Theo tin tức từ Bloomberg, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, và Campuchia được xem là những người “chiến thắng” trong bối cảnh Mỹ đang đa dạng hóa việc sản xuất chất bán dẫn và giảm phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất truyền thống.
Theo dữ liệu từ US Census, nhập khẩu chip của Mỹ đã tăng 17% so với năm ngoái, lên đến 4,86 tỷ USD trong tháng 2, trong đó châu Á chiếm 83% tổng số.
Cụ thể, hàng nhập khẩu chip từ Ấn Độ đã tăng 34 lần lên 152 triệu USD, trong khi Campuchia đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 698%, chỉ đứng sau Nhật Bản với mức 166 triệu USD, là con số chưa từng thấy trong những năm trước.
Tổng thống Biden cho biết mặc dù chất bán dẫn được phát minh ở Hoa Kỳ, nhưng nhiều công ty Mỹ đã chuyển công việc sản xuất ra nước ngoài. Hoa Kỳ phụ thuộc vào Đông Á nơi chiếm 75% năng lực sản xuất sản phẩm toàn cầu.
Cả Việt Nam và Thái Lan, hai quốc gia có thị trường sản xuất chip lớn hơn, đã tăng thương mại với Mỹ trong lĩnh vực này lần lượt là 75% và 62%. Việt Nam đã chiếm hơn 10% tổng số hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.
Điều này được đặt trong bối cảnh các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại về mức độ phụ thuộc ngày càng tăng của nước này vào các nhà cung cấp chip nước ngoài, chẳng hạn như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, để sản xuất chip tiên tiến.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hàng năm ở Colorado vào tháng 7 năm ngoái rằng sự phụ thuộc này là không thể kiểm soát và không an toàn.
Số liệu mới nhất này cho thấy Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện tử của mình, bao gồm thông qua các động thái như việc Apple Inc. dần dần chuyển hoạt động sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc đến các địa điểm như Việt Nam, Ấn Độ.
Vào tháng 2, Reuters đã dẫn nguồn tin từ 2 nguồn đáng tin cậy cho biết, tập đoàn Intel đang xem xét tăng đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD tại Việt Nam để mở rộng nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại khu vực Đông Nam Á.
Động thái này, được cho là trị giá khoảng 1 tỷ USD, đồng nghĩa với vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về ngành công nghệ bán dẫn.
Một trong những nguồn tin cho biết, khoản đầu tư này có thể sẽ được thực hiện “trong những năm tới” và có thể còn lớn hơn 1 tỷ USD, trong khi nguồn tin thứ hai cho biết Intel đang cân nhắc đầu tư thay thế vào Singapore và Malaysia. Nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại Việt Nam là nhà máy lớn nhất thế giới của Intel.
Việt Nam cũng đang tích cực đẩy mạnh mở rộng ngành sản xuất chip, thu hút sự quan tâm của nhiều công ty nước ngoài.
Một giám đốc điều hành ngành công nghiệp Mỹ đã cho biết với Reuters rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực lắp ráp và thiết kế chip, trong khi việc phát triển nhà máy sản xuất chip vẫn còn khá xa.
Trước đó, nhà sản xuất phần mềm chip Synopsys cũng thông báo đang chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư tại Việt Nam. Synopsys cũng dự định đào tạo kỹ sư ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam và hỗ trợ Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm.
Synopsys, một trong những công ty hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) hay phần mềm thiết kế chip, đã thể hiện sự đánh giá cao vị trí của Việt Nam trong thị trường toàn cầu. Theo tờ Nikkei Asia, động thái này của Synopsys là một bước đi được đánh giá cao.
Ông Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys, cho rằng một trong những thách thức lớn của ngành sản xuất chip hiện nay là thiếu nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về nhân lực và chi phí lao động thấp hơn so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia.
Giám đốc Kinh doanh của Synopsys, ông Adrian Ng Siong Teck, cũng cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia mà Synopsys đang tập trung đầu tư trong đợt kêu gọi thu hút đầu tư mới nhất.
Tác giả: Tuệ Ngô
Đồ họa: M.N