Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại, laptop toàn cầu
Máy tính bảng, điện thoại từ Samsung đến Apple đều đang được sản xuất tại VN và dự báo sẽ còn nhiều sản phẩm công nghệ hàng đầu khác tiếp tục được mở rộng đầu tư.
Macbook, iPad… “made in Vietnam”
Bắc Giang ngày 18.1 trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nhà máy Fukang Technology do
Foxconn Singapore PTE Ltd thực hiện tại khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, vốn đăng ký đầu tư 270 triệu USD, tương đương 6.233 tỉ đồng. Dự án có mục tiêu sản xuất máy tính bảng, máy tính xách tay, quy mô sản xuất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm cho Apple.
Có thể nói rằng Việt Nam đã từng bước trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động, máy tính toàn cầu. Đặc biệt nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhưng toàn bộ nhân sự từ lao động phổ thông đến lãnh đạo cao nhất cũng là người Việt
Ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam
Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng trao giấy phép đầu tư cho 3 dự án khác gồm dự án Công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hồng Kông) Limited; dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore), nâng tổng số vốn đăng ký của 4 dự án mới lên gần 570 triệu USD. Cả 4 dự án nêu trên đều sản xuất các thiết bị liên quan tới lĩnh vực điện, điện tử.
Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ, phát biểu tại lễ nhận giấy phép đầu tư, ông Trác Hiến Hồng – Tổng giám đốc Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) tại Việt Nam (công ty mẹ của Foxconn Singapore PTE Ltd) – tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 với hai nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Tính đến tháng 12.2020, tổng vốn đầu tư tại Việt Nam của Tập đoàn Hồng Hải đạt 1,5 tỉ USD và dự kiến năm 2021, tập đoàn sẽ đầu tư thêm khoảng 700 triệu USD vào tỉnh Bắc Giang.
Trước đó, Cổng thông tin điện tử chính phủ cũng đưa tin tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đến giữa năm 2020 là 17,363 tỉ USD. Các dự án của Samsung bao gồm hai nhà máy sản xuất điện thoại, thiết bị di động tại Thái Nguyên và Bắc Ninh; Tổ hợp nhà máy tại khu công nghệ cao TP.HCM; Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC)…
Hiện nay, Samsung Việt Nam đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Đây cũng là trung tâm nghiên cứu và phát triển được xây dựng với quy mô lớn nhất trong số các trung tâm của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Qua đó, Samsung mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm ở cả các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), công nghệ di động 5G…
Làn sóng đầu tư công nghệ mới
Việt Nam đã đón nhận những làn sóng đầu tư dây chuyền công nghệ của hàng loạt tên tuổi lớn như Canon, Microsoft, Nokia, Intel, LG và đặc biệt là Samsung… và nay Apple đã góp mặt vào danh sách này cho thấy, đang có một làn sóng đầu tư tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ cao đổ vào Việt Nam.
Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt, các doanh nghiệp Mỹ đang muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh những căng thẳng do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Công ty tư vấn Brand Finance
Trước đó, một số nhận định trong báo cáo của các tổ chức quốc tế cũng cho rằng Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn đối với các hoạt động sản xuất và những doanh nghiệp các nước châu Âu, Mỹ… đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á.
Một báo cáo của Economist Intelligence Unit, bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn truyền thông The Economist – đơn vị sở hữu tạp chí The Economist, cũng đưa ra nhận định Việt Nam sẽ trở thành “cái tên thay thế thuận lợi” cho một phần sản xuất của Trung Quốc.
Hàng loạt dự án mới được ra đời và dự án cũ mở rộng cũng minh chứng cho điều này. Đơn cử giữa tháng 1 vừa qua, Đồng Nai đã cấp giấy phép đầu tư cho 2 dự án của Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam (thuộc Tập đoàn Hansol Technics – Hàn Quốc), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công và lắp ráp linh kiện điện tử cung ứng cho Samsung có tổng vốn 100 triệu USD và nhà máy sản xuất của Công ty Platel chuyên sản xuất vỏ thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử từ nguyên liệu nhựa…
Hay Foxconn mới đây cũng đã có đoàn khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa; Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cũng thông tin sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin tại TP.Đà Nẵng. Mới nhất là Tập đoàn Pegatron của Đài Loan đã đầu tư vào Hải Phòng dự án thứ 2 sau dự án đầu tiên được cấp phép từ tháng 3 vừa qua, nâng tổng vốn đầu tư 2 dự án lên đến 500 triệu USD. Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho các “ông lớn” công nghệ như Apple, Sony, Microsoft, Lenovo…
Thông tin từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư. Theo thông tin ban đầu, vốn đầu tư đăng ký của các dự án lên tới hàng chục tỉ USD.
Trước đó, bài phân tích trên tờ Nikkei Asia vào cuối tháng 9.2020 cũng nhận định đến năm 2030, một nửa số máy tính xách tay (laptop) được bán ra trên toàn cầu sẽ được sản xuất bởi các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Báo này kể ra hàng loạt dự án máy tính sản xuất tại Việt Nam như Công ty Wistron của Đài Loan sẽ sản xuất laptop dưới sự ủy quyền của thương hiệu Mỹ tại Việt Nam; một số công ty máy tính Đài Loan khác như Compal Electronics đang cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam…
Cứ điểm sản xuất điện tử, công nghệ giai đoạn mới
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, nhận định “sóng” đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam đã được “thai nghén” từ trước. Đặc biệt ngay trong năm 2020, khi cả thế giới đối diện với đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn đã kết nối với nhiều địa phương ở Việt Nam để hợp tác, tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng đầu tư mới. Tuy nhiên, câu chuyện của Foxconn vào Việt Nam sẽ tạo kỳ vọng lớn, như gần 15 năm trước với câu chuyện của Samsung tại Việt Nam. Đó là thu hút được các dự án lớn về công nghệ, sẽ tạo làn sóng dịch chuyển đầu tư công nghệ cao đến Việt Nam trong tương lai là khả thi. Bắc Giang hoàn toàn lấy được kinh nghiệm từ Bắc Ninh của 15 năm trước trong thu hút Samsung về địa phương này làm tổ. Năm 2007, Samsung đến Bắc Ninh đầu tư chỉ 650 triệu USD, nhưng chỉ 5 năm sau, đã mở rộng lên 1,2 – 1,3 tỉ USD. Đến nay, Samsung đã đổ 34 tỉ USD vào địa phương này, giúp tỉnh từ sản xuất nông nghiệp nghèo nàn nay trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ nhất khu vực về nền kinh tế dịch vụ và công nghiệp, trở thành đô thị loại 1 cách đây hơn 3 năm.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, nhận định với sự tham gia dây chuyền sản xuất các sản phẩm chính của Apple thì Việt Nam thời gian tới sẽ thu hút được hàng loạt dự án công nghệ khác. Không chỉ các dự án này sẽ tạo ra nhiều lao động từ phổ thông đến trung, cao cấp và thậm chí quản lý mà còn kéo theo nó sẽ là những trung tâm nghiên cứu và phát triển, chuyên cho ra đời những công nghệ mới nhất. Theo sau là các nhà máy, các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm phụ trợ đi kèm. Chẳng hạn sau các nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung và Nokia (sau này bán lại cho Microsoft), thì đã có một công ty vốn đầu tư từ Nhật chuyên chế tạo một số bộ phận trong dây chuyền sản xuất điện thoại di động đã được thành lập tại TP.HCM chuyên cung ứng cho các nhà máy trên.
“Có thể nói rằng Việt Nam đã từng bước trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động, máy tính toàn cầu. Đặc biệt nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhưng toàn bộ nhân sự từ lao động phổ thông đến lãnh đạo cao nhất cũng là người Việt. Nguồn lao động đã có kinh nghiệm, được chuyển giao công nghệ sẽ trở thành lợi thế lớn nhất mà chúng ta đã tạo ra được khi đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các tập đoàn công nghệ nước ngoài vào đầu tư”, ông Đỗ Khoa Tân nói.
Mai Phương/ TNO