+
Aa
-
like
comment

Việt Nam thuộc 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới

29/12/2020 10:05

“Hôm nay, nhìn lại cả chặng đường đã đi, tôi vui mừng được chia sẻ rằng đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28-12.

Việt Nam thuộc 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 1.
Container hàng hóa chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái, quận 2, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, biên cương, bờ cõi được giữ vững, niềm tin được củng cố, niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên…

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương cũng đưa ra nhiều kiến nghị để thúc đẩy phát triển trong năm 2021.

Quốc gia hiếm hoi có tăng trưởng

Theo Thủ tướng, năm 2020 dưới tác động của COVID-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.

Nhìn rộng hơn, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế mà công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội.

Nhấn mạnh sứ mệnh kiến tạo một môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng nói không chỉ đầu tư những dự án lớn mà cũng không được bỏ sót những dự án nhỏ, những con đường, chiếc cầu ở nông thôn, miền núi. Giao thông, hạ tầng viễn thông cũng sẽ được nâng cấp và bao phủ hơn nữa, nhất là mạng 5G.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, không ai bị bỏ rơi do chi phí vắcxin COVID-19 cao vượt khả năng chi trả. Nhà nước sẽ đầu tư để có được một hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và chi phí phù hợp cho mọi người dân, nhất là đối với người dân vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo.

Việt Nam thuộc 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 2.
Dữ liệu: NGỌC AN – Đồ họa: T.ĐẠT

Năm 2021 Việt Nam sẽ làm gì?

Đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu năm 2021, Thủ tướng cho hay Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2021 sẽ đạt 6,5%, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra là 0,5%. Do đó, phương châm hành động của năm 2021 là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”. Tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Các giải pháp trọng tâm được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là: kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.

Đồng thời, Chính phủ cũng đặt mục tiêu quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Năm 2021 cũng là thời cơ Chính phủ kỳ vọng phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thành Phong (chủ tịch UBND TP.HCM): Sớm có nghị quyết hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị

nguyenthanhphong

TP.HCM sẽ nỗ lực hơn nữa trong những tháng của quý đầu năm 2021, tạo đà hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.

Trong đó tập trung triển khai kế hoạch tổ chức chính quyền đô thị tại TP để đảm bảo đúng tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã và nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP Thủ Đức, trình các cơ quan trung ương thông qua thời gian tới.

TP cũng tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, song song với việc thực hiện 51 nội dung chương trình đề án, gắn với 3 đột phá về đổi mới phát triển hạ tầng nhân lực, văn hóa, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực.

TP đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đẩy mạnh thiết kế đô thị, phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai.

Nhằm tạo điều kiện để TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, TP kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM theo nghị quyết của Quốc hội trước 1-1-2021.

Hiện TP.HCM đã chủ động và khẩn trương phối hợp Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo nghị định trình Chính phủ. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi tiến hành cổ phần hóa để kịp thời tổ chức cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Tường Văn (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh): Giữ địa phương an toàn, phát triển trong tình hình mới

nguyen-tuong-van

Năm 2020, tỉnh đã quyết tâm thúc đẩy đầu tư công với phương châm lấy đầu tư công để dẫn dắt môi trường đầu tư.

Cùng với đó, tỉnh tập trung gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp, có những dự án đầu tư thời gian cấp phép chỉ 22 giờ sau khi nhà đầu tư nộp đủ hồ sơ.

Bí thư các cấp trực tiếp là trưởng ban giải phóng mặt bằng để gỡ vướng tại địa phương kịp thời, như dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, chỉ sau 15 ngày vận động, người dân đã bàn giao mặt bằng, hoàn toàn không hề có cưỡng chế hay khiếu nại.

Năm 2021, tỉnh xác định tiếp tục giữ là địa phương an toàn và phát triển trong tình hình mới, phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10%.

Ông Trần Việt Trường (chủ tịch UBND TP Cần Thơ): Đẩy mạnh phát triển công nghiệp

tran-viet-truong

Kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng vẫn khó khăn, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để… cần khắc phục tình trạng này.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, cần thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, giãn thuế…, xem xét, chấp thuận phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp làm cơ sở kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến…

N.AN – T.LONG

Ông Đậu Anh Tuấn (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam): Đánh giá độc lập về hiệu quả các chính sách hỗ trợ

Chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, ngay từ đầu năm Chính phủ đã có những giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội. Tiêu biểu như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020; giảm tối thiểu 50% mức thu hơn 40 khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực hàng không, chứng khoán, y tế… giúp người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi khoảng 500 tỉ đồng.

Mặt khác, Chính phủ còn gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất hay gói hỗ trợ “tiền tươi thóc thật” 62.000 tỉ đồng…

Dự báo trong năm 2021 dịch COVID-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cũng cần rà soát, đánh giá độc lập về hiệu quả thực sự của các chính sách hỗ trợ vừa qua để năm 2021 có những gói hỗ trợ khả thi và kịp thời. Mặt khác, cần thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn.

L.THANH

THANH HÀ – NGỌC AN/TTO

Bài mới
Đọc nhiều