Việt Nam trải qua hai ngày liên tiếp không có người mắc Covid-19 mới
Sau trường hợp mắc mới được ghi nhận tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (ngày 16/4), nước ta chưa có thêm bệnh nhân.
Tính tới 18h ngày 18/4, Bộ Y tế thông báo Việt Nam có 268 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
60 giờ chưa có ca bệnh mới
Như vậy, sau trường hợp mắc mới được ghi nhận tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang ngày 16/4, nước ta chưa có thêm bệnh nhân. Từ 14-16/4, mỗi ngày, nước ta chỉ có thêm một bệnh nhân mới.
Hiện nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 62.998. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 279, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.338, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 51.381.
67 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 cơ sở y tế. Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 14 ca, 2 lần âm tính là 5 ca.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, 3 bệnh nhân nước ngoài được công bố khỏi bệnh gồm 1 bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ (TP.HCM), 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tại Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19”.
Trung tâm này thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn.
Người bệnh điều trị tại tuyến dưới cũng được hưởng chăm sóc sức khoẻ như tuyến trên bởi khi cần thiết. Các chuyên gia đầu ngành sẵn sàng cùng hội chẩn phương án điều trị cho bệnh nhân bằng hình thức trực tuyến từ xa.
Đến giờ phút này, tất cả bệnh nhân Covid-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Chính vì thế, các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công.
Trường hợp nặng nhất là bệnh nhân phi công người Anh (BN91) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng đã có nhiều tiến triển, tri giác đã cải thiện, khí máu cải thiện. Tình trạng rối loạn đông máu kiểm soát tốt. X-quang phổi không tổn thương xấu thêm. Lãnh đạo Bộ Y tế hy vọng với sự nỗ lực của các y bác sĩ điều trị, bệnh nhân này sẽ qua được “lưỡi hái tử thần”.
Bộ Y tế đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.
Hoài Nam (t.h)