Việt Nam top 5 thế giới nuôi lợn, bất ngờ thiếu ăn, ồ ạt nhập khẩu
Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất thịt lợn với sản lượng 2,8 triệu tấn. Song, 7 tháng đầu năm nay, thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam tăng gấp 3,4 lần về lượng và 4,3 lần về giá so với cùng kỳ năm 2018.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 10/9, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 7.459 xã thuộc 639 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên đến gần 5 triệu con, với trọng lượng 282.426 tấn (chiếm 7% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước).
Điều đáng lo ngại là sau một thời gian im ắng, tại một số địa phương dịch tả lợn châu Phi lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 1/7/2019, tổng đàn lợn của cả nước chỉ còn lại 22,2 triệu con, giảm 18,5%; trong đó, đàn nái là 3,2 triệu con, giảm 20%.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Hòa Kỳ, năm 2018, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản xuất thịt lợn với sản lượng 2,8 triệu tấn.
Song, từ đầu năm 2019 tới nay, chúng ta phải nhập khẩu số lượng thịt lợn khá lớn. Cụ thể, 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 11,7 ngàn tấn thịt với kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh một phần để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trong nước do dịch tả lợn châu Phi hoành hành.
Thực tế, tại các tỉnh thành trên cả nước, sau một thời gian chìm trong khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi, kéo giá lợn xuống mức thấp khiến nông dân thua lỗ nặng, thì gần đây giá thịt lợn hơi xuất chuồng đã quay đầu tăng mạnh, dao động từ 46.000-50.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nguồn cung bắt đầu khan hiếm.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận, tại thị trường trong nước cũng có những dự báo giá lợn sẽ lên cao, thập chí rất cao trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở. Bởi nguồn cung heo tại Việt Nam và các nước lân cận, nhất là lượng heo từ Trung Quốc cũng đang giảm mạnh vì bị ảnh hưởng do dịch.
Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng qua, giá lợn hơn vẫn xoay quanh mức 48.000-50.000 đồng/kg, điều này cho thấy sức cung vẫn còn.
Theo ông, việc thiếu thịt lợn trong dịp Tết tới thì vẫn chưa có căn cứ nào để tính được cụ thể. Song, từ thực tiễn, dự báo giá thịt lợn sẽ tăng cao, có thể tăng lên mức 55.000-60.000 đồng/kg vào những tháng cuối năm.
Điều này cho thấy, số lợn còn lại khoảng 93%, cùng với đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, thủy sản, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn an toàn sinh học thì chưa đáng lo ngại về nguồn cung.
Ngay từ khi có dịch, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi đại gia súc, sau 8 tháng đã có tốc tăng trưởng khoảng 3% về sản lượng. Chăn nuôi gia cầm được đẩy mạnh với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tăng từ 11-13%, với 409 triệu con gia cầm, 11,6 tỷ quả trứng sẽ phần nào bù đắp được thiếu hụt nguồn cung từ thịt lợn.
Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, 8 tháng vừa qua, sản lượng đã tăng trưởng 5,7%, và dự kiến trong cả năm 2019 này, sản lượng thủy sản sẽ tăng 8%, đảm bảo cả chỉ tiêu xuất khẩu và tăng trưởng.
Chưa kể, tổng kết tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35-40%. Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng là trải qua 8 tháng dịch tả lợn châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả, giúp ổn định đàn lợn, ông Tiến cho hay.
Thịt gia cầm (từ 2016-2018) bình quân nhập khẩu khoảng 85-128 ngàn tấn/năm với kim ngạch nhập khẩu từ 80-116 triệu USD/năm. Riêng 7 tháng đầu năm nhập 87,8 ngàn tấn với kim ngạch nhập khẩu là 78,6 triệu USD. Trâu bò sống và thịt trâu bò (từ 2016-2018) bình quân nhập khẩu 450-460 triệu USD/năm.
(Theo Như Băng/Vietnamnet)