc da cam và thiết bị nổ tiếp tục rình rập, giết chóc, suốt hơn bốn thập kỷ sau khi bom ngừng rơi và súng ngừng bắn. Một số người Mỹ, bao gồm các cựu chiến binh, đã quay lại để giúp đối phó với những di chứng chiến tranh này, và ở lại lâu hơn là họ dự kiến, thậm chí là ở lại hẳn, trong một số trường hợp.

Chuck Searcy, cựu quân nhân Hoa Kỳ trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, đã đến đây vào năm 1995 để làm việc với những đứa trẻ bị mất khả năng vận động, dự tính ban đầu ông sẽ ở lại trong ba năm. Vậy mà sau hơn hai thập kỷ sau, Chuck vẫn ở đây, giúp dọn dẹp bom mìn và hỗ trợ các gia đình chịu hậu quả của chất độc da cam với tư cách là Cố vấn quốc tế cho Dự án Đổi mới. Searcy đã từng nói rằng: “Người Việt Nam chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì từ chúng tôi ngoại trừ hòa bình, tình bạn và sự tôn trọng lẫn nhau, ngay cả sau những tàn phá mà họ phải chịu đựng trong chiến tranh. Họ thật đáng ngạc nhiên và hào phóng khi đánh giá cao những đóng góp nhỏ mà chúng ta thực hiện, khi thực sự chúng ta chỉ làm những gì mà theo nghĩa vụ đạo đức phải làm. Tôi đã học được rất nhiều từ người Việt Nam, về sự khiêm tốn và hiểu biết”.

Tôi thường cảm thấy mình như một nhà truyền giáo hoàn tục có những tương tác với người Việt Nam để phá vỡ định kiến, làm tan băng và hoàn thành những kỳ vọng. Tôi đến từ Hoa Kỳ nhưng không phải là người Mỹ trên nhiều khía cạnh nhờ những kinh nghiệm quốc tế và quan điểm toàn cầu của mình. Bất cứ khi nào nhìn vào gương, tôi đều nhận ra mình sẽ luôn là người ngoài cuộc, nhưng là một người được chấp nhận, tôn trọng và đã tìm thấy con đường riêng của mình.

Việt Nam: Một quốc gia đang vươn mình

Thật vinh dự khi tôi được là nhân chứng lịch sử trong quá trình thực hiện, một người quan sát tham gia vào một dự án nghiên cứu dân tộc học rộng mở và phong phú. Việt Nam sẽ có lúc bẻ cong bạn, phá vỡ bạn rồi đặt các mảnh vỡ lại với nhau, đôi khi chỉ trong một ngày. Mỗi ngày sẽ kích thích cảm hứng của bạn nhiều hơn và khiến bạn luôn phải dự đoán về những gì mà thời gian tiếp theo sẽ mang lại. Việt Nam là một quốc gia đang đi lên, luôn luôn chuyển động, hiếm khi dành thời gian để suy ngẫm. Cuộc sống được sống hết mình, hữu hình, thô sơ, chưa qua chế biến và rất thực tế. Có những lúc dường như “nhịp sống hiện đại” được phát minh ở Việt Nam.

Mặc dù có một loạt các vấn đề xã hội, chủ yếu là những vấn đề gia tăng của một quốc gia đang phát triển nhanh như ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh thực phẩm và bất bình đẳng thu nhập/tài sản, cùng một số vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam như biến đổi khí hậu và chiến tranh thương mại toàn cầu…, nhưng ở Việt Nam luôn thấy biểu hiện rõ ràng về sự lạc quan và động lực tiến về phía trước.

Trong những năm gần đây, Việt Nam tự hào về nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Tôi hy vọng và cầu nguyện, họ sẽ thành công trong việc vạch ra một lộ trình để phát triển bền vững thực sự. Cuộc sống tốt hơn, tốt hơn nhiều nữa, cho đại đa số mọi người.

Ngô Mạnh Hùng (dịch)

Bài mới
Đọc nhiều