+
Aa
-
like
comment

Việt Nam tiếp tục theo dõi nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc

09/08/2019 07:35

Chiều 7/8, nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đã dừng khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo dõi.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 8/8 để trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật thông tin về hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 08.

Việt Nam tiếp tục theo dõi  nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc - ảnh 1
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. 

Bà Hằng khẳng định, trong những ngày qua, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp ở các cấp và dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế, UNLOS 1982. Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam và luôn thể hiện thiện chí, sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển tại biển Đông, cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia.

Từ đầu tháng 7, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Hành vi của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu quyết liệt tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và các hội nghị liên quan vừa diễn ra ở Thái Lan.

Theo Phó Thủ tướng, các hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã phát biểu rất thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị, vì thế được nhận sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước. Nhiều bộ trưởng thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở biển Đông.

Về câu hỏi Việt Nam sẽ có biện pháp gì nếu nhóm tàu Trung Quốc quay lại, bà Hằng nói rằng, Việt Nam luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, bằng các biện pháp hòa bình.

Không có lợi khi tuyên truyền thông tin trái sự thật

Trả lời câu hỏi về thông tin trên báo chí Trung Quốc nói rằng nước này sắp lưu hành sách giáo khoa lịch sử mới dành cho bậc trung học phổ thông, trong đó có nội dung nói rằng các khu vực như Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Hoa Nam) đều là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại, bà Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ tương lai bằng thông tin trái sự thật lịch sử và luật quốc tế không có lợi cho quan hệ 2 nước, bà Hằng nói.

Về câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc USS Ronald Reagan, một trong những tàu sân bay lớn nhất của Mỹ, vừa đi vào biển Đông trong tình hình căng thẳng hiện nay, bà Hằng nói rằng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định tôn trọng quyền tự do an ninh, an toàn hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong các nước đóng góp thiết thực và trách nhiệm cho mục tiêu đó”, bà Hằng nói.

(Theo Tiền Phong)

Bài mới
Đọc nhiều