+
Aa
-
like
comment

VIỆT NAM TRÊN QUẢNG TRƯỜNG ĐỎ: LỊCH SỬ GỌI TÊN CHÍNH NGHĨA VÀ TRI ÂN

Thu An - 12/05/2025 16:22

80 năm ngày Chiến thắng Vệ quốc, Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Quảng trường Đỏ, khẳng định: “Sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của Nhân dân Trung Quốc, Nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật.” Lời nhắc ấy, không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà còn là một tín hiệu ngoại giao giữa lúc thế giới đang chia rẽ sâu sắc.

Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đi Lễ Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ

Trong số các quốc gia “đang phát triển”, Việt Nam nổi bật khi cử Đội Quân nhân Danh dự cùng đoàn đại biểu cấp cao tới Moskva tham dự duyệt binh. Trong bối cảnh Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng “bốn không” hành động này mang ý nghĩa đặc biệt: chọn đứng về phía chính nghĩa lịch sử, tri ân những thế hệ đã ngã xuống để “giải phóng loài người” khỏi chủ nghĩa phát xít.

Lịch sử Việt-Nga (Liên Xô trước đây) không phải là mối quan hệ chỉ nảy sinh từ thời chiến tranh chống Mỹ, mà sợi dây đó đã khởi nguồn từ chính Thế chiến II.

Hơn 80 năm trước, trong đội quân Hồng quân Liên Xô xuất phát từ Quảng trường Đỏ, có 7 chiến sĩ là người Việt Nam — những người trẻ tuổi đi theo lý tưởng quốc tế cộng sản, chung vai cùng Hồng quân trong cuộc chiến sinh tử với phát xít. Khi Hồng quân tiến vào Berlin, đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa phát xít Đức, đó cũng là khoảnh khắc mở ra hy vọng cho các dân tộc thuộc địa như Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân dự Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ

Chiến thắng năm 1945 không chỉ là chiến thắng của Nga, hay của liên minh Đồng minh, mà là chiến thắng chung của nhân loại — nơi các dân tộc bị coi rẻ, bị nô dịch, giành lại tư cách làm người. Đối với Việt Nam, sự kiện đó tạo điều kiện cho Cách mạng tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và trong cuộc chiến dài chống thực dân, đế quốc sau này, Liên Xô là quốc gia đã viện trợ cho Việt Nam không chỉ vũ khí, mà cả nền tảng công nghiệp, kỹ thuật, giáo dục — giúp Việt Nam “rũ bùn đứng dậy”.

Việc Việt Nam hôm nay xuất hiện trang trọng tại Lễ Chiến thắng ở Moskva không phải là chuyện “chính trị quyền lực” thuần túy. Đó là cách Việt Nam khẳng định: nhớ ơn những ai đã giúp mình tồn tại và phát triển là một phần đạo lý dân tộc. Nhất là khi sợi dây ấy từng được dệt bằng xương máu của cả người Nga và người Việt Nam cách đây 80 năm.

Trong bối cảnh quốc tế phân cực hiện nay, khi các giá trị về chính nghĩa và lịch sử bị hoài nghi, Việt Nam bằng sự hiện diện của mình, như đang gửi đi một thông điệp: chính nghĩa không phải là thứ có thể mặc cả, và lịch sử — dù xa xưa — vẫn là điểm tựa để các quốc gia nhỏ bé giữ vững tư thế tự chủ.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều