Việt Nam – Toàn bộ quốc gia được huy động để cứu người khỏi Covid-19
Đây là bài viết cuối cùng về Việt Nam của “chiến sỹ” quốc tế Andre Vltcheck, ngày 30/7/2020. Nay, Cánh Cò xin trích lại nguyên văn như sau:
Khi tôi lớn lên ở Tiệp Khắc và Liên Xô, chúng tôi đã được giáo dục rằng ngay cả khi chỉ một người duy nhất gặp nguy hiểm, toàn bộ đất nước đều cần dừng lại để chiến đấu cho sự sống còn của anh ấy hoặc cô ấy.
Đó là cách chúng tôi đã lớn lên. Đó là văn hóa của chúng tôi hoặc gọi nó là nền tảng thế giới quan của chúng tôi.
Tôi nhớ, một lần có vụ nổ ở Bohemia, một nồi hơi đã nổ tung và mọi người bị chôn vùi trong đống đổ nát của tòa nhà chung cư bị sập. Mọi thứ đều dừng lại. Thiết bị cứu hộ được phái đến từ mọi nơi trên toàn quốc, hàng ngàn tình nguyện viên đã đến khu vực thảm họa để giúp đỡ. Tại thời điểm đó, cứu sống con người là tất cả những gì quan trọng nhất.
Tất nhiên, so với người phương Tây, chúng tôi hồn nhiên, nhiệt tình và chân thành. Hoa Kỳ, Anh, Đức đã sử dụng các mạng vô tuyến tuyên truyền cùng việc in tài liệu để truyền bá, “bắn phá” vào chúng tôi, bằng chủ nghĩa hư vô sâu sắc, sự hoài nghi và một sự nhại lại, họ tỏ ra buồn bực về thực tế là chúng tôi luôn nhận thấy cái gì mới thực sự là điều quan trọng nhất.
Nhưng rồi, chúng tôi đã tự nuốt mất thông tin. Chúng tôi đã bị tẩy não để trở nên phi ý thức hệ, luôn hoài nghi, đầy châm biếm u ám. Tuyên truyền, phản biện ở Đông Âu rất yếu, so với loại “bia” nồng độ cao được sản xuất tại London và Washington. Vì điều đó, mô hình chủ nghĩa xã hội của chúng tôi ở châu Âu cuối cùng đã bị đánh bại, bị phá hủy. Nhưng nó đã không bị hủy hoại ở tất cả mọi nơi. Một số quốc gia và người dân của họ đã mạnh mẽ lên, mạnh hơn rất nhiều và quyết tâm cao độ hơn hẳn chúng tôi ở Tiệp Khắc cũ. Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam đã là một trong số các quốc gia này.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2020, tạp chí New Oriental Outlook đã xuất bản một bài tiểu luận của tôi về thành công to lớn của Việt Nam, bao gồm cuộc chiến hoành tráng chống lại Covid-19. Bài báo đó có tên: “Thành công rực rỡ nhưng bí mật của Việt Nam”. Cho đến thời điểm này, vẫn không một người nào chết vì nguyên nhân chính là do Covid-19 tại quốc gia ngày càng tiến bộ này, với dân số gần 100 triệu người. Và thành công đáng kinh ngạc như vậy đạt được không phải là nhờ những biện pháp phi lý và tàn bạo, giống như những gì đã được áp đặt ở hầu hết các quốc gia phương Tây. Nói chính xác, Việt Nam đã giãn cách toàn bộ xã hội chỉ trong ba tuần, nhưng sau đó, các quy tắc giãn cách xã hội đã được nới lỏng từng phần hợp lý và hoàn toàn giảm xuống vào cuối tháng 4. Các doanh nghiệp và trường học đã dần mở cửa trở lại.
Trong một thời gian khá dài, đã không có trường hợp nhiễm mới nào tại bất cứ địa phương nào được phát hiện, trong khoảng 3 tháng và cuộc sống bắt đầu trở lại hoàn toàn bình thường, ngoại trừ du lịch nước ngoài vẫn chưa được phép. Sau đó, đột nhiên, vào cuối tháng 7, một trường hợp mới xuất hiện, sau đó là ba người, rồi số người nhiễm bệnh đang tiếp tục tăng lên. Nhưng những gì tiếp theo vẫn là tuyệt vời. Gần như ngay lập tức, một quốc gia xã hội chủ nghĩa tiếp tục quyết tâm vươn lên. Một trận chiến mới lại bắt đầu. Vô số máy bay phản lực dân sự đã hạ cánh xuống thành phố Đà Nẵng, nơi không chỉ là “điểm đến du lịch”, mà còn là thành phố lớn thứ ba ở Việt Nam với một sân bay quốc tế hoàn toàn mới. Một trong những hành động sơ tán lớn nhất trong lịch sử đã bắt đầu. Cả nước đã lập tức hành động, sốt sắng, thay mặt cho nhân dân. Đó là “dân chủ trực tiếp” tại nơi làm việc, là mục tiêu: “cuộc sống của mọi người là trên hết”, hay đó chính là bản chất của “Chủ nghĩa xã hội với đặc điểm của Việt Nam”.
80.000 người đã nhanh chóng được sơ tán, cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Việc truy tìm các trường hợp có nguy cơ được thực hiện có hiệu quả, cũng như việc xác định các tâm dịch và tiến hành xét nghiệm mở rộng, đã lập tức được triển khai.
Vào ngày 27/7/2020, CNN và các cơ quan truyền thông toàn cầu khác đã báo cáo: “Chính phủ Việt Nam đang sơ tán 80.000 người, chủ yếu là khách du lịch trong nước từ thành phố nghỉ mát nổi tiếng Đà Nẵng sau khi 3 cư dân cho kết quả dương tính với coronavirus. Chính quyền Việt Nam đang gấp rút ngăn chặn một đợt bùng phát mới tiềm tàng sau khi quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận trường hợp Covid-19 lây nhiễm tại cộng đồng đầu tiên sau 100 ngày. Sau khi vụ việc được công bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu truy tìm dấu vết và tiến hành xét nghiệm quy mô lớn được thực hiện trên toàn thành phố, theo thông cáo báo chí của chính phủ. Chính phủ đã đưa ra quyết định quyết liệt để bắt đầu sơ tán 80.000 người khỏi Đà Nẵng, một quá trình mà họ nói sẽ mất 4 ngày. Các hãng hàng không trong nước đang khai thác khoảng 100 chuyến bay hàng ngày đến 11 thành phố trên cả nước, theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Việt Nam”. Đó là những hành động cực kỳ ấn tượng, thậm chí ngoạn mục!
Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần, gần nhất là vào tháng 2/2020, làm việc tại Đà Nẵng, cùng những nơi khác. Và sau đó, rất gần đây, tôi đã đi đến Mỹ để báo cáo về tình hình ở Việt Nam. Sự tương phản là không thể tin nổi: Một quốc gia trẻ, đang trỗi dậy, tự tin, lạc quan so với một đế chế đang trong sự suy tàn không thể đảo ngược bởi sự suy đồi, đồi trụy và yếm thế.
Tôi thường nghĩ: Có lẽ, chúng ta đã thua ở một số nơi, từ hơn 30 năm trước, đặc biệt là ở châu Âu, nhưng những gì đang xảy ra ở Việt Nam, Lào, Trung Quốc và các nước châu Á khác, chắc chắn là một chiến thắng tuyệt vời. Tuy nhiên, đó là những gì mà tôi đã gọi là “chiến thắng bí mật”. Một chiến thắng bị coi thường, bị bôi nhọ ở phương Tây. Để tận hưởng, thậm chí để phát hiện ra nó, người ta phải sống ở Châu Á, hiểu và thuộc về nó.
Tôi biết chính xác những gì sẽ được các nhà phân tích phương Tây ám chỉ. Nhiều khả năng, họ sẽ nói: Phản ứng của Việt Nam chưa tương xứng với mối đe dọa. Hoặc họ sẽ nói ngược lại rằng đó là một phản ứng tốn kém đối với chỉ một vài trường hợp được phát hiện. Có lẽ đó là sự thật, được quan sát trên quan điểm tư bản phương Tây. Nhưng Việt Nam đã phản ứng như một đất nước có một trái tim lớn thay vì những đồng đô la. Không ai bị chết đói do cuộc di tản khổng lồ, anh hùng này. Nó không phải là “hoặc”, “lẽ ra” và cũng không phải như tư duy của phương Tây: “Nếu chúng ta hành động và đưa hàng chục ngàn người đến nơi an toàn, hàng triệu người khác sẽ mất việc làm và hỗ trợ xã hội”.
Ở Tiệp Khắc cũ, khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi có một người bạn Việt Nam. Chúng tôi học tiếng Anh cùng nhau trong một trường ngôn ngữ. Anh ấy đến Pilsen để học ngành kỹ thuật. Đất nước của anh khi đó vẫn đang bị hủy hoại, sau một cuộc chiến tàn khốc với phương Tây. Chúng tôi thường đi uống cà phê hoặc bia cùng nhau. Anh ấy nói với tôi rất nhiều về Việt Nam. Anh nhớ nó, vô cùng. Hai thập kỷ sau, tôi đã đến Hà Nội sinh sống.
Một điều nổi bật về Việt Nam là người dân của họ vừa dũng cảm, cứng rắn như thép, đồng thời họ lại vẫn dịu dàng, đáng mến, thi vị. Họ đã đánh bại nhà nước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh. Nay, cuộc chiến của Việt Nam chống lại Covid-19 cũng rất độc đáo. Đó là sự kết hợp giữa nhẹ nhàng và mạnh mẽ, lý trí cũng như tình cảm. Với việc lập tức vận chuyển 80.000 người đến nơi an toàn, bằng cách huy động gần như toàn bộ lực lượng “phòng thủ dân sự”, Việt Nam đã viết thêm một bản sử thi mạnh mẽ khác. Đó là một bài thơ, sẽ được đọc, không nghi ngờ gì, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính xác đó là một “tác phẩm nghệ thuật’, và những hành động như vậy, đang tạo thành một câu chuyện về một quốc gia tầm cỡ. Và rõ ràng họ cũng đang trở thành một trong những trụ cột của chủ nghĩa xã hội chân chính.
Nhà điêu khắc người Thụy Sĩ tài giỏi, Alberto Giacometti, đã từng thốt lên: “Nếu tôi phải lựa chọn giữa toàn bộ nghệ thuật và cuộc sống của một con chó, tôi sẽ chọn con chó”. Đối với anh, cuộc sống, bất kỳ cuộc sống nào, phải là mục đích cao cả đầu tiên. Cuộc sống của bất kỳ con người nào cũng phải được quan tâm đầu tiên. Vì nó là vô giá. Ngay cả cuộc sống của một người già sắp chết cũng là vô giá, đó là một vấn đề mang tính nguyên tắc. Và ý thức cao cả như vậy có thể đạt được, rõ ràng đã đạt được ở các quốc gia như Việt Nam và Cuba.
Một khi quy tắc này bị xâm phạm, toàn bộ cấu trúc xã hội sẽ sụp đổ. Do đó, không thể để nó xảy ra, nó không được phép sụp đổ. Điều đang diễn ra ở Việt Nam là một ví dụ đẹp về cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa nhân văn. Có lẽ phương Tây đã quá xa vời với điều đó. Có lẽ con người ở phương Đông xã hội chủ nghĩa và phương Tây tư bản, đã không thể hiểu, không thể nghe thấy nhau nữa.
Hàng trăm máy bay chở khách của Việt Nam đã cất cánh, đưa mọi người đến nơi an toàn. Bất chấp mọi chi phí, miễn là con người có thể được an toàn, miễn là họ có thể sống sót. Thật là “phi lý” khi dám đối đầu với thực dân Pháp, đấu tranh cho tự do với hy vọng chiến thắng. Thật là “dại dột” khi dám chống lại đế quốc Mỹ để bảo vệ đất nước, chống lại ném bom rải thảm B-52, napalm, hãm hiếp và tra tấn có hệ thống của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam đã dám và chiến đấu như rất ít quốc gia đã làm trong lịch sử hiện đại, và cuối cùng, họ đã thắng. Chúng ta đừng quên: Tình yêu cũng là phi lý. Tuy nhiên, nó là sự “phi lý đáng sống”.
Bây giờ, với việc Covid-19 trở lại một lần nữa, cho đến nay Việt Nam vẫn đang là mô hình thành công nhất trên trái đất. Đó là bởi vì họ luôn đặt cuộc sống của con người lên trên lợi nhuận, và trên tất cả mọi thứ khác. Đó là bởi vì mục tiêu của trận chiến lớn này thực sự vô cùng đẹp đẽ, đó là một bản sử thi và một bài hát đầy đam mê của người Việt.
Đây thực chất là cách mà các quốc gia cần thực hiện để đạt được sự vĩ đại: không phải bằng cuộc rượt đuổi kinh tế để tăng GDP và kho vũ khí, mà phải bằng trái tim, chủ nghĩa nhân văn, quyết tâm cao độ và tình yêu, lòng vị tha vô bờ bến đối với nhân dân và đất nước của mình.
Ngô Mạnh Hùng (dịch)