+
Aa
-
like
comment

Việt Nam trở thành thủ đô sản xuất smartphone, tại sao không?

Thu An - 01/01/2020 18:33

Thị trường smartphone Việt Nam ngày càng sôi động hơn nhờ sự xuất hiện liên tục của các tên tuổi mới. Trong đó, đáng chú ý là có tới 6 thương hiệu điện thoại “made in Việt Nam” là BPhone, Mobiistar, Viettel, VNPT, Asanzo và Vsmart ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng và cho thấy cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ sừng sỏ tới từ nước ngoài.

Những năm gần đây, các công ty Việt Nam đã cho ra mắt hàng loạt các mẫu điện thoại, hầu hết là rẻ hơn các hãng ngoại, trên nền tảng Android. OPhone và BPhone là những mẫu tiên phong, còn bây giờ tập đoàn đa ngành Vingroup đang bán ra loạt điện thoại Vsmart với giá khoảng 100 đô la.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Khách quan đánh giá thì smartphone Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn khi đối đầu với thương hiệu nước ngoài, nhưng điều đó có thể sớm thay đổi. Bởi vì hiện nay các thương hiệu đã và đang tìm được hướng đi mới để phát triển thị phần của mình. Bphone 3 đã tìm được chỗ đứng tại Myanmar – thị trường từng được coi là “bí ẩn cuối cùng của Đông Nam Á”. Mobiistar của cuối năm 2018 đi tìm một cơ hội khác. Thương hiệu này rời bỏ thị trường Việt Nam và chuyển hướng hoàn toàn sang Ấn Độ, nơi có dân số đông hơn và còn cơ hội cho smartphone giá rẻ. Còn Asanzo vẫn duy trì hiện diện ở nhóm giá rẻ. Tiềm năng nhất phải kể đến Vsmart. Theo số liệu của GfK, smartphone Vsmart có thị phần trong nước ở mức xấp xỉ 2% từ khi ra mắt (tháng 12/2018) đến tháng 4/2019.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang được xem là đại bản doanh sản xuất của Samsung. Google sẽ hoàn tất việc chuyển nhà máy sản xuất điện thoại Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam vào cuối năm nay. Tập đoàn LG của Hàn Quốc cũng đã sớm dời xưởng smartphone ở Hàn Quốc sang nhà máy được đầu tư 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng. Trước đó, Apple cũng tuyên bố sẽ chuyển các nhà máy sản xuất phụ kiện iPhone sang Việt Nam. Trong khi đó, Samsung – hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới – vẫn đang đánh giá liệu có nên mở thêm nhà máy sản xuất smartphone thứ ba tại Việt Nam sau hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên… Chính vì thế, lời phát biểu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “Việt Nam trở thành thủ đô sản xuất smartphone” trong lễ tổng kết năm 2019 của Bộ Thông tin và truyền thông là hoàn toàn chính xác và hợp lý.

Nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.

Theo quan điểm của Ralph Jennings, Forbes, điện thoại sản xuất tại Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt kinh tế. Đất nước ta đã phụ thuộc vào việc sản xuất trong 30 năm qua và đang tiến lên những bậc cao hơn của chuỗi giá trị khi bắt đầu sản xuất thiết bị điện tử. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm và tầm nhìn xa trong việc triển khai 5G. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam là một thắng lợi bước đầu. Việt Nam cương quyết không chậm hơn so với thế giới, 5G vừa là nền tảng vừa là hạ tầng để phát triển các ứng dụng công nghệ mới. Điều đó cũng đồng nghĩa người dùng cũng có nhiều khả năng lựa chọn điện thoại 5G. Nó sẽ là thị trường màu mỡ để các thương hiệu smartphone “Made in Việt Nam” khai thác và phát triển.

Và trên hết, những thương hiệu sản xuất điện thoại trong nước cũng cần phải liên tục nâng cấp mẫu mã cũng như chức năng để đáp ứng đồng thời thu hút sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nước. Với những gì đang diễn ra ở việc sản xuất smartphone cũng như việc phát triển các thương hiệu điện thoại “made in Việt Nam” chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng, một chiếc điện thoại thông minh của người Việt sẽ được phân bố rộng khắp trong và ngoài nước trong thời gian sớm nhất.

Thu An

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều