Việt Nam tiếp tục là điểm đến kinh doanh hàng đầu thế giới
Việt Nam là quốc gia có động lực lớn nhất trên toàn thế giới, tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng địa điểm kinh doanh tốt nhất thế giới. Đây là kết quả từ bảng xếp hạng hàng năm của Tập đoàn Thông tin Kinh tế (Economist Intelligence Unit – EIU).
Theo báo Straits Times, EIU đánh giá một quốc gia/vùng lãnh thổ dựa trên nhiều hạng mục, để đánh giá quản lý trong 5 năm trước đó và khả năng phát triển trong 5 năm tiếp theo. Bảng xếp hạng của EIU đo lường chất lượng và mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại 82 quốc gia và nền kinh tế, không chỉ dựa trên các điều kiện lịch sử mà còn dựa trên triển vọng trong 5 năm tới.
Mô hình này đánh giá 11 nội dung, bao gồm môi trường chính trị, môi trường kinh tế vĩ mô và cơ hội thị trường. Mỗi hạng mục có 1 số chỉ số được EIU đánh giá trong 5 năm qua và 5 năm tiếp theo.
Những quốc gia cải thiện nhiều nhất trong xếp hạng của EIU trong năm qua là Việt Nam, Thái Lan, Bỉ, Thụy Điển, Ấn Độ và Costa Rica.
Trong khi đó, Trung Quốc, Bahrain, Chile và Slovakia là những quốc gia có sụt giảm lớn nhất. Trong đó, Trung Quốc tụt hạng nhiều nhất trên toàn cầu với 11 bậc so với một năm trước đó. EIU cho biết rằng, việc chấm dứt chính sách zero-COVID là một tin tốt đối với các công ty hoạt động tại Trung Quốc, tuy nhiên những thay đổi về quy định và chi phí tăng đang gây áp lực lên môi trường kinh doanh và giảm cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế.
Trong tuần vừa qua, nhiều tờ báo và tổ chức quốc tế cũng tiếp tục đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, cho rằng Việt Nam là điểm đến hàng đầu của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mặc dù kinh tế của Việt Nam vẫn đang chịu nhiều tác động rủi ro từ kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, tờ The Star của Malaysia đưa tin vào ngày 13/4 rằng Việt Nam là điểm đến FDI hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu. Báo này trích dẫn số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào ngày 11/4 cho biết 36% doanh nghiệp châu Âu xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, top 3 hoặc top 5 điểm đến hàng đầu. Báo cũng nhấn mạnh rằng ổn định chính trị, khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam trong vai trò một địa điểm đầu tư năng động.
Trong khi đó, trang Vietnam Briefing có bài viết cho biết Việt Nam đã bổ sung 2,35 tỷ USD vốn FDI trong tháng 3 và đưa ra bảng thống kê chi tiết về các quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam trong tháng đó. Theo trang này, ngành sản xuất và chế biến tiếp tục chuỗi thắng lợi trong tháng 3, mang về thị phần FDI lớn nhất với tổng trị giá hơn 1,8 tỷ USD.
Theo tờ dailynigerian, báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2022 của Việt Nam cho thấy sự lạc quan của công chúng về nền kinh tế đất nước, với 66,1% số người được hỏi đánh giá tích cực.
Việt Nam có thể chiếm chọn sự chú ý của câc nhà đầu tư, kinh doanh cũng bởi vì Chính phủ Việt Nam đã liên tục có những nỗ lực đáng kể để có thể cải thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý. Đầu tiên phải kể đến việc điều chỉnh, đưa ra Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư Việt Nam năm 2014 đã giảm bớt đi những thủ tục hành chính rắc rối, lằng nhằng cho các doanh nghiệp. Cuối 2020, Quốc hội đã thông qua sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Đầu tư, đã có hiệu lực vào đầu năm 2021.Từ đó mà các doanh nghiệp FDI đã được tạo điều kiện thuận lợi hơn để có thể sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, với vị trí địa lý thuận lợi, có đường bờ biển dài và chung đường biên giới với nhiều quốc gia khác, Việt Nam có thể coi là một bệ phóng để tiếp tục trở thành thị trường đầu tư tiềm năng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác cũng là lý do không thể thiếu khi đề cập đến việc đầu tư vào Việt Nam đó là sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của đất nước này.
Với gần 100 triệu dân, trong đó theo số liệu từ Tổng cục thống kê năm 2022, có tới 68.1% dân số tham gia lực lượng lao động. Việt Nam đứng thứ 15 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới, cung cấp cho thị trường nguồn lao động không chỉ dồi dào mà còn có chuyên môn cao.
“Việt Nam đã chứng tỏ sức hấp dẫn và thế mạnh của điểm đến đầu tư “thời khủng hoảng”, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, đánh giá vị thế Việt Nam thời điểm hiện tại.
Tuệ Ngô