Việt Nam thận trọng và sẵn sàng để định vị lại chính mình
“Thích ứng” có lẽ là cụm từ được nói nhiều về kinh tế trong hoàn cảnh dịch Covid-19 hoành hành trên lãnh thổ nước ta. Dù ở trong giai đoạn chống dịch nào, chúng ta cũng có cách bảo toàn nền kinh tế để hạn chế tối đa “dư chấn” của cơn bão Covid-19.
Nhớ lại thời gian đầu chống Covid-19, chúng ta vẫn thường nghe nói về “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Khi đó, Chính phủ cũng từng đặt ra yêu cầu giãn cách xã hội, đặt ra tới đâu tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh chứ không phải cả nước giãn cách. Thời điểm đó, Chính phủ còn hoan nghênh TP.HCM, Hà Nội đã dừng lại một số ngành dịch vụ, giải trí nhưng vẫn giữ các ngành sản xuất.
Không ai muốn bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 và những năm tiếp theo ảm đạm cả. Chính vì thế, sau kết quả chống dịch năm 2020 tương đối thành công, thì bước sang 2021, chúng ta đã nghiên cứu rất nhiều để làm tốt hơn, vừa bảo vệ được sức khỏe tính mạng của người dân vừa duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ đến khi dịch bệnh bùng phát diện rộng, nguy cơ lây lan cao, cần hy sinh một số yếu tố kinh tế để chống dịch thì Chính phủ mới quyết định áp dụng một số biện pháp siết chặt, đặc biệt là ở TP.HCM.
Nói là thế, nhưng ngay cả trong giai đoạn khó khăn đó, Chính phủ vẫn cố gắng rất nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, tránh tình trạng đứt gãy sản xuất. Từ việc trích ngân sách hỗ trợ, giảm mức thuế, hoãn kỳ hạn đóng thuế. Đặc biệt, Chính phủ đã ưu tiên phân bổ vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động đang làm việc ở những doanh nghiệp triển khai phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tạo ra luồng xanh trong giao thông để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động. Thậm chí, khi TP.HCM đã bước vào giai đoạn “sống chung với dịch”, Chính phủ vẫn nói rõ quan điểm hỗ trợ các doanh nghiệp giữ được hợp đồng đã ký kết và hoàn tất đơn hàng. Điều này có vai trò quyết định đến việc bảo toàn nguồn nhân lực, góp phần phục hồi kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát.
Từ đầu đến cuối, Việt Nam vẫn luôn tâm niệm tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất nhưng bên cạnh đó, Chính phủ và cả TP.HCM vẫn đang chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội, không để kinh tế đổ gãy, không để đại dịch tàn phá đất nước. Chính phủ đã phản ứng nhanh chóng, can đảm nhưng cũng rất thận trọng. GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam đã bày tỏ mong đợi sự phục hồi kinh tế Việt Nam bởi ông cho rằng “quốc gia này đã sẵn sàng để định vị lại chính mình”.
Hiện nay, vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động kinh tế diễn ra bình thường chính là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Vậy mà “Dân Làm Báo” lại đứng ngoài chọc gậy bánh xe, xuyên tạc các giải pháp chống dịch là “dùng chiêu bài chống dịch để đập tan kinh tế TPHCM”. Không chỉ muốn ly gián lòng tin của người dân vào công tác phòng chống dịch của Chính phủ mà chính ra những kẻ đứng sau trang mạng này không hề muốn kinh tế Việt Nam được phục hồi, phát triển. Chúng muốn Việt Nam nghèo đói, người dân Việt khổ sở để chúng được bề lên giọng chửi bới chính quyền. Nhưng xin thưa rằng, người dân Việt Nam đang rất đoàn kết, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh để vực dậy kinh tế. Thế nên, dã tâm của những kẻ mưu đồ chính trị sẽ không bao giờ đạt được.
Đặng Trường